MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Đại phẫu ngân hàng” có triệt được ung nhọt nợ xấu?

27-09-2014 - 07:13 AM | Tài chính - ngân hàng

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng khó có thể hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng, về đích đúng hạn của Đề án 254 vào năm 2015.

Cho rằng đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2011-2015 đã đạt được những kết quả bước đầu, các ngân hàng yếu kém đã được sáp nhập, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các ngân hàng vẫn còn một chặng đường dài đầy thách thức phía trước trong tiến trình tái cơ cấu để có thể đạt được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất trong toàn bộ hệ thống như mục tiêu đề án đã đưa ra.

Ung nhọt của ngành ngân hàng...

Theo ông Ngô Trí Long, các ngân hàng sau hợp nhất, sáp nhập, mặc dù đã có sự tăng lên đáng kể về quy mô vốn và tài sản nhưng các thương vụ sáp nhập, hợp nhất thời gian qua mới chỉ là sự sáp nhập, hợp nhất về mặt cơ học, chứ chưa có sự cải thiện đáng kể về mặt tài chính và quản trị.

Trong khi tái cơ cấu chỉ có hiệu quả sau khi việc mua bán, sát nhập tạo ra một sắc diện mới cho chủ thể cũ. Hiện nay, tái cơ cấu mới chỉ dừng lại ở "bình mới rượu cũ", chưa có sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lẫn lượng, cũng như phương thức hoạt động

Chưa kể, nợ xấu ngày càng khó xác định và đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý cơ bản. Ðề án 254 về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đặt ra lộ trình đến năm 2015 hoàn thành cơ bản xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, mục tiêu này khó có thể thực hiện được bởi cho đến nay, mặc dù tốc độ tăng nợ xấu có giảm nhưng quy mô nợ xấu còn rất lớn, rủi ro hệ thống vẫn còn và khủng hoảng thanh khoản vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do ảnh hưởng của nợ xấu.

Theo báo cáo tài chính ngân hàng 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm so với cùng kỳ. Đặc biệt, nợ xấu của các ngân hàng cũng đồng loạt tăng. Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống hiện cuối tháng 6/2014 ở mức 4,17% tổng dư nợ, cao hơn mức 4,07% vào cuối tháng 5/2014 và mức 3,61% cuối năm 2013. Đến thời điểm này, tổng nợ xấu đã xử lý khoảng 210.000 tỷ đồng, hiện còn lại khoảng 161.000 tỷ đồng. Nợ cũ chưa giải quyết dứt điểm lại phát sinh nợ mới. Vì vậy, nếu không giải quyết dứt điểm thì đây là điểm nghẽn của nền kinh tế; còn tồn tại nợ xấu cao thì nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn. 

Nợ xấu vẫn là 'ung nhọt' của các ngân hàng thương mại. Nếu xét về tỷ lệ nợ xấu, thì đáng nói nhất nằm ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần khi đa số các tổ chức có tỷ lệ vượt 3% - ngưỡng an toàn do NHNN và các tổ chức quốc tế đặt ra. Ông Long cho rằng, việc xử lý nợ xấu hiện nay còn gặp nhiều khó khăn và hiện mới chỉ thực hiện khoanh vùng nợ xấu chứ chưa xử lý dứt điểm được.

Ma trận chằng chịt sở hữu chéo

"Hiện nay mạng lưới sở hữu chéo ở Việt Nam vẫn đang hết sức phức tạp, đã tạo thành một ma trận chằng chịt đến mức báo động", ông Long nhận định.

Theo ông Long, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng ở Việt Nam đang có xu hướng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng cũng như toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, gây cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sở hữu chéo đã gây nên một số tác động tiêu cực đến hoạt động quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động của một số tổ chức tín dụng gây ra những cản trở nhất định đến quá trình cơ cấu lại hệ thống. Có nhiều ý kiến phản ánh vấn đề sở hữu chéo và sở hữu có tính lũng đoạn trong hoạt động ngân hàng ngày càng nóng hơn, nhất là khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay tỷ lệ nợ xấu, sở hữu chéo, can thiệp của chính quyền trung ương và địa phương trong hoạt động cho vay của ngân hàng, công tác thanh tra giám sát ngân hàng… chưa thực sự phản ánh chính xác hoạt động của thị trường tài chính Việt Nam. Nguyên nhân do hệ thống pháp luật về lĩnh vực hoạt động ngân hàng còn thiếu, chóng chéo... Hệ thống thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng chưa có hiệu quả cao. Kinh tế vĩ mô tuy bước đầu có sự phục hồi, song sự chuyển biến chưa thực sự rõ nét, nên việc việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, việc huy động các nguồn vốn và tìm kiếm các nhà đầu tư cũng hạn chế.

Cần tăng cường sự minh bạch

Trước những hạn chế trên, ông Ngô Trí Long cho rằng cần phải rà soát hệ thống văn bản pháp lý theo hướng đầy đủ, đồng bộ và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đồng thời vẫn đảm bảo tính đặc thù của nền kinh tế Việt nam, tạo điều kiện thông thoáng cho các NHTM Việt nam, nâng cao hiệu lực quản lý. Chính phủ theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách thường xuyên.

Chính phủ cho triển khai cổ phần hóa sâu rộng hơn bằng cách bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trong các ngân hàng đã cổ phân hóa là: VCB, BIDV, Vietinbank và MHB. Đối với NHTM Nhà nước lớn nhất Việt Nam – Agribank cần được cổ phần hóa, nhưng vẫn đảm bảo Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Bởi hoạt động của Agribank chưa hiệu quả, nợ xấu cao. Tuy nhiên, trước khi cổ phần hóa cần được tái cấu trúc lại, phấn đấu giảm nợ xấu.

Đối với xử lý nợ xấu, trước mắt cần minh bạch hóa thông tin nợ xấu của từng tổ chức tín dụng. Để thực hiện vấn đề này, NHNN phải có biện pháp kiểm tra và giám sát chặt chẽ hoạt động của từng tổ chức tín dụng, đảm bảo các thông tin về nợ xấu do các tổ chức này cung cấp phải phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Đối với các tổ chức tín dụng cần tích cực xử lý nợ xấu, ông Long cho rằng cần thường xuyên đánh giá lại, phân loại đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ; tiếp tục cơ cấu lại nợ....

Ngoài ra, ông Long cho rằng cần minh bạch thông tin trong các tổ chức tín dụng, tiếp tục sáp nhập ngân hàng yếu kém, tăng cường năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại... Cần phải thực hiện được những điều căn bản này mới góp phần vào tái cơ cấu ngành ngân hàng, tăng cường sức khoẻ cho nền kinh tế.

>>> Ngành ngân hàng đang chuyển biến tích cực


 Hướng Dương

bachhue

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên