MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại án Huyền Như lừa đảo: Các bị cáo là nạn nhân của 'sếp'

15-01-2014 - 09:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 14.1, phiên tòa xét xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư. Đến chiều cùng ngày, hầu hết các bị cáo đã được các luật sư tham gia bào chữa.

Bào chữa cho Trần Thanh Thanh, luật sư Phạm Thanh Khương cho rằng bị cáo Thanh (bị truy tố về tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng) có hoàn cảnh đặc biệt nhất trong các bị cáo bị truy tố ra tòa đang ngồi trước vành móng ngựa.

Cụ thể, Thanh đang giữ chức Phó phòng giao dịch Lê Thánh Tôn của Vietinbank thì ngày 16.9.2011 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thay cho Huyền Như.

Trong khi chưa bàn giao công việc cũ, chưa nhận bàn giao công việc mới, chữ ký đầu tiên là Thanh kýduyệt cho khoản vay 25 tỉ đồng sau này bị Huyền Như chiếm đoạt. Cũng vì hành vi này mà Thanh bị mất chức, bị sa thải, không còn tiền thuê nhà...

Đồng ý với ý kiến của luật sư Phan Trung Hoài bào chữa cho Phạm Thị Tuyết Anh, luật sư Khương cho rằng truy tố bị cáo Thanh theo điểm c "hành vi khác", điều 179 bộ luật Hình sự tội vi phạm cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Trong khi điểm c quy định nhưng thế nào là hành vi khác thì đang chờ hướng dẫn. Chưa có quy định “hành vi khác” là những hành vi cụ thể nào, chưa định danh hành vi này thì không có căn cứ để khởi tố xét xử. Luật sư đề nghị Tuyên bị cáo Thanh không phạm tội.

Trong khi các luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Thiên Lý vô tư ngồi đọc chuyện trong khi các bị cáo khác run rẩy với mức án khá nặng Viện KSND đề nghị

Trong khi các luật sư bào chữa, bị cáo Nguyễn Thiên Lý vô tư ngồi đọc truyện- Ảnh: L.Q

Tương tự, các luật sư bào chữa cho 9 bị cáo trong nhóm tội vi phạm các quy định cho vay (nguyên là cán bộ ngân hàng của Vietinbank) đều cho rằng bị cáo không phạm tội hoặc đề nghị HĐXX chuyển sang một tội danh khác.

Ngoài ra, các luật sư phân tích, điều 179 bộ luật Hình sự quy định tội “vi phạm các quy định về cho vay…” quy định: “Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một đến bảy năm…”.

Theo đó, muốn truy tố các bị cáo phải có yếu tố “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. “Trong khi đó, Vietinbank quả quyết rằng mình không có thiệt hại, còn thiệt hại phi vật chất thì rất khó định dạng. Hành vi thì không rõ, hậu quả thì không có, cơ sở truy tố các bị cáo là chưa vững chắc”, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch nói.

Bào chữa cho hai bị cáo Hồ Hải Sỹ và Lê Thị Ngọc Lợi, luật sư Trạch còn phân tích hai bị cáo này có sự lệ thuộc trong quan hệ công tác với cấp trên, lãnh đạo đã tiếp xúc, trực tiếp xác nhận chữ ký của khách hàng nên hai bị cáo này nhận chỉ đạo của cấp trên thực hiện việc mở tài khoản cho khách hàng là làm đúng trách nhiệm.

Các bị cáo cũng không hưởng bất kỳ lợi ích vật chất nào nên suy cho cùng hai bị cáo này cũng chỉ là nạn nhân bị chính sếp của mình lừa gạt. Từ đó, luật sư Trạch đề nghị HĐXX nên cá thể hóa hình phạt để có thể đánh giá đúng mức độ, hành vi của từng bị cáo.

Bào chữa cho bị cáo Trần Thị Tố Quyên bị truy tố về hành vi giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, luật sư Đỗ Hải Bình cho biết trước khi về làm việc cho Như, Quyên phụ chạy bàn bán cơm. Trong những lần đến quán cơm này ăn, tiếp xúc với Quyên, Như tuyển dụng Quyên vào làm nhân viên cho Công ty Hoàng Khải (công ty của Như và Võ Anh Tuấn bỏ vốn thành lập) với mức lương 2 -3 triệu đồng/tháng rồi vô tình liên quan đến đường dây lừa đảo 4.000 tỉ đồng.

Viện KSND đề nghị đến 19 năm tù là quá dài, quá nghiêm trọng so với công việc của một người chỉ làm nhiệm vụ đi giao nhận hồ sơ. Luật sư đề nghị tuyên án treo cho Quyên.

Ngày 15.1, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho các bị hại và người liên quan.


Theo Lê Quang

hangnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên