MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đối phó với ATM ngày Tết: Hãy học cách chi tiêu thông minh

07-02-2016 - 10:42 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù đã có quy định xử phạt ngân hàng để máy ATM hết tiền quá 24 tiếng nhưng rất nhiều người dân vẫn không thể rút được tiền từ ATM trong những ngày “cao điểm”.

Chi tiêu thông minh là thế nào?

Theo phản ánh của người dân những ngày cận Tết, nhiều máy ATM của các ngân hàng như BIDV, Vietcombank... đồng loạt bị trục trặc, báo lỗi không thể rút được tiền.

Tình cảnh khách hàng đứng xếp hàng chờ rút xuất hiện trên nhiều tuyến phố. Trong khi đó, bên trong phòng giao dịch khách hàng cũng chen kín chờ thực hiện các giao dịch trong ngày làm việc cuối cùng trước khi ngân hàng nghỉ tết.

Trao đổi rõ hơn về vấn đề ATM ngày Tết với chúng tôi, TS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Việt Nam cho biết, về mặt quản trị, máy ATM quá tải là do vào những ngày giáp Tết, lưu lượng người giao dịch đông, chưa kể, càng những ngày cận Tết thì đường phố lại càng kẹt cứng người và xe, bộ phận tiếp quỹ không đáp ứng kịp. Tình trạng quá tải trên máy ATM trong đợt cao điểm là khó tránh khỏi, khi quá nhiều người cùng rút tiền mặt một lúc và hệ thống khó tránh gặp sự cố.

Theo ông Hòe, để giảm tải tình trạng ùn tắc ATM và tránh những bức xúc khi sử dụng dịch vụ, khách hàng nên có kế hoạch chi tiêu rải rác trước Tết một tháng.

“Người dân cần mua sắm tại các siêu thị, cà thẻ bằng ATM hoặc thẻ tín dụng, không hề mất phí. Đây là cách chi tiêu thông minh thậm chí còn dược khuyến mại, không lệ thuộc quá nhiều vào tiền mặt. Người dân muốn rút tiền mặt thì trước Tết 1 tháng, người dân nên đi rút tiền sớm”, ông Hòe cho biết.

Theo lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cuối năm hoặc các kỳ nghỉ lễ là thời điểm mà nhu cầu rút tiền mặt của người dân tăng rất cao. Đại diện Vietcombank cho rằng, để hỗ trợ ngân hàng trong việc cung cấp dịch vụ, đảm bảo khách hàng có thể thực hiện được các giao dịch, khách hàng nên tăng cường sử dụng thẻ thanh toán khi mua bán hàng hóa, dịch vụ, thay cho sử dụng tiền mặt vào thời điểm trước và trong các kỳ nghỉ lễ Tết.

Vì sao chưa ngân hàng nào bị xử phạt?

Mặc dù đã có quy định xử phạt ngân hàng để máy ATM hết tiền quá 24 tiếng nhưng rất nhiều người dân vẫn không thể rút được tiền từ ATM trong những ngày “cao điểm”. Theo quy định này, trường hợp ngân hàng “không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định” sẽ bị áp dụng mức phạt từ 10-15 triệu đồng.

Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có ngân hàng nào bị phạt, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng nếu ngân hàng để ATM thường xuyên hết tiền mà không điều chỉnh thì đáng bị phạt. Tuy nhiên, phạt 15 triệu đồng là rất nhỏ so với vi phạm cố tình của ngân hàng, không phải là cảnh cáo lớn đối với các ngân hàng. Chưa tính việc xử phạt cũng khó khăn, qua nhiều tiến trình điều tra.

Lý giải thêm, TS. Phạm Xuân Hòe cho biết các ATM hết tiền thường xảy ra vào ngày nghỉ trong khi đó vào ngày nghỉ cơ quan quản lý thường không làm việc, việc để xử lý ngay và đầy đủ chứng cứ để xử phạt là rất khó mà phphải có chứng cứ, biên bản để phạt.

“Theo tôi, để làm dịch vụ tốt, bộ phận tiếp quỹ của ngân hàng phải làm 24/24h để đảm bảo tiền trong ATM luôn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”, ông Hòe kiến nghị.

Một biện pháp nữa ông Hòe đưa ra, trước đây khi còn công tác tại ngân hàng thương mại ông đã từng làm, đó là niêm yết số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo trên ATM để khi có trường hợp nào xảy ra, khách hàng sẽ gọi thẳng đến lãnh đạo để vị này chỉ đạo trực tiếp, theo dõi tinh thần trách nhiệm cũng như lỗi và xử phạt nhân viên nếu khách hàng phản ánh đúng.

Đã dùng dịch vụ là phải tính phí

Một số khách hàng bức xúc khi chạy quanh nhiều trụ thẻ ATM nhưng không rút được tiền nên đã đến quầy giao dịch của ngân hàng thì ngân hàng lại thu phí để giảm tải cho ATM.

Trả lời băn khoăn này, ông Hòe khẳng định khách hàng dùng dịch vụ rút tiền theo yêu cầu thì đương nhiên phải trả phí.

Với mức lãi không kỳ hạn từ số tiền của khách hàng trong tài khoản cũng không đáng kể trong khi đó ngân hàng phải chi phí cho nhiều hoạt động như kiểm đếm, nhân lực, hạ tầng,…

Ông đưa một so sánh vui “Tại sao ngân hàng giữ tiền an toàn cho khách hàng thì lại không tính phí trong khi gửi tài sản giá trị như một chiếc xe máy để ngoài chợ khách hàng sẵn sàng trả phí, đặc biệt là những ngày Tết chi phí này còn tăng lên có thể là 5 nghìn đến mấy chục nghìn”.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết việc nhiều ngân hàng giới hạn số tiền rút mỗi lần là do máy được cài đặt số lượng tờ rút. Để đảm bảo đủ cơ cấu mệnh giá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của người dân, thay vì chỉ chạy ra một loại mệnh giá là 500 nghìn đồng, có thể nhiều máy ATM sẽ cho ra các mệnh giá từ 50-500 nghìn đồng. Còn về việc chủ thẻ rút tiền trực tiếp tại chi nhánh, phòng giao dịch phải mất phí, thì đây là chính sách của từng ngân hàng nhưng hầu hết là đều thu phí.

Theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành, khi rút tiền liên ngân hàng, nhiều khi khách phải rút 2 lần cho một số tiền không nhiều. Nghiễm nhiên ngân hàng thu phí 2 lần. Mục tiêu chủ yếu của việc này là tạo sự an toàn, hạn chế rủi ro cho tài khoản chứ không phải vì mục đích thu phí.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên