MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất bỏ quy định 'thế chấp tài sản hình thành trong tương lai'

04-10-2013 - 17:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Thực tế thời gian qua đã có nhiều chủ thể vay, cho vay và cung cấp tín dụng đã lợi dụng sự “thông thoáng” và dễ dàng của luật để chuyển tiền của nhà nước vào túi cá nhân và các nhóm lợi ích.

Đó là đề xuất của PGS - TS Chu Hồng Thanh (Hội Luật gia Việt Nam) tại hội thảo quốc tế về sửa đổi Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 và kinh nghiệm nước ngoài, do Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 4.10.

Theo PGS - TS Chu Hồng Thanh, pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay quy định “thế chấp tài sản hình thành trong tương lai” là quy định rất mở, rất “thông thoáng”, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng mở rộng cho vay và tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vay vốn sản xuất, kinh doanh…

Lợi dụng để chuyển của cải vào túi cá nhân và nhóm lợi ích

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy đã có nhiều chủ thể vay, cho vay và cung cấp tín dụng đã lợi dụng sự “thông thoáng” và dễ dàng này để chuyển tiền và của cải của nhà nước vào túi cá nhân và các nhóm lợi ích, thậm chí xuất hiện những đại gia kiếm được những món tiền khổng lồ nhờ kiếm chác theo cách này chứ không phải từ sản xuất kinh doanh.

“Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, theo ý kiến của một số chuyên gia, nên bỏ quy định “thế chấp tài sản hình thành trong tương lai” trong Bộ luật Dân sự Việt Nam”, PGS - TS Chu Hồng Thanh nói.

Cũng theo PGS - TS Chu Hồng Thanh, có rất nhiều quan hệ dân sự mới phát sinh hoặc theo kinh nghiệm điều chỉnh các quan hệ dân sự ở nhiều nước, chưa được quy định trong Bộ luật Dân sự Việt Nam nên cần được tiếp tục bổ sung, trong đó có thể và cần thiết phải lưu ý đến một số nét mới trong các nhóm quan hệ: tài sản và quyền sở hữu, quyền của người không phải là chủ sở hữu, thời điểm có hiệu lực chuyển quyền sở hữu tài sản, đăng ký tài sản và giao dịch dân sự, về quan hệ chiếm hữu tài sản…

Cần tăng “tuổi thọ” của luật

GS - TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật cho biết năm 1995, Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ luật Dân sự (đây là Bộ luật Dân sự đầu tiên của nước ta từ Cách mạng Tháng 8 năm 1945). 10 năm sau, năm 2005, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã được sửa đổi và trở thành bộ luật Dân sự 2005.

“So với một số bộ luật dân sự trên thế giới như của Pháp và của Thụy Sĩ (đều trên 100 năm), tuổi thọ trung bình (khoảng 10 năm) của Bộ luật Dân sự Việt Nam là quá ngắn và thực trạng này có thể đánh giá là chưa lành mạnh, dẫn đến tâm lý bất an cho các chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự”, GS - TS Mai Hồng Quỳ nhìn nhận.

Với mong muốn cần phải tăng “tuổi thọ” của luật, GS - TS Mai Hồng Quỳ kiến nghị khi xây dựng các quy định trong Bộ luật Dân sự, các nhà làm luật cần lưu ý đến thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam; không đưa vào các quy định có nội dung xa lạ với đời sống dân sự Việt Nam; quan tâm đến kỹ thuật lập pháp… nhằm tránh việc phải sửa đổi thường xuyên, liên tục.

Đánh giá vai trò của Bộ luật Dân sự, Giáo sư Murray Raff, khoa Luật, ĐH Canberra (Úc) cho rằng, để đạt được những lợi ích xã hội và nhà nước lớn hơn, điều quan trọng đối với các cơ quan tư pháp, đó là phải quy định nhưng nguyên tắc mà trong đó phản ánh những mối quan tâm đạo đức hiện đại; sự tiếp cận sâu rộng vào tư pháp dân sự; và việc điều chỉnh độc lập các khiếu kiện dân sự và thực thi các phán quyết.

Theo Đình Phú

hangnt

Thanh niên

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên