MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến 31/12/2011: Tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất tối đa là 16% tổng dư nợ

01-03-2011 - 14:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ trọng này đến 30/06/2011 là 22%. Nếu không thực hiện theo đúng lộ trình, TCTD sẽ chịu mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp đôi so với thông thường, đồng thời bị hạn chế phạm vi hoạt động.

Ngày 01/03/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Chỉ thị này nhằm thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng, kiểm soát tốc độ tăng tín dụng dưới 20% và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán khoảng 15%-16%; lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý.

NHTM phải xây dựng kế hoạch kinh doanh và kiểm soát tốc độ tăng trưởng phù hợp

Các NHTM phải xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh năm 2011 phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng dưới 20%.

Trường hợp xây dựng kế hoạch tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 20%, tổ chức tín dụng phải báo cáo NHNN để xem xét trên cơ sở việc đảm bảo tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng và mức độ ảnh hưởng đến tốc độ tăng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng.

10 nhiệm vụ kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng

TCTD phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, đồng thời điều chỉnh mạnh cơ cấu và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua 10 nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, giao kế hoạch kinh doanh cho từng chi nhánh và các đơn vị trực thuộc phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Thứ hai, thực hiện cấp tín dụng theo đúng quy định của pháp luật về tín dụng; đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN; không để thiếu hụt vốn khả dụng thanh toán; vốn tín dụng tập trung ưu tiên cho sản xuất - kinh doanh, khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ ba, thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán; đến 30/6/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến 31/12/2011, tỷ trọng này tối đa là 16%.

Trường hợp tổ chức tín dụng chưa thực hiện được tỷ trọng này theo lộ trình, NHNN sẽ áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc gấp hai (02) lần so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc chung đối với tổ chức tín dụng và biện pháp hạn chế phạm vi hoạt động kinh doanh trong 06 tháng cuối năm 2011 và năm 2012.

Đến 30/06/2011, nếu tốc độ tăng tín dụng có thể vượt mục tiêu theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật để kiểm soát tín dụng.

Thứ tư, cho vay bằng ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo khả năng thu hồi nợ vay bằng ngoại tệ; hạn chế cho vay nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu do Bộ Công thương ban hành.

Thứ năm, thực hiện huy động và cho vay bằng vàng theo quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010; giảm mạnh huy động và cho vay bằng vàng, phù hợp với chủ trương của NHNN tiếp tục hạn chế việc huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng trong thời gian tới.

Thứ sáu, tiết kiệm chi phí kinh doanh, áp dụng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam và đô la Mỹ theo quy định của NHNN; công bố công khai lãi suất huy động và cho vay trên website và tại chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng.

Thứ bảy, ấn định tỷ giá mua, bán của đồng Việt Nam đối với đô la Mỹ theo đúng quy định tại Quyết định số 230/QĐ-NHNN ngày 11/02/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong hệ thống của tổ chức tín dụng (biên độ +_1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng); chủ động hoàn thiện quy định nội bộ và áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro cần thiết trong kinh doanh ngoại tệ.

Thứ tám, thực hiện cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phân loại tín dụng, trích dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Không được thực hiện các nghiệp vụ nhằm che giấu nợ xấu như cho vay để trả nợ cũ, không chuyển nợ quá hạn mà kéo dài thời hạn vay đối với khoản vay không có khả năng thu hồi nợ, chuyển cho vay ngắn hạn sang cho vay trung và dài hạn không đúng đối tượng, chuyển đổi đồng tiền nợ vay không đảm bảo khả năng thu hồi nợ, mua - bán nợ không đúng quy định của pháp luật, cho vay để thanh toán các khoản nợ vay không có hiệu quả của các tổ chức tín dụng khác,...

Thứ chín, thực hiện việc mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định của NHNN.

Cuối cùng, giám sát chặt chẽ nợ xấu phát sinh; tăng cường kiểm toán nội bộ về việc thực hiện quy định của pháp luật và quy định nội bộ về tín dụng, phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời nguy cơ rủi ro tín dụng.

Phương Mai
Theo SBV

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên