MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Maritime Bank: Trong quý 2 hoàn thiện sáp nhập MDB và mua lại Tài chính Dệt may

28-05-2015 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Hai thành viên HĐQT của Maritime Bank xin từ nhiệm trong khi ngân hàng cũng đề cử 2 thành viên thay thế, trong đó 1 đến từ công ty Tài chính dệt may và 1 người đến từ Ngân hàng MDB.

Sáng nay (ngày 28/5/2015), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên phiên họp lần thứ 23.

Với tỷ lệ cổ đông tham gia là 76,54%, đại hội chính thức bắt đầu lúc 9h15phút.

Dự phòng rủi ro tăng mạnh làm giảm lợi nhuận

Đại diện Ban điều hành ông Tạ Ngọc Đa – Tổng giám đốc ngân hàng báo cáo trước đại hội về kết quả hoạt động của ngân hàng năm 2014 – kế hoạch năm 2015.

Theo đó, năm 2014 tổng tài sản của Maritime Bank giảm nhẹ 2,6% so với năm trước đạt 104.369 tỷ đồng. Tổng huy động vốn thị trường I, bao gồm cả phát hành trái phiếu đến cuối năm 2014 đạt 66.874 tỷ đồng, bằng 98% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 39.352 tỷ đồng, giảm 14,3% so với đầu năm.

Hoạt động đầu tư tài chính, vay gửi trên thị trường liên ngân hàng tại thời điểm cuối năm 2014 đạt 44.537 tỷ đồng; trong đó có 16.113 tỷ đồng đầu tư tiền gửi liên ngân hàng và 28.424 tỷ đồng đầu tư chứng khoán. Lợi nhuận từ hoạt đồng kinh doanh và đầu tư chứng khoán đạt 605,6 tỷ đồng, chiếm 25,9% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh.

Tổng lợi nhuận trước thuế năm qua của Maritime Bank là 162 tỷ đồng, giảm 59,6% so với năm trước. Nguyên nhân được ông Đa cho biết là do Maritime Bank tăng cường xử lý các khoản nợ xấu, thoái lãi và trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng theo yêu cầu của Thông tư 02 và thông tư 09 của NHNN. Cụ thể, tổng trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2014 là 722,5 tỷ đồng, tăng 221,8% so với năm 2013 (325,8 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu năm 2014 của ngân hàng này là 2,61%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, ông Đa cho biết: Maritime Bank đặt kế hoạch sẽ đạt 109.576 tỷ đồng tổng tài sản, tăng nhẹ 5% so với năm trước. Huy động vốn là 79.275 tỷ đồng, tăng 17%, dư nợ tín dụng tăng 6,8% so với năm trước. Nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Tiếp tục gánh nặng về giải quyết nợ xấu nên lợi nhuận của Maritime Bank trong năm dự kiến tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh. Cụ thể, lợi nhuận trước khi trích lập dự phòng là 1.114 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế đặt kế hoạch khiêm tốn chỉ 165 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2014 (2%).

Tiến độ sáp nhập MDB vào Maritime Bank:

Ngày 9/6/2014 sau khi hoàn thiện hồ sơ sáp nhập MDB gồm Đề án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập và điều lệ ngân hàng sau sáp nhập, HĐQT Maritime Bank và MDB đã trình Thống đốc NHNN đề nghị chấp thuận nguyên tắc sáp nhập MDB vào Maritime Bank.

Ngày 18/3/2015 sau khi Maritime Bank và MDB đã hoàn thiện, bổ sung và chỉnh sửa hồ sơ sáp nhập theo chỉ đạo của cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank tại công văn số 1607/NHNN- TTGSNH.

Hiện nay, HĐQT Maritime Bank và MDB đã hoàn thiện hồ sơ sáp nhập chính thức để trình Thống đốc NHNN chấp thuận chính thức việc sáp nhập MDB vào Maritime Bank.

Dự kiến việc sáp nhập sẽ được hoàn thiện trong quý 2/2015.

Tiến độ mua lại công ty tài chính cổ phần dệt may Việt Nam (TFC)

Ngày 20/11/2014 sau khi hoàn thiện hồ sơ mua lại TFC gồm Đề án mua lại, các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông TFC và Điều lệ công ty sau khi mua lại HĐQT Maritime Bank và TFC đã trình Thống đốc NHNN đề nghị chấp thuận nguyên tắc mua lại TFC và chuyển TFC thành công ty con hoạt động tỏng lĩnh vực tài chính tiêu dùng 100% vốn sở hữu bởi Maritime Bank.

Ngày 13/2/2015, sau khi Maritime Bank và TFC đã hoàn thiện, bổ sung và chỉnh sửa hồ sơ mua lại theo chỉ đạo của cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận thuận nguyên tắc việc Maritime Bank mua lại TFC tại công văn số 100/NHNN – TTGSNH.

Hiện nay, HĐQT Maritime Bank và TFC đã hoàn thiện hồ sơ mua lại chính thức và đã trình thống đốc NHNN chấp thuận chính thức việc mua lại TFC.

Dự kiến việc mua lại này cũng sẽ hoàn thành trong quý 2/2015.

Miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT

Tại kỳ đại hội này, Maritime Bank cũng có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT (nhiệm kỳ V: 2012 – 2016).

Hai thành viên HĐQT là ông Andrew Rozario (Quốc tịch Anh) và ông Đào Ngọc Khanh – Phó chủ tịch HĐQT đã có đơn xin từ chức sau 3 năm công tác.

Và 2 người được đề cử thay 2 thành viên HĐQT nêu trên là bà Dương Hồng Loan (sinh năm 1959). Bà Loan là cử nhân tài chính – kế toán, nguyên là Phó chủ tịch HĐQT kiêm bí thư Chi bộ công ty Tài chính cổ phần Dệt may Việt Nam.

Người thứ 2 được đề cử vào vị trí thành viên HĐQT là ông Đỗ Lam Điền (sinh năm 1973), thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực tại Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông - MDB (đã có đơn xin từ nhiệm tại MDB).

Tại thời điểm 10h30p đại hội bước vào phiên thảo luận.

Các câu hỏi của cổ đông chủ yếu xoay quanh vấn đề cổ tức, trích lập dự phòng rủi ro và một số ý kiến về thời gian bao giờ sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Ông Đào Trọng Khanh – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của Maritime Bank đã đại diện trả lời tất cả các câu hỏi của cổ đông.

Chưa chia cổ tức trong vòng ít nhất 1 – 2 năm nữa

Về vấn đề cổ tức, theo ông Khanh hiện nay thị trường tại Việt Nam khá nhiều biến động, nếu tình hình kinh tế khởi sắc sớm hơn thì sẽ chia cổ tức năm 2014 và 2015 nhưng tình hình vẫn còn khá khó khăn. Do đó, việc không trả cổ tức không phải là trường hợp riêng của Maritime Bank.

“Maritime Bank xin tạm thời chưa chia cổ tức cho cổ đông vì nếu muốn chia cũng cần phải cần xin NHNN và tạm giữ nguồn tài chính này để ổn định tài chính”.

Ông Khanh khẳng định, ít nhất trong vòng 1 – 2 năm tới lộ trình về cổ tức sẽ chưa được thực hiện. Có thể thêm 3 -4 năm nữa vấn đề cổ tức mới có thể có lộ trình thực hiện.

Đi cùng với vấn đề cổ tức ông Khanh cũng nói thêm: Việc niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ được ban điều hành của ngân hàng Maritime Bank xem xét trên 2 yếu tố: thị trường và nội tại ngân hàng. Về nội tại, làm thế nào để bảo toàn nguồn vốn và phát triển kinh doanh là mục tiêu lớn nhất trong 2 năm qua.

Dự kiến năm 2016, ngân hàng sẽ tập trung cải tổ ngân hàng sau khi sáp nhập với MDB và mua lại TFC. Cộng với yếu tố tình hình chung thuận lợi thì ngân hàng sẽ theo dõi đánh giá thời điểm tốt để niêm yết.

Về vấn đề sáp nhập MDB vào Maritime Bank

Ông Khanh khẳng định, trường hợp sáp nhập này là tự nguyện không phải vì MDB là ngân hàng yếu kém và bị ép buộc.

“MDB là ngân hàng quy mô nhỏ nhưng là ngân hàng vững, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% cuối năm 2014, hoạt động lành mạnh. Khi sáp nhập với MDB, sẽ tạo giá trị cộng hưởng về mạng lưới, chiến lược hoạt động, văn hóa... Hơn nữa MSB đã sở hữu 7% MDB và có hiểu biết sâu sắc về ngân hàng này” – Ông Khanh nói.

Tương tự mua lại TFC, lĩnh vực tài chính tiêu dùng rất tiềm năng. Việc MSB mua lại TFC không phải là xử lý 1 công ty tài chính yếu kém mà TFC hoạt động tốt. Lợi nhuận 2014 của TFC đạt 27,8 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng 20 tỷ đồng, tổng tài sản là 687 tỷ đồng.

 

 

Khánh Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên