MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Ngân hàng An Bình: Muốn nới "room" ngoại hơn sáp nhập

28-04-2013 - 12:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời gian qua đã có nhiều ngân hàng đến An Bình đặt vấn đề sáp nhập, tuy nhiên do không thuộc diện bắt buộc phải tái cơ cấu nên ngân hàng đang tìm kiếm các cơ hội tốt nhất.

Sáng nay 28/4, tại Khách sạn Rex Tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013.

Đúng 9h00, đại hội bắt đầu.

Tham dự đại hội có đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, các cổ đông đại diện cho 80,2% số cổ phần có quyền biểu quyết (Hiện ABBank có 5.454 cổ đông, sở hữu 479.799.976 cổ phần có quyền biểu quyết).

Kết quả kinh doanh tốt

Theo báo cáo của Ban điều hành, trong năm 2012, nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng gặp nhiều khó khăn nên kết quả kinh doanh của ABBank không đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, so với năm 2011, kết quả vẫn lạc quan và tăng trưởng tốt. Cụ thể, ngân hàng đạt hơn 46 nghìn tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10,9%; huy động vốn tăng 31,2%, tín dụng tăng trưởng 15,6%; lợi nhuận trước thuế tăng 22% đạt 528 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,29% trên tổng dư nợ (bao gồm cả các khoản cho vay liên ngân hàng).

Chi phí tăng

Chi phí hoạt động năm 2012 tăng 27,4% so với năm 2011, theo ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc, chủ yếu là do chi phí thuê tài sản và truyền thông.

Cụ thể, chi phí thuê tài sản tăng 19,3% do việc phát tiển các điểm giao dịch mới, chuyển đổi địa điểm giao dịch ở các nơi không thuận lợi, các nơi đặt máy ATM…

Chi phí truyền thông tăng gần 40% (tăng thêm 110 tỷ so với năm 2011)  do kinh tế khó khăn, chính sách thắt chặt tín dụng và tái cấu trúc ngành ngân hàng của Chính phủ ảnh hưởng đến thanh khoản của ngân hàng, khiến các ngân hàng cạnh tranh gay gắt với nhau trong hoạt động huy động và ABBank cũng nằm trong ảnh hưởng đó, nên phải tăng cường quảng bá thương hiệu.

Ngân hàng An Bình cũng đẩy mạnh việc thu hồi nợ xấu và đạt hiệu quả tích cực. Tổng cộng ngân hàng đã thu hồi được trên 2.000 tỷ đồng nợ cả thị trường 1 và thị trường 2, trong đó thu được 310 tỷ đồng trên thị trường 2 từ các ngân hàng WesternBank, SCB, TrustBank...

NHNN thanh tra

Còn theo báo cáo của Hội đồng quản trị, trong năm 2012, ngân hàng thực hiện hoạt động tái cấu trúc toàn diện với sự tư vấn của công ty Deloitte.

Đối với vấn đề thanh tra (thanh tra chủ yếu sở hữu cổ đông lớn, vấn đề nợ xấu), chủ tịch HĐQT Vũ Văn Tiền cho biết, theo kết luận của cơ quan thanh tra, ABBank phải khắc phục một số vấn đề tồn tại, thời gian khắc phục là từ tháng 1 đến hết tháng 9/2013.

HĐQT ngay từ đầu năm đã chỉ đạo Ban điều hành và yêu cầu Ban kiểm soát giám sát chặt chẽ việc xử lý các vấn đề NHNN yêu cầu. Cho đến cuối tháng 4/2013, ngân hàng đã khắc phục được cơ bản các kiến nghị và hoàn thành trước lộ trình.

Vấn đề M&A

Về vấn đề M&A, chủ tịch Vũ Văn Tiền cho biết, theo chủ trương tái cơ cấu của NHNN và sự khuyến khích của NHNN về việc sáp nhập, hợp nhất, trong thời gian qua đã có nhiều ngân hàng đến đàm phán với ABBank để đặt vấn đề. ABBank tuy nhiên không thuộc diện bị bắt buộc phải tái cơ cấu nên ngân hàng có thời gian tìm hiểu, tìm kiếm các đối tác hợp lý, có các chỉ số và quy mô tương xứng thì ABBank mới tính đến chuyện sáp nhập.

Nếu không tìm được đối tác tương xứng, theo ông Tiền, ngân hàng sẽ giữ nguyên trạng thái và tăng cường đầu tư để phát triển. Hiện ABBank có 4 cổ đông lớn là Maybank, IFC, EVN, Geleximco, ABBank có kiến nghị rằng, nếu NHNN tăng tỷ lệ cổ đông sở hữu nước ngoài lên thì tốt hơn là sáp nhập.

Đặt mục tiêu không phòng giao dịch nào lỗ


Về kế hoạch kinh doanh năm 2013, ngân hàng đặt mục tiêu sẽ tăng hơn 30% lợi nhuận so với năm 2012, trong đó không có phòng giao dịch nào kinh doanh thua lỗ.

ABBank được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 5% (nguyên nhân là do năm 2012 tín dụng yếu (cho vay khách hàng và doanh nghiệp bị  âm) bởi tập trung vào thu hồi nợ xấu). Ngân hàng sẽ tăng thêm 8,6% tổng tài sản lên trên 50 nghìn tỷ; Huy động vốn tăng 18,2%, nợ xấu kiểm soát ở dưới 3,4%.

Bầu cử nhiệm kỳ mới

Đại hội năm nay, ABBank tiến hành bầu cử mới HĐQT và Ban Kiểm soát.

Về HĐQT, có 6 thành viên được đề cử vào nhiệm kỳ mới, trong đó có 4 thành viên đương nhiệm bao gồm ông Vũ Văn Tiền (chủ tịch HĐQT); ông Mai Quốc Hội (Phó chủ tịch), ông Đào Mạnh Kháng (thành viên HĐQT) và ông Lee Tien Poh (thành viên HĐQT).

IFC, cổ đông chiến lược, tiến cử một thành viên đại diện tham gia nhiệm kỳ tới là ông Gale McGuigan (sinh năm 1944).

Ngoài ra, một cái tên hoàn toàn mới cũng tham gia nhiệm kỳ này đó là ông Trần Bá Vinh (sinh năm 1957). Ông Vinh từng là giảng viên tại Đại học Hàng Hải trước năm 2010, từ 2010 đến tháng 4/2012 lần lượt giữ các chức vụ từ Tổng giám đốc, thành viên HĐQT của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank).

Về phía Ban Kiểm soát, cả 4 thành viên đương nhiệm ứng cử vào nhiệm kỳ mới, đó là bà Nguyễn Thị Hạnh, ông Nguyễn Phan Long, ông Cáp Tuấn Anh và Hadenan bin A.Jalil (đại diện của Maybank).

Kết quả bầu cử, thông qua các tờ trình

Đại hội đồng cổ đông đã thông qua tất cả các báo cáo và tờ trình.

Kết quả bầu cử: Cả 6 thành viên ứng cử vào Hội đồng quản trị đều trúng cử nhiệm kỳ 2013 - 2017 với tỷ lệ từ 85 - 88%. 4 thành viên ứng cử vào Ban Kiểm soát cũng trúng cử với tỷ lệ từ 86 - 87%.

Đại hội kết thúc lúc 12h25 cùng ngày.


Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên