MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa mức điều chỉnh tỷ giá cứng trong năm: NHNN bị rơi vào thế khó xử

03-05-2015 - 08:51 AM | Tài chính - ngân hàng

USD liên tục tăng giá trong khi NHNN vẫn duy trì tỷ giá ổn định trong thời gian dài và một khi phải điều chỉnh cho sát thực tế sẽ phải điều chỉnh với biên độ lớn.

Vài năm trở lại đây, hàng năm NHNN đưa ra tuyên bố về giới hạn điều chỉnh của tỷ giá trong năm để thị trường biết trước. Chẳng hạn như năm 2014 – 2015, NHNN tuyên bố điều chỉnh tỷ giá không quá mức 2%.

Đồng thời NHNN cũng thể hiện quan điểm sẵn sàng can thiệp khi thị trường tự do có biến động mạnh, trước hết là bằng các tuyên bố về chính thức về ổn định thị trường, sau đó nếu thị trường vẫn có biến động mạnh thì sẽ bán ra USD để giữ ổn định tỷ giá.

Nếu tỷ giá trên thị trường vẫn tiếp tục có dao động mạnh trong một thời gian dài, NHNN sẽ có động thái điều chỉnh tỷ giá, thường là với mức độ nhỏ vài phần trăm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh mà NHNN đang áp dụng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Cụ thể là:

Thứ nhất, giữ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được ổn định. Việc tỷ giá được duy trì ổn định giúp các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động nhập khẩu có thể lập kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm và thực thi ế hoạch một cách ổn định.

Thứ hai, giúp giữ cho gánh nặng nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp nói riêng vào toàn bộ bộ quốc gia nói chung không bị tăng lên.

Thứ ba là giúp giảm áp lực lên lạm phát. Việc giữ cho đồng nội tệ không bị mất giá trong một khoảng thời gian tương đối dài giúp giảm áp lực đối với cả lạm phát kỳ vọng và lạm phát thực tế.

Mặt trái của chính sách neo tỷ giá

Theo tiến sĩ Lê Quốc Phương – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) thì NHNN theo đuổi chính sách tỷ giá có điều chỉnh bằng cách giữ tỷ giá ổn định trong một thời gian khá dài và tuyên bố mức dao động tỷ giá thường không quá 2%/năm; trong khi đó đồng USD hiện vẫn đang trong xu hướng lên giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.

“VND tăng giá khá cao so với USD và các đồng ngoại tệ khác khiến cho năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị giảm mạnh. Đồng VND tăng giá quá cao không khuyến khích xuất khẩu mà ngược lại khiến cho xuất khẩu có thể giảm và nhập khẩu có thể tăng, do đó nhập siêu có khả năng tăng” – Tiến sĩ Phương nói.

Bên cạnh đó, việc đồng VND tăng giá quá cao so với USD khiến cho tình trạng tỷ giá tự do cao hơn tỷ giá chính thức. Hoạt động đầu cơ ngoại tệ vốn được giảm mạnh trong mấy năm qua có thể sẽ quay trở lại. Và nếu hoạt động này mạnh lên có thể gây bất lợi lớn cho hoạt động của thị trường ngoại hối.

Chưa kể đến việc USD liên tục tăng giá trong khi NHNN vẫn duy trì tỷ giá ổn định trong một thời gian dài và khi phải điều chỉnh cho sát thực tế sẽ phải điều chỉnh với một biên độ lớn, gây ra sốc bất ổn lớn.

Không nên neo tỷ giá với một ngoại tệ duy nhất là USD

Theo ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, phần lớn các giao dịch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện nay đều được thực hiện bằng USD. Tuy nhiên khối lượng giao dịch bằng các đồng tiền khác cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, vay nợ bằng đồng Euro và Yen cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vay nợ nước ngoài của Việt Nam.

Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, Việt Nam nên có công thức neo tỷ giá theo một số ngoại tệ chủ chốt như USD, Euro, Yen và bảng Anh... có tính đến quyền số của mỗi ngoại tệ trong tổng kim ngạch xuất khẩu và vay nợ của Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Quốc Phương thì cho rằng, NHNN tránh đưa ra tuyên bố về mức điều chỉnh cứng của tỷ giá trong năm. Mặc dù, việc tuyên bố như vậy sẽ có tác dụng thể hiện quyết tâm và ý chí của Chính phủ và NHNN muốn duy trì sự ổn định của thị trường; đồng thời cũng giúp DN yên tâm lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm mà không lo đến sự biến động quá lớn của tỷ giá.

“Song việc đưa ra mức điều chỉnh tối đa cứng của tỷ giá trong năm sẽ gặp bất lợn khi tỷ giá trên thị trường ngoại hối quốc tế có biến động mạnh. Chẳng hạn như hiện USD lên giá 15 – 18% trong khi NHNN tuyên bố tỷ giá sẽ được điều chỉnh không quá 2% trong năm 2015 sẽ đẩy NHNN vào thế khó xử” – Tiến sĩ Phương nêu.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên