MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ VIB: Năm nay có thể chưa niêm yết trên TTCK

27-03-2015 - 10:18 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo chủ tịch HĐQT VIB, việc chọn thời điểm niêm yết còn quan trọng hơn. Khi niêm yết rồi kết quả kinh doanh phải bền vững và muốn làm được như vậy thì VIB còn phải tiếp tục hoàn thiện mình để đảm bảo được quyền lợi của các cổ đông

Sáng nay (ngày 27/3) Ngân hàng TMCP Quốc Tế - VIB đã tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm 2015.

Báo cáo của Hội đồng quản trị ngân hàng VIB về hoạt động kinh doanh năm 2014 cho biết, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này năm 2014 là 523 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần đạt 44.004 tỷ đồng (bao gồm cả 3.520 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và 2.305 tỷ đồng trái phiếu VAMC); Tiền gửi của khách hàng đạt 49.052 tỷ đồng, tăng 13%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn tăng 19%.

Chi phí hoạt động chỉ tăng 4,6% so với năm 2013. Tốc độc tăng trưởng doanh thu cao hơn chi phí giúp tỷ lệ chi phí trên thu nhập từ hoạt động ngân hàng cốt lõi giảm từ 59% xuống còn 56%. Các quỹ dự phòng tiếp tục được bổ sung với số dư lũy kế đạt trên 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 2,51%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2015, ông Hàn Ngọc Vũ Tổng giám đốc VIB cho biết: Mục tiêu của nhà băng này tổng tài sản sẽ tăng 9% lên 88.251 tỷ đồng; huy động vốn tăng 8% lên 53.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, VIB sẽ dự kiến 2 phương án tăng trưởng tín dụng:

Phương án 1: Tín dụng chỉ tăng 11% tương ứng dư nợ cho vay 42.380 tỷ đồng (theo chỉ tiêu của NHNN đã giao).

Phương án 2: VIB đặt kế hoạch dư nợ tăng 27% trong năm 2015 lên 47.532 tỷ đồng.

Nợ xấu duy trì ở mức 3%.

Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2014 và mục tiêu chiến lược năm 2015, HĐQT dự kiến đề xuất tỷ lệ chi cổ tức trên vốn điều lệ bình quân là 11% nhằm tiếp tục đầu tư và phát triển ngân hàng

Theo phần trình bày của ông Hàn Ngọc Vũ về nợ xấu thì năm 2015 ngân hàng này dự kiến sẽ xử lý 3.835 tỷ đồng nợ xấu, đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu quanh ngưỡng 2,5%.

Trong đó, VIB dự kiến bán cho AMC ngân hàng khác 2.209 tỷ đồng, nợ xấu trên bảng tổng kết tài sản VIB là 960 tỷ đồng, nợ không bị chuyển sang nợ xấu 125 tỷ đồng, nợ xấu bị phân loại chưa thực hiện theo TT 02 là 15 tỷ đồng, nợ xấu tăng thêm theo kết quả phân loại CIC 226 tỷ đồng, cuối cùng là dự kiến nợ xấu tăng thêm năm 2015 là 300 tỷ đồng do khách hàng không trả được nợ.

Hiện tại, ĐHCĐ của ngân hàng VIB đã bước sang phần hỏi đáp của cổ đông với ban điều hành.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc VIB có ý định sáp nhập với một ngân hàng khác trong thời gian tới không? Ông Đặng Khắc Vỹ – Chủ tịch HĐQT ngân hàng VIB cho biết: Ý định về mua bán sáp nhập để mở rộng quy mô và thị phần luôn thường trực trong định hướng phát triển của VIB.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng này sẽ nhất quán và kiên trì với mục tiêu phải tìm được ngân hàng nào thật sự minh bạch về tài chính thì từ đó mới có thể tạo tao một ngân hàng mới mạnh hơn, tốt hơn. Vì nếu sáp nhập vào một ngân hàng mà tình hình tài chính không mình bạch thì rất dễ đi vào “vết xe đổ” do chính mình tạo ra và rủi ro lúc đó là rất cao.

Cũng theo ông Vỹ, những năm trở lại đây mục tiêu mà VIB hướng đến luôn là minh bạch và ngân hàng này đã đầu tư rất nhiều để hoàn thiện vấn đề này, chính vì thế những gì mà các hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế như Moody’s đã ghi nhận sự cố gắng này của VIB.

Liên quan đến câu hỏi: Dù đã có kế hoach niêm yết trên thị trường chứng khoán cách đây vài năm nhưng đến nay vì sao VIB vẫn chưa thực hiện?

Ông Hàn Ngọc Vũ – Tổng giám đốc ngân hàng VIB thừa nhận: Kế hoạch niêm yết đã được VIB xin ý kiến cổ đông trong vài năm trở lại đây nhưng chưa thực hiện được. Lý do được ông Vũ đưa ra là do để niêm yết trên thị trường chứng khoán thì khối lượng công việc thực hiện trước vào sau khi niêm yết là rất lớn đòi hỏi phải có lực lượng lao động có thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển thì để đảm bảo mục tiêu phát triển thì có rất nhiều công việc phải làm như: Mở rộng chi nhánh, phát triển sản phẩm, đảm bảo đạt các mục tiêu kinh doanh đề ra, quản trị rủi ro…

“Việc niêm yết là kế hoạch được VIB xác định là một trong những kế hoạch quan trọng nhưng nhiều mục tiêu khác còn cấp thiết hơn mà VIB phải thực hiện ngay” – Ông Vũ nói.

Ông Vũ cũng thừa nhận, mặc dù năm nay việc trình đại hội về việc niêm yết tiếp tục được đưa ra nhưng nhiều khả năng là năm nay sẽ không thực hiện được mà sẽ phải tiếp tục đợi trong vài năm tới.

Vào thời điểm 10h50p một số cổ đông tỏ ra không hài lòng về cách lý giải chưa niêm yết trên TTCK của ban điều hành ngân hàng VIB. Các cổ đông cho rằng, việc không niêm yết là do ý muốn chủ quan của ban lãnh đạo ngân hàng VIB chứ không phải do các điều kiện khách quan khác.

Ông Đặng Khắc Vỹ đã bổ sung thêm với cổ đông về ý kiến muốn VIB niêm yết trên TTCK. Ông Vĩ cho rằng, việc niêm yết trên TTCK là quan trọng. “Tuy nhiên tôi muốn nói là việc chọn thời điểm niêm yết còn quan trọng hơn. Khi niêm yết rồi kết quả kinh doanh phải bền vững và muốn làm được như vậy thì VIB còn phải tiếp tục hoàn thiện mình để đảm bảo được quyền lợi của các cổ đông” – Ông Vỹ chia sẻ.

Theo ông Vỹ, HĐQT có thể đưa ra đề xuất tuy nhiên quyết định việc này lại là thuộc về các cổ đông của VIB.

Ông Graham Putt thành viên HĐQT cũng đồng ý rằng việc niêm yết phải bền vững  và đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Liên quan đến việc bán bán tòa nhà hội sở (số 16 Phan Chu Trinh – Hoàn Kiếm – Hà Nội), ông Hàn Ngọc Vũ cho biết: Việc bán tòa nhà này VIB đã được 800 tỷ đồng.

“Quyết định bán tòa nhà này ban lãnh đạo VIB cũng rất tiếc nhưng đã là tổ chức thì mọi quyết định đều phải có tính toán và hài hòa lợi ích. Trước hết là áp lực thoái vốn từ NHNN và giảm tỷ lệ nợ xấu cũng như chia cổ tức cho cổ đông” – Ông Vũ nói.

Trả lời câu hỏi: Tại sau VIB đặt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2014 là 11% nhưng lại chỉ được NHNN duyệt mức 9%?

Ông Đặng Khắc Vỹ cho biết, trước kia việc chi trả cổ tức sẽ được Ban kiểm soát đưa ra và cổ đông thông qua từ đó sẽ áp dụng. Nhưng hệ thống ngân hàng đang nằm trong quá trình tái cấu trúc nên NHNN đang chỉ đạo các ngân hàng phát triển theo hướng thận trọng.

“Năm 2015 – 2016 là giai đoạn cao điểm mà NHNN yêu cầu các NHTM phải minh bạch về tài chính mặc dù những năm trước yêu cầu này cũng được đưa ra, chính vì thế việc chia cổ tức của các NHTM phải được NHNN đồng ý mới được áp dụng” – Ông Vỹ nói.

Ông Vỹ nói: Đây là quyết định của NHNN chúng tôi chỉ là đơn vị chấp hành và thông qua.

Tại thời điểm 11h25p một số cổ đông đang trình bày về những chia sẻ về tâm huyết gắn bó và thành quả VIB đạt được sau 19 năm thành lập.

Dự kiến sau phần hỏi đáp này sẽ đến phần phát biểu của đại diện NHNN và cổ đông tiến hành bỏ phiếu thông qua các nội dung báo cáo được đưa ra xin ý kiến lần này.

 

 

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên