MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều hành tỷ giá quá thận trọng làm suy yếu doanh nghiệp trong nước

28-05-2015 - 15:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2015 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố sáng 28/5 cho biết, việc Ngân hàng nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá với biên độ hẹp thời gian vừa qua là quá thận trọng, làm suy yếu doanh nghiệp trong nước.

Điều hành tỷ giá quá thận trọng làm suy yếu doanh nghiệp trong nước

Theo TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách, trong khi Ngân hàng Nhà nước sử dụng cơ chế neo mềm vào đồng USD, VND đang tăng giá âm thầm làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Ảnh hưởng tăng giá thực của VND lên hàng xuất khẩu thúc giục cân nhắc lại chính sách tỉ giá.

TS. Thành cho biết, tỷ giá thực của Việt Nam trước khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 tăng, từ sau khủng hoảng đến trước khi Việt Nam gia nhập WTO giảm. Sau đó, tỷ giá tiếp tục tăng do vốn ngoại tệ chảy vào vào thời điểm sau WTO đến khủng hoảng năm 2008. Do chính sách thắt chặt tiền tệ, tỷ giả giảm sau khủng hoảng năm 2011 và tăng từ 2011 đến nay.

Tỷ giá tăng trong bối cảnh lạm phát được giữ ổn định ở mức thấp, điều kiện kinh tế quốc tế thuận lợi do tốc độ điều chỉnh tỷ giá danh nghĩa thấp, được duy trì ở mức 2-3%/năm. Tỷ giá thực song phương của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc tương đối ổn định. Trong khi đó, với Nhật và EU tỷ giá diễn biến bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo nghiên cứu của VEPR, cuối năm 2013, VND được định giá cao hơn 7-11% so với mức cân bằng. Ngoại trừ Philippines, Việt Nam là nước duy nhất có đồng nội tệ được định giá cao trong giai đoạn 2012-2013.

Tỷ giá thực hiện hữu của Việt Nam (Nguồn: VEPR)
Tỷ giá thực hiện hữu của Việt Nam (Nguồn: VEPR)

Tỷ giá cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Cụ thể, ngành công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ việc tỷ giá thiếu sức cạnh tranh. Nếu VND định giá cao 10% sản lượng giảm 7,65%, xuất khẩu giảm 11,64%.

Đối với ngành công nghiệp thâm dụng vốn hưởng lợi do đầu vào nhập khẩu giảm, kim ngạch nhập khẩu tăng lên 33,17% nếu VND được định giá cao hơn 10%. Bên cạnh đó, tỷ giá cao có tác động đẩy mạnh tiêu dùng, dẫn đến sản lượng và kim ngạch nhập khẩu hàng dịch vụ tăng.

Đối với các ngành sử dụng đầu vào trong nước: nông nghiệp, chế biến nông nghiệp, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động và khai khoáng. Đây là những ngành tạo việc làm và tiến bộ năng suất của nền kinh tế.

Ảnh hưởng của độ lệch tỷ giá đến các ngành (Nguồn: VEPR).
Ảnh hưởng của độ lệch tỷ giá đến các ngành (Nguồn: VEPR).

“Tỷ giá cao bất lợi cho ngành sử dụng nhiều yếu tố đầu vào sản xuất nội địa và hỗ trợ cho các ngành tiêu dùng và sản xuất sử dụng đầu vào nhập khẩu” – TS Thành nhận định.

Trên cơ sở đó, VEPR cũng đề xuất, Việt Nam cần một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỷ giá cạnh tranh hơn, tối thiểu tiến tới mức tỷ giá cân bằng. Mức điều chỉnh tỷ giá danh nghĩ nên lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới.

Không phải cái gì mạnh cũng tốt!

Phát biểu tại hội thảo với tư cách khách mời phản biện, TS. Huỳnh Thế Du – Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright, nhận định: “Việt Nam đang giữ VND ở mức giá cao, nhưng để cạnh tranh, người ta chỉ muốn một đồng tiền yếu. Đồng tiền yếu sẽ có lợi cho sản xuất kinh doanh trong nước và cả xuất khẩu”.

Theo đó, TS. Du đã lấy dẫn chứng từ một số câu chuyện thực tiễn. Tại Nhật Bản, năm 1949, vấn đề tiền tệ của Nhật Bản được quyết định bởi chính quyền Washington. Khi đó, đồng yên được định giá 1USD = 360 yên. Đối với người dân Nhật Bản khi đó, tỷ giá USD/yên Nhật tối đa chỉ ở mức 1USD=150 yên.

Tuy nhiên, quyết định đó lại trở thành nhân tố then chốt quyết định sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản. Việc ấn định tỷ giá đồng yên thấp trong mấy thập kỷ liên tục đã cải thiện cạnh tranh trong nước và nhờ đó Nhật Bản trở nên thặng dư.

Trong khi các nước như Nhật Bản và Đài Loan định hướng xuất khẩu nên định hướng đồng tiền yếu để thúc đẩy cạnh tranh cho quốc gia, thì Indonesia, Malaysia và một số nước Đông Nam Á theo đuổi hướng ngược lại: định hướng nền kinh tế thay thế nhập khẩu và tạo ra đồng tiền định giá cao. Điều này làm cho việc chi tiêu công quá mức, lạm phát tăng cao và gây bất ổn vĩ mô.

“Không phải cái gì mạnh cũng tốt, nhất là đồng tiền của một quốc gia. Nợ nước ngoài phải trả bằng đồng tiền nước ngoài. Khi đồng tiền yếu, hoạt động xuất khẩu tăng lên, làm hoạt động ngoại thương tốt lên, thu được nhiều ngoại tệ và khả năng trả nợ tốt hơn, chứ không phải đồng tiền mạnh làm khả năng trả nợ tốt hơn” –TS Du cho hay.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên