MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp bảo hiểm chật vật tăng vốn

02-04-2010 - 00:40 AM | Tài chính - ngân hàng

Vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng.

Những khó khăn khách quan và chủ quan đã khiến cho một số doanh nghiệp bảo hiểm không hoàn tất việc tăng vốn điều lệ theo quy định. Thời hạn cuối cùng theo quy định cũng đã sắp qua và 6 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có vốn điều lệ đã góp chưa đủ 300 tỷ đồng, vẫn đang chờ xử lý...

Theo Nghị định số 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 của Chính phủ về việc quy định chế độ tài chính đối với doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thì sau 3 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ là 300 tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ là 600 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bảo hiểm phải điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ theo quy định trước ngày 30/4/2010, nếu không sẽ không được tiếp tục hoạt động.

2009, tăng vốn chật vật

Huy động vốn khó khăn trong năm 2009 khiến cho việc tăng vốn điều lệ và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm theo quy định chưa thực hiện đúng. Bên cạnh, một số doanh nghiệp không hoàn tất việc tăng vốn theo quy định, số khác phải thay đổi hồ sơ xin tăng vốn, thậm chí tăng vốn được nhưng phương án thực hiện không đúng như ban đầu.

Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã hoàn thành việc tăng vốn thì trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ vẫn còn tới 6 doanh nghiệp chưa thực hiện xong việc này như: Samsung Vina, QBE, UIC, Bảo Tín, Bảo Long và Hùng Vương.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã góp đủ 300 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng chưa đáp ứng yêu cầu về cơ cấu vốn điều lệ theo quy định. Trong đó, có 4 doanh nghiệp là PVI, PJICO, PTI, GIC có cổ đông là tổ chức sở hữu vốn góp vượt quá 20% vốn điều lệ, Công ty Bảo hiểm AAA có cổ đông là cá nhân sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ, 3 doanh nghiệp PJICO, PTI và VASS đã có vốn điều lệ nhưng chưa đáp ứng quy mô hoạt động.

Tình hình huy động vốn khó khăn cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2009 phải thay đổi vốn điều lệ và hồ sơ xin tăng vốn. Công ty Bảo hiểm GIC không góp đủ số vốn điều lệ theo cam kết trong hồ sơ tăng vốn. Công ty Bảo hiểm Than - Khoáng sản (Bảo Than) thực hiện chuyển nhượng 10% vốn điều lệ khi chưa được sự chấp thuận của Bộ Tài chính. Có hai doanh nghiệp giảm vốn điều lệ đã góp tại giấy phép thành lập và hoạt động nhưng không báo cáo Bộ Tài chính (Bảo Không, Hùng Vuơng).

Cũng theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, vẫn còn một số sai phạm trong việc góp vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được phát hiện qua công tác kiểm tra như: không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết trong hồ sơ tăng vốn, cổ đông góp vốn không theo đúng phương án góp vốn nếu tại hồ sơ thành lập và hoạt động, cổ đông vay tiền ngân hàng để góp vốn điều lệ là không đúng quy định về nguồn tiền dùng để góp vốn thành lập.

2010, tăng vốn bằng cách nào?

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng: ngoài khó khăn do tình hình thị trường chứng khoán không thuận lợi thì những chồng chéo trong thủ tục cấp phép đã khiến nhiều doanh nghiệp mất đi cơ hội tăng vốn trong năm 2007 và 2008. Có doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính cho phép tăng vốn nhưng khi sang Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì không được và thời gian giải trình quá lâu đã làm mất đi cơ hội phát hành.

Theo ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng chiến lược kinh doanh ngắn hạn, trung và dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kênh phân phối bằng cách huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, lành mạnh hóa khoản đầu tư, giảm các tài sản kém thanh khoản và các khoản phải thu khó đòi.

Trong trường hợp cần thiết, có thể cân nhắc kêu gọi nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển công nghệ bảo hiểm.

“Đây cũng là một hướng đi, nhưng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi khủng hoảng thì việc mời gọi đối tác nước ngoài mua cổ phần không dễ dàng. Bởi lẽ, mặc dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam rất khốc liệt. Hơn nữa, những doanh nghiệp thuộc diện phải tăng vốn theo quy định cũng chưa phải là doanh nghiệp có tên tuổi nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc huy động vốn tại thị trường trong nước có tính khả thi hơn”, ông Hoan nhấn mạnh.

Ngoài quy định của pháp luật, việc tăng vốn điều lệ là nhu cầu cấp thiết của hầu hết danh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và hội nhập ngày càng sâu như hiện nay. Việc tăng vốn điều lệ, không chỉ giúp doanh nghiệp bảo hiểm tăng năng lực tài chính, từ đó tăng khả năng tiếp cận và khai thác các hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, mà việc phát triển chi nhánh, mạng lưới giao dịch của doanh nghiệp cũng vì thế sẽ có điều kiện gia tăng.

Theo Hoàng Xuân

VnEconomy

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên