MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đẩy mạnh bán lẻ, trào lưu chung của các ngân hàng

21-07-2015 - 08:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngay từ vài năm trước, nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ đã được đại bộ phận các ngân hàng thương mại Việt Nam xác định là trọng tâm trong chiến lược phát triển của mình. Điều này là đúng ngay với cả những ngân hàng lớn, thuộc sở hữu nhà nước và có thế mạnh trong nghiệp vụ cho vay doanh nghiệp và/hoặc dự án.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Cho đến tận mấy năm trước đây, nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ, một mảnh đất cũng rất màu mỡ, đã chưa được khai phá đúng mức ở Việt Nam trước đây. Nguyên nhân là do mức độ phổ quát dịch vụ ngân hàng trên phạm vi toàn quốc và toàn bộ dân số ở Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn so với tiêu chuẩn của khu vực và thế giới, một thực trạng không thể tránh khỏi đi kèm với mức độ phát triển kinh tế vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần một sự đầu tư lớn vào mạng lưới, dịch vụ, nhân sự, phần mềm, và thiết bị. Do đó, trong bối cảnh nhu cầu tiềm năng còn khá hạn chế, chi phí dịch vụ bán lẻ tính trên đầu người hay giao dịch sẽ trở nên quá lớn, không kinh tế với đa số ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Nhưng nếu tìm cách tăng cước phí dịch vụ để bù đắp chi phí thì số lượng khách hàng muốn và sẵn lòng sử dụng dịch vụ bán lẻ của ngân hàng sẽ sụt giảm một cách tự nhiên hoặc bị các ngân hàng đối thủ cạnh tranh “vợt” mất khi họ cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội phát triển.

Ngược lại, cho vay doanh nghiệp và dự án thì lại “nhàn” hơn và có lợi nhuận hơn nhiều, cũng như ít rủi ro hơn so với cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vốn được ngầm định là không thể phá sản và nhà nước bảo lãnh cho các khoản vay của chúng.

Nhưng trong mấy năm gần đây ngành ngân hàng bán lẻ đã trực tiếp và gián tiếp nhận được những cú hích phát triển mới. Yếu tố quan trọng đầu tiên phải kể đến là cho vay doanh nghiệp và dự án ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Sự cạnh tranh thị trường cho vay doanh nghiệp và dự án ngày càng trở nên khốc liệt với sự ra đời và tăng trưởng về quy mô và khả năng “bao sân” của nhiều ngân hàng trong nước, cũng như sự đổ bộ của nhiều ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Song song với đó là sự co hẹp về quy mô, đồng thời đi kèm với sự xuống cấp về sức khỏe tín dụng, của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), một đối tượng cho vay chính và “mầu mỡ” với nhiều ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, từ đó đã làm giảm đáng kể các cơ hội cho vay của các ngân hàng thương mại vốn chỉ tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng cho vay này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế sụt giảm xuốn mức thấp trong mấy năm trước cũng đã làm co hẹp thị trường cho vay doanh nghiệp và dự án khi số lượng doanh nghiệp mới ra đời giảm, số doanh nghiệp đóng cửa và giải thể gia tăng. Nợ xấu gia tăng và chất lượng tín dụng đáng ngờ của nhiều doanh nghiệp cũng làm hẹp cửa cho vay các đối tượng này.

Trong khi đó, tuy là một nước đang phát triển với mức thu nhập quốc dân trên đầu người ở mức trung bình thấp trên thế giới, nhưng Việt Nam lại đang có những tiền đề thuận lợi cho phát triển ngân hàng bán lẻ như xuất phát điểm thấp, tỷ trọng dân số trẻ lớn, tốc độ và phạm vi phổ cập internet cao, tỷ trọng người dân có hiểu biết, quan tâm và cập nhật nhanh nhậy với những tiến bộ kỹ thuật trong tin học và truyền thông lớn, mức thu nhập đầu người liên tục vẫn tiếp tục được cải thiện, tuy có chậm lại so với thập kỷ trước v.v...

Về phía quản lý nhà nước, ngành ngân hàng bán lẻ cũng được tạo điều kiện thuận lợi hơn với những quy định và chỉ thị của cơ quan chủ quản trong, ví dụ, tăng cường cho vay tín chấp, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng thương mại, hạ hệ số rủi ro các khoản cho vay chứng khoán và bất động sản, khai thông cho vay tiêu dùng của các ngân hàng qua các công ty tài chính v.v...

Trước những thuận lợi và khó khăn như vậy, không khó hiểu khi nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ đã trở nên hấp dẫn và là một lựa chọn chính để giúp các ngân hàng tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhưng điều đáng nói là từ lý thuyết đến thực tế lại là một khoảng cách xa vời với rất nhiều ngân hàng. Ngay bản thân nhiều người trong cuộc qua một số cuộc phỏng vấn trực tiếp cũng phải thú nhận rằng mặc dù hay nhắc đến ngân hàng bán lẻ nhưng triển khai bắt đầu từ đâu và cụ thể thế nào thì họ cũng không thể trả lời một cách rành mạch được. Bởi thế, sẽ không lấy gì làm lạ khi “soi” chiến lược phát triển ngành ngân hàng bán lẻ của nhiều ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay lại thấy có quá nhiều điểm trùng lặp, từ phương châm, định hướng, đến giải pháp thực hiện... cứ như thể chúng được copy của nhau.

Sự “na ná nhau” trong chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ còn có một phần nguyên nhân là nhiều ngân hàng đã thuê những công ty và tổ chức tư vấn nước ngoài xây dựng và cách thức tổ chức thực hiện các chiến lược này cho họ. Điểm đi điểm lại thì cũng chỉ có một số ít nhà tư vấn có uy tín kiểu này trên thị trường hiện nay nên không tránh khỏi khả năng họ bê nguyên xi các chiến lược này cho các khách hàng khác nhau của mình.

Thiếu vắng những bước đi sáng tạo và giải pháp đột phá để phát triển hữu hiệu ngành ngân hàng bán lẻ với phương châm giá và phí thấp, phục vụ nhiều khách hàng hơn trong nhiều mảng dịch vụ hơn, khai thác được những lợi thế cộng sinh giữa các nghiệp vụ và đối tượng khách hàng, nhiều ngân hàng quay ra “tận thu” trên những dịch vụ sẵn có và khách hàng hiện tại, đẩy khách hàng của họ vào tình trạng sử dụng dịch vụ nhưng luôn trong trạng thái bất bình và sẵn sàng từ bỏ ngay chúng và các ngân hàng này khi có thể.

Tất nhiên, trên thực tế, khách hàng khó mà từ bỏ được dù bất bình đến mấy khi mà hầu như ngân hàng nào cũng đều “tận thu” như vậy cả. Nhưng điều này vô hình trung sẽ là một cái vòng kim cô vạch ra giới hạn phát triển cho ngành ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam. Điều này đặt ra một vấn đề về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan chủ quản trong việc định hướng và chế tài để ngành ngân hàng bán lẻ Việt Nam bước sang một trang phát triển mới, lành mạnh và bền vững hơn.

 

TS Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên