MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Techcombank: Quý I hoàn thành 120% kế hoạch, hứa hẹn một năm kinh doanh đầy triển vọng

18-04-2015 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

HĐQT ngân hàng dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông để nâng mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 35%, thay vì mức 11% như trong tài liệu trước đó gửi cổ đông.

Sáng nay (ngày 18/4) Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đang Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015.

Hơn 9h, đại hội bắt đầu phiên làm việc với 94,4% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Phần trình bày về kết quả kinh doanh năm 2014 và kế hoạch năm 2015 được ông Murat Yuldashev – Giám đốc điều hành Techcombank trình bày trước cổ đông.

Theo đó, năm 2014, ngân hàng đạt tổng tài sản gần 176 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7%  so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.417 tỷ đồng, tăng 61,4% so năm 2013 và vượt 20% so với kế hoạch đặt ra.

Tổng huy động vốn đạt trên 131 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%. Tổng dư nợ khách hàng cuối năm đạt hơn 80 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so năm 2013.

Về hoạt động công ty con, báo cáo của ban điều hành cho biết: Trong năm 2014 công ty AMC tiếp tục triển khai chiến lược tập trung vào các hoạt động thu hồi nợ. Qua đó đã hỗ trợ tích cực choTechcombank trong việc xử lý phát mãi tài sản, thu hồi nợ và bán nợ xấu cho VAMC theo hướng dẫn của NHNN.

Năm 2014 AMC của Techcombank đạt lợi nhuận là 49,7 tỷ đồng, tăng 39,2 tỷ đồng so với năm 2013.

Công ty chứng khoán Kỹ Thương – TechcomSecurities tăng vốn điều lệ lên mức 1.000 tỷ đồng (nằm trong Top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam).

Trong năm 2014 TechcomSecurities đã tư vấn phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu cho DN. Doanh thu từ hoạt động tư vấn, bảo lãnh, đại lý phát hành mang về cho TechcomSecurities vị trí hàng đầu trong số công ty chứng khoán đang hoạt động tại Việt Nam.

Lợi nhuận năm 2014 của TechcomSecurities là 181 tỷ đồng, tăng 37% so với năm trước.

Công ty Quản lý quỹ - TechcombankCapital đạt 10,9 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm trước.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,4% lên trên 190 nghìn tỷ đồng. Huy động vốn tăng 2,35% lên 140.980 tỷ đồng (bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi).

Dư nợ tín dụng đạt gần 109 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 11% (bao gồm cả trái phiếu Vinashin và trái phiếu VAMC). Lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng 49,2%.

Về phân chia lợi nhuận năm 2014, Techcombank không có kế hoạch chia cổ tức (đã được cổ đông thông qua) và dành toàn bộ để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nói về vấn đề này ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT cho biết việc không chia cổ tức trong năm 2015 nhằm mục đích củng cố vị thế của ngân hàng, đồng thời phù hợp với xu hướng quy định của NHNN về yêu cầu các TCTD phải củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong quý I, Techcombank đã vượt các kế hoạch đề ra khoảng 120%, tuy nhiên ông Hồ Hùng Anh cũng không nêu chi tiết về các con số lãi này. Và vì thế HĐQT ngân hàng dự kiến sẽ xin ý kiến cổ đông để nâng mức tăng trưởng tín dụng lên khoảng 35%, thay vì mức 11% như trong tài liệu trước đó gửi cổ đông.

Các báo cáo được trình bày khá nhanh, đến gần 10h, Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu và nghỉ giải lao để ban kiểm phiếu làm việc.

Sau giờ giải lao đại hội bước vào phiên thảo luận. Đúng như phán đoán của nhiều người trước đó cổ đông đã cho rằng việc giữ lại lợi nhuận không chia là không bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, việc không chia cổ tức là bỏ qua quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ.

“Việc không chia cổ tức chỉ có lợi ích cho cổ đông lớn. Nếu Techcombank bảo chưa chia thì nên nêu rõ thời gian xem cổ đông phải chờ bao lâu, 1 năm – 2 năm – 3 năm hay vĩnh viễn không chia”.

Cổ đông này đề nghị Techcombank nên chia cổ tức hàng năm. Còn nếu không chia thì phải đưa ra thời gian là bao lâu.

Một cổ đông khác cũng có ý kiến về cổ tức cho rằng điều này giống như một nhân viên đi làm phải có lương. Cổ đông lớn giàu có không muốn chia là bình thường nhưng cổ đông nhỏ không được chia thì đó là điều bất bình đẳng. Cổ đông này nhấn mạnh nếu năm 2014 không chia thì kiểu gì năm 2015 cũng phải chia.

Đại diện ban điều hành ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã trả lời các câu hỏi của cổ đông.

Theo ông Hồ Hùng Anh việc không trả cổ tức, lợi nhuận được giữ lại là nhằm củng cố tiềm lực cho Techcombank để có thể trở thành ngân hàng vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sắp tới.

“Vì mục tiêu lâu dài nên cổ đông xác định 3 – 5 năm Techcombank sẽ không thực hiện chi trả cổ tức” – Người đứng đầu ngân hàng Techcombank khẳng định

Nói về việc niêm yết, ông Hồ Hùng Anh cho biết: Không chỉ cổ đông nhỏ mà cổ đông lớn cũng rất muốn Techcombank sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên,  xét về lợi ích lâu dài thì việc niêm yết cần phải chọn thời điểm thích hợp.

Nói cụ thể về kết quả kinh doanh quý I/2014, ông Hùng Anh chia sẻ: Thông thường kết quả kinh doanh quý I sẽ thấp hơn các quý còn lại vì vướng dịp tết nhưng kết quả kinh doanh quý I lần này của Techcombank đã vượt kế hoạch 20 – 30%, hứa hẹn một năm kinh doanh đầy triển vọng. Chính vì thế Techcombank đã dự kiến sẽ điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng lên mức 35% nhưng không cho vào biên bản cuộc họp

“Theo tài liệu gửi cổ đông chúng tôi để kế hoạch tăng trưởng tín dụng 11% vì các lý do sau: Thứ nhất để ban điều hành nhìn thấy các mục tiêu đề ra đã vượt để có động lực tố hơn trong công việc. Thứ hai, nếu như các diễn biến đúng như phán đoán của ban điều hành và kết quả kinh doanh tốt thì ở thời điểm thích hợp ban điều hành sẽ chính thức đưa mục tiêu điều chỉnh tăng trưởng tín dụng vào kế hoạch 2015” – Ông Hùng Anh nói.

Cũng theo ông Hùng Anh, hiện nay tiềm năng của ngân hàng Techcombank còn lớn, thị phần của Techcombank  trên thị trường mới chiếm khoảng 3% nên còn nhiều dư địa để phát triển. Việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận của Techcombank năm nay dự kiến sẽ vượt mục tiêu đề ra.

Về vấn đề nợ xấu, theo ông Hùng Anh hiện nay Techcombank đã bán khoảng 3.400 tỷ đồng cho VAMC. Các khảon trích lập dự phòng đều được ngân hàng thực hiện đúng quy định của NHNN.

“Chúng tôi sẽ chủ động đối với vấn đề xử lý nợ xấu. Do đó, dù quy định của NHNN là các TCTD phải trích lập liên tiếp 5 năm nhưng dự kiến chúng tôi sẽ quyết liệt thực hiện vấn đề này trong 2 năm (2015 – 2016). Chính vì thế trước khi Thông tư 02 và 09 được áp dụng chúng tôi đã xử lý xong vấn đề về trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, khi Thông tư có hiệu lực hoạt động của Techcombank không hề bị ảnh hưởng”

Cũng theo ông Hùng Anh, nợ xấu của Techcombank hiện cũng không còn nhiều nếu bán cho NHNN cũng chỉ còn khoảng 1.000 tỷ và tỷ lệ nợ xấu chỉ còn hơn 1%.

“Techcombank nhìn nhận vấn đề bán nợ xấu không chỉ là làm đẹp sổ sách mà đó còn lại giúp cho ngân hàng tiệm cận với các quy định chuẩn mực thông lệ quốc tế”.

Nói về câu chuyện mua bán sáp nhập, ông Hùng Anh chia sẻ rằng việc mua lại công ty Tài chính Hóa chất được ngân hàng này thực hiện trên nguyên tắc 2 bên có những nét phù hợp với nhau. “Viêc sáp nhập chỉ được chúng tôi tiến hành khi mà  cả 2 bên phù hợp, đảm bảo việc sáp nhập đúng văn hóa phát triển của ngân hàng để lúc đó thành phép cộng phép nhân chứ không phải tăng tổng tài sản mà tồn tại nhiều vấn đề” – Ông Hùng Anh nói.

11h15p Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Techcombank đã kết thúc. Các tờ trình đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ rất cao

 

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên