MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đề xuất thành lập cơ quan quản lý tài sản và vốn Nhà nước

16-07-2014 - 19:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Nên phát huy vai trò chủ đạo của HĐQT tại các DN. Giao quyền để họ giữ vai trò chủ sở hữu vốn Nhà nước nhưng đồng thời giao trách nhiệm cho họ thì sẽ tốt hơn Nhà nước nhảy vào quản lý.

Ngày 15/7, tại phiên họp thứ 29 của UBTVQH cho ý kiến về Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhiều ý kiến tỏ ý băn khoăn về tên gọi của Luật bởi nó liên quan trực tiếp đến phạm vi điều chỉnh cũng như mô hình quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn này.

Tên gọi chưa bao hàm hết hoạt động đầu tư

Thay vì lấy tên là “Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” theo Nghị quyết số 23/2012/QH13, nay Ban soạn thảo đề nghị đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Đầu tư và quản lý vốn Nhà nước tại DN”. Ủy ban Kinh tế cũng có đề xuất tên gọi của dự án Luật là “Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN”.

Trước cách gọi chưa thống nhất này, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, về cơ bản, đề xuất đối với Luật này là nhằm hướng tới luật hoá đầu tư vốn của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh của DN. “Vậy đầu tư vốn này liệu có bao gồm hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình và dự án được giao cho DN thực hiện hay không? Mối quan hệ giữa đầu tư vốn và đầu tư công như thế nào, có trùng lặp với các luật khác hay không?”, ông Lý đặt vấn đề.

Giải trình nội dung này, đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến, Ban soạn thảo đề xuất giữ nguyên như tên gọi mà Quốc hội giao nhưng thêm từ “tại DN” cho rõ hơn. Đầu tư của Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh rất nhiều nhưng ở đây chủ yếu là thông qua chủ thể DNNN và DN có vốn góp của Nhà nước. Có một số ít trường hợp Nhà nước đầu tư để thực hiện dự án, sau đó giao lại cho DN quản lý khai thác, sử dụng như Thủy điện Sơn La. Một số rất ít trường hợp khác, Nhà nước đầu tư vào khu vực hành chính sự nghiệp nhưng đã được điều chỉnh tại Luật NSNN, Luật Đầu tư công... “Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật này không trùng với các luật khác”, ông Hiếu khẳng định.

Chưa đồng tình với giải trình này, ông Phan Trung Lý cho biết, Luật này là một bước để đưa quản lý vốn Nhà nước, NSNN vào trật tự và hiệu quả hơn. Mặt khác, một lần nữa khẳng định đối tượng, phạm vi và mức độ tham gia của Nhà nước vào hoạt động kinh tế. Hiến pháp đã quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thì chủ đạo ở đây chính là quản lý điều hành NSNN rồi đến đầu tư. Luật này quan trọng là như vậy nên khi Quốc hội thông qua có phạm vi điều chỉnh rất rộng. Thế nhưng qua giải trình của Ban soạn thảo, vốn đầu tư của Nhà nước ở đây được hiểu hầu hết là vốn đầu tư của Nhà nước vào DN.

Ông Lý diễn giải thêm: ngoài vốn đầu tư thông qua DN, thì còn một số loại vốn đầu tư khác nữa. Điều 3 thì giải thích vốn này gồm vốn từ NSNN hoặc vốn khác. Như vậy, Luật này không chỉ điều chỉnh vốn đầu tư vào DN mà cả nguồn vốn khác. Dự thảo Luật cũng giải thích vốn khác bao gồm: vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn Nhà nước đầu tư phát triển... Vậy hai khoản vốn này có nằm trong vốn DN hay không cần phải được làm rõ.

“Nếu bó hẹp lại thì nội dung quy định của Luật sẽ không đúng tinh thần Quốc hội đề ra và các lĩnh vực Nhà nước đầu tư lại không được bao hàm hết trong Luật”, ông Lý phát biểu và đề nghị giữ nguyên tên Luật như Quốc hội đề ra là Luật cần quy định rõ vốn đầu tư là vốn nào. Như vậy sẽ không sợ trùng lắp với luật khác.

Đại diện chủ sở hữu phải chờ xem xét

Một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại DN, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý Nhà nước. Có ý kiến đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của DNNN.

Cơ quan soạn thảo thì đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay, theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thì cho rằng, việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý DNNN. Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo Luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn Nhà nước tại DN.

“Thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ tập trung vào việc xây dựng thể chế, chính sách để các DN hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn Nhà nước tại DN”, ông Giàu khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu lựa chọn theo phương án này, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị và báo cáo Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng, chúng ta đang rất lúng túng về mô hình đại diện chủ sở hữu. “Tôi xem lại các văn kiện của Đảng thì thấy Trung ương đang giao cho Chính phủ nghiên cứu thôi chứ chưa theo mô hình nào cả. Hiện nay, Chính phủ, các bộ, ngành quản lý và quản lý một phần, còn một phần giao cho HĐQT và Chủ tịch HĐQT quản lý”, ông Phúc nói.

Không đồng tình với đề xuất của Ban soạn thảo về giữ nguyên mô hình như hiện nay, vì như thế có thể là tác nhân kéo lùi sự phát triển, nhưng Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng không hoàn toàn tán thành với việc cần có một cơ quan độc lập bởi theo ông nếu làm như vậy sẽ lại quay về thời bao cấp.

“Theo tôi nên phát huy vai trò chủ đạo của HĐQT tại các DN. Giao quyền để họ giữ vai trò chủ sở hữu vốn Nhà nước nhưng đồng thời giao trách nhiệm cho họ thì sẽ tốt hơn Nhà nước nhảy vào quản lý. Tôi có kinh nghiệm làm DN, khổ nhất là mỗi lần muốn đầu tư cứ phải trình bẩm, báo cáo xin ý kiến của quản lý chuyên ngành. Chờ mãi không cho đầu tư vì sợ trách nhiệm. Đến khi cho quyết định đầu tư thì đã lỡ mất cơ hội”, ông Phúc cho hay.

Theo Trần Hương

hangnt

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên