MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Sacombank: Cổ đông đề nghị đẩy nhanh tiến độ chia cổ tức

21-04-2015 - 09:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Các cổ đông của Sacombank đồng loạt đặt câu hỏi về vấn đề cổ tức (tiền mặt thay vì cổ phiếu) và việc sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam sẽ ảnh hưởng lên giá cổ phiếu như thế nào.

Kế hoạch lợi nhuận 3.000 tỷ

Sáng 21/4/2015, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2015. Có hơn 85,1% số cổ đông có quyền biểu quyết đã có mặt dự đại hội.

Theo báo cáo trình bày tại đại hội, năm 2014, riêng ngân hàng Sacombank (công ty mẹ) đạt tổng tài sản gần 189 nghìn tỷ đồng, tăng 17,8% so với 2013; huy động vốn tăng 19,3% đạt gần 168 nghìn tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 130 nghìn tỷ, tăng 18,3%; Tổng thu nhập thuần đạt trên 8.100 tỷ, tăng 10,4% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.851 tỷ đồng, và nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC thì lợi nhuận trước thuế là 3.445 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,21%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tàn sản (ROA) đạt 1,31%; lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) đạt 1.931 đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9,87%; tỷ lệ nợ xấu 1,18% trên tổng dư nợ.

Lợi nhuận của các công ty con năm 2014 đạt 133,5 tỷ đồng, trong đó công ty vàng bạc đá quý SBJ lỗ 39 tỷ đồng do tái cơ cấu.

Năm 2015, ngân hàng đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 14% lên trên 214 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tăng lên 19.900 tỷ, trong đó vốn điều lệ 14.853 tỷ - tăng 19,5% so với năm 2014. Tín dụng dự kiến tăng trưởng 11%, trong đó cho vay khách hàng tăng 13%; huy động vốn tăng khoảng 14%. Lợi nhuận trước thuế đặt ra là 3.000 tỷ đồng và có thể điều chỉnh tăng giảm 10% tùy theo diễn biến nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến không quá 2,5% và tỷ lệ cổ tức 8 – 10%.

Chia cổ tức 12% bằng cổ phiếu, sáp nhập Phương Nam

Về phương án phân phối lợi nhuận, sau khi trách lập các quỹ, Sacombank đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 12% trên vốn điều lệ (đã loại trừ cổ phiếu quỹ). Hiện Sacombank đang làm thủ tục xin phép NHNN, việc chia cổ tức chỉ được thực hiện sau khi NHNN chấp thuận.

Sacombank cũng trình đại hội cổ đông về việc tiếp tục thực hiện sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Trước đó trong đại hội của Phương Nam ngày 20/4, ông Trầm Bê – Cố vấn cao cấp của Phương Nam kiêm Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank – khẳng định việc sáp nhập sẽ thực hiện trong nửa đầu năm nay và tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu dự kiến ở mức 1:0,75 tức 1 cổ phiếu Phương Nam đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank.

Thành lập thêm công ty tài chính, công ty bảo hiểm

Trong các tờ trình gửi tới cổ đông đáng chú ý còn có tờ trình lập công ty tài chính Sacombank và công ty bảo hiểm nhân thọ, công ty bảo hiểm phi nhân thọ.

Về công ty tài chính, theo lý giải của ngân hàng, hiện nay đời sống nhân dân ngày càng cao, nhu cầu tiêu dùng gia tăng, lĩnh vực bán lẻ được các ngân hàng chú trọng, Sacombank muốn chuyên biệt hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy mảng bán lẻ nên việc thành lập công ty tài chính là cần thiết.

Việc thành lập công ty bảo hiểm, theo Sacombank hiện nay thị trường bảo hiểm đang có nhiều tiềm năng, với mục đích đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, sử dụng tối đa nguồn vốn để tái đầu tư và khai thác triệt để mạng lưới hoạt động, các khách hàng của ngân hàng và công ty con nên ngân hàng muốn lập công ty bảo hiểm.

Ngân hàng đề xuất cổ đông chấp thuận việc thành lập công ty bảo hiểm dưới hình thức liên doanh nước ngoài với phần góp vốn dự kiến 500 tỷ đồng; chấp thuận chủ trương thành lập mới hoặc mua lại công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.

Cổ đông hỏi

- Nhiều ý kiến của cổ đông là về vấn đề cổ tức. Theo cổ đông, thứ mà cổ đông thực sự cần là cổ tức bằng tiền mặt chứ không phải bằng cổ phiếu như các năm.

- Một cổ đông khác chia sẻ, so với các ngân hàng khác (Eximbank thua lỗ) thì Sacombank vẫn hoạt động tốt, có lãi và chia cổ tức. Tuy nhiên việc thực hiện chia cổ tức quá lâu. Ngân hàng nên đẩy nhanh tiến độ chia cổ tức cho cổ đông và nên chia một phần bằng tiền, một phần bằng cổ phiếu.

- Sáp nhập Sacombank và Phương Nam tỷ lệ hoán đổi là bao nhiêu, vì sao không đưa vào tờ trình đại hội cổ đông?

- Các cổ phiếu quỹ chia cho cổ đông có được đưa lên giao dịch hay không?

- Giá cổ phiếu của Sacombank hiện 18.000 đồng/cp. Khi sáp nhập với Phương Nam cổ phiếu giảm giá thì ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho cổ đông.

- Phần chênh lệch giữa lợi nhuận liên quan bán nợ cho VAMC vì sao lại chênh lệch hơn 500 tỷ đồng? Kế hoạch bán nợ cho VAMC năm nay là bao nhiêu khi mà NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đăng ký số nợ bán cho công ty này?

- Sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam. Hiện cổ phiếu Phương Nam chỉ có 5.000 đồng trong khi của Sacombank là 18.000 đồng. Nếu sáp nhập thì Sacombank phải trích lập dự phòng thay cho Phương Nam. Việc sáp nhập này ai sẽ bảo vệ cho cổ đông. Trong vòng 2 năm tới cổ phiếu sẽ đi xuống, vậy chúng tôi có nên nắm giữ cổ phiếu hay không?

Lãnh đạo ngân hàng trả lời

Ông Trầm Bê, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Sacombank mở đầu phần trả lời. Ông Bê cho biết việc sáp nhập giữa hai ngân hàng, trước mắt Sacombank sẽ có phần "hơi bất lợi" so với cổ đông của Phương Nam.

Về nợ xấu của ngân hàng Phương Nam, theo ông Bê tỷ lệ hơn 5% không phải là điều đáng nói (con số tuyệt đối không lớn - PV).

Việc sáp nhập Sacombank được những gì? Đó là Sacombank được hệ thống chi nhánh của Phương Nam cùng hơn 4.000 lao động không phải đào tạo. Không sáp nhập, Sacombank có phải mất 5 - 10 nghìn tỷ đồng cũng không đào tạo được trong khi hệ thống mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch lên tới 500 - 600 điểm.

Về việc chia cổ tức bằng tiền mặt, ông Trầm Bê cho biết việc chia cổ tức là ngân hàng phải xin ý kiến từ Ngân hàng Nhà nước. Cổ đông nếu muốn lấy tiền mặt thì nên chuyển quyền nhận cổ tức. “Nếu cổ đông có nhu cầu bán giá 1 chấm (10 nghìn đồng/cổ phiếu – PV) thì lên ngân hàng gặp tôi, tôi sẽ giới thiệu người mua” – ông Trầm Bê khẳng định.

Ông Kiều Hữu Dũng, chủ tịch HĐQT của ngân hàng chia sẻ thêm:

Hệ thống ngân hàng trải qua thời kỳ khó khăn trong 3 năm qua và không thể so sánh với thời kỳ trước. Sau thời kỳ thăng hoa (cổ phiếu nhiều ngân hàng lên trên 100 ngàn/cổ phiếu), thì cổ phiếu đồng loạt sụt giảm.

Nền kinh tế thị trường khó khăn đã chi phối đến giá cổ phiếu và hệ thống tài chính bị ảnh hưởng nhiều nhất là điều rõ ràng. Trong 3-4 năm qua nhiều ngân hàng lớn cũng chịu khó khăn như vậy chứ không chỉ riêng Sacombank.

Việc cổ phiếu giảm, theo ông Dũng, không chỉ có cổ đông nhỏ mà các cổ đông lớn cũng hết sức quan tâm và Hội đồng quản trị đã nỗ lực hết sức.

Về chia cổ tức, ông Dũng khẳng định sẽ chia cổ tức cho cổ đông ngay sau khi được NHNN chấp thuận.

Nói về việc sáp nhập, ông Dũng nói việc sáp nhập là xu hướng chung của thị trường. VietinBank, BIDV là ngân hàng lớn nhưng vẫn sáp nhập. Ngân hàng lớn sáp nhập ngân hàng nhỏ phải có chiến lược và nhiều khi phải chấp nhận để vươn lên vị trí mới.

Về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu, ông Dũng cho biết chưa thể tiết lộ con số ngay lúc này. Khi nào có số liệu sẽ thông báo tới cổ đông.

Về việc thành lập các công ty con là công ty tài chính và công ty bảo hiểm, theo ông Dũng, xuyên suốt quá trình hoạt động hơn 20 năm qua của Sacombank là định hướng thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu. Việc thành lập các công ty này là nhằm hướng tới mục đích đó.

 

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên