MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đua lãi suất còn phải dòm… Ngân hàng Nhà nước

29-09-2015 - 14:07 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều thông tin phản ánh gần đây lạm dụng cụm từ “cuộc đua lãi suất”. Thực tế diễn biến này khó xảy ra, khi Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt hầu bao và các khoản chi tiêu của mỗi ngân hàng thương mại.

Không và chưa

Khoảng một tháng gần đây, lãi suất huy động VND nhích lên từ 0,1-0,2%/năm, tập trung ở các kỳ hạn ngắn. Cá biệt, tuần qua, sau khi được Ngân hàng Nhà nước xem xét tạo điều kiện, Ngân hàng Đông Á tăng đáng kể tại hai kỳ hạn ngắn 1 và 2 tháng lên 5%/năm.

Để định hình một cuộc đua thực sự, thực tế phải có sự tham gia của số lượng thành viên chiếm thị phần đủ lớn, có sự chênh lệch và san lấp khoảng cách một cách nhanh chóng. Điều này chưa thực sự xẩy ra. Lãi suất mới chỉ tăng lẻ tẻ một cách có trật tự, theo nhu cầu cân đối vốn riêng lẻ mà thôi.

Từ tháng 5/2015 đến nay, lãi suất huy động của các “ông lớn” như Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV gần như không có thay đổi, hoặc không đáng kể. Thêm các ngân hàng lớn khối cổ phần, điểm khẳng định chắc chắn là: các nhà băng chiếm trên 80% thị phần huy động vốn toàn thị trường không và chưa tham gia vào “cuộc đua lãi suất”.

Thứ hai, trong lịch sử cạnh tranh lãi suất của hệ thống ngân hàng Việt Nam, một cuộc đua thực sự chỉ diễn ra khi chênh lệch giữa hai khối ngân hàng quốc doanh (đã cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm tỷ lệ sở hữu chi phối) với khối ngân hàng thương mại cổ phần doãng rộng từ 1,5% đến hơn 2%/năm ở các kỳ hạn.

Còn hiện nay, chênh lệch lãi suất giữa hai khối trên diễn ra trong hòa bình, chỉ trên dưới 1%/năm. Điều này một phần phản ánh áp lực cạnh tranh đối với khối cổ phần không căng như trước, nguồn vốn được quản lý tốt hơn.

Quản lý tốt hơn một phần do cơ chế giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Từ năm 2010, hệ thống ngân hàng bắt đầu làm quen với việc khống chế đầu ra, qua cơ chế áp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Hai năm gần đây, cơ chế này càng chặt chẽ hơn, khi Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu sát tới từng thành viên, theo thực tế “liệu cơm mà gắp mắm” chứ không cào bằng như trước.

Chỉ tiêu cao thấp được xác định từ nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là trên cơ sở vốn đầu vào và chất lượng tín dụng của mỗi thành viên. Đầu ra được xác định hợp lý hơn và giám sát chặt, không còn mở bung và chạy đua cho vay như trước, áp lực nhồi vốn đầu vào, cạnh tranh lãi suất cao cũng hạn chế đi.

Trong khi đó, ở yếu tố đầu vào - trực tiếp gắn với lãi suất huy động và khả năng chạy đua - ngoài việc bơm hút vốn qua các kênh thường ngày, thời gian gần đây Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng đến “quân bài chiến lược” đã om hai năm qua.

Cách đây vài tháng, khó khăn đầu vào xuất hiện cục bộ tại một vài ngân hàng thương mại. Nếu để tự bơi thông thường, lãi suất huy động tại những điểm này có thể tăng cao. Nhưng, hoạt động tái cấp vốn âm thầm được ghi nhận.

Khác với trước đây, tái cấp vốn để cứu trợ thanh khoản, như một yêu cầu nóng và nhạy cảm. Nay, nó diễn ra một cách bình thường hơn. Đó là tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo quy định, sau khi bán lại nợ xấu cho VAMC, ngân hàng nhận được trái phiếu đặc biệt, làm công cụ dự phòng để tái tạo nguồn vốn khi cần. Vừa qua, dù không lớn, nhưng giá trị của công cụ này đã thể hiện, giúp cân đối vốn tại một số thành viên.

Lãi suất tái cấp vốn qua trái phiếu đặc biệt VAMC cũng mang tính bình ổn, chỉ 4,5%/năm so với mức 6,5%/năm theo biểu lãi suất tái cấp vốn thông thường.

Cái bắt tay chặt

Như vậy, cả yếu tố đầu vào và đầu ra của mỗi ngân hàng thương mại đều được Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt hơn trước; một sự thiếu hụt đều có sự hỗ trợ có thể xem trực tiếp nhất hiện nay là nguồn tái tạo từ trái phiếu đặc biệt VAMC - một sự hỗ trợ chính danh.

Dù chỉ thực hiện tái cấp vốn mức độ nhỏ, riêng lẻ để xoa dịu các điểm nóng cục bộ và cần thiết, nhưng về tổng thể khoảng trên 180 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt VAMC hiện nay là quy mô đáng chú ý.

Khi có sự giám sát và quản lý chặt đầu vào và đầu ra như vậy, dù đã trả gần hết cơ chế trần cho thị trường, nhưng một cuộc đua lãi suất thời điểm này chỉ có thể xảy ra khi Ngân hàng Nhà nước lơ là vai trò của mình.

Tuy nhiên, cũng có những tác động bên ngoài chính sách tiền tệ và ngoài phạm vi của Ngân hàng Nhà nước. Đó là áp lực từ huy động vốn trái phiếu Chính phủ, diễn ra căng thẳng từ đầu năm đến nay.

Những cũng dễ thấy, từ đầu năm đến nay chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã có cái bắt tay chặt chẽ hơn. Một bước đẩy lên của lãi suất trái phiếu Chính phủ hẳn sẽ có tiếng nói của Ngân hàng Nhà nước.

Ngược lại, sau giao dịch lớn hồi tháng 4/2015, theo tìm hiểu của VnEconomy, chính từ phía ngân hàng thương mại cũng vừa thực hiện một giao dịch lớn nữa..., như một sự hỗ trợ lớn cho áp lực cân đối ngân sách.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên