MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Eximbank: Chờ tháng 10!

14-09-2015 - 09:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Có lẽ tháng 9 này Eximbank lại trễ hẹn với cổ đông về vấn đề tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường 2015 để chốt nhân sự cấp cao, khi sự kiện này được dời sang tháng 10.

“Diễn biến” Eximbank

Cho đến nay, ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) đã nộp danh sách các ứng viên tham gia ứng cử nhân sự cấp cao tới Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, vấn đề chốt danh sách các ứng viên này về nguyên tắc có vẻ Ngân hàng Nhà nước đã “xuôi”, nhưng ngày chốt tổ chức đại hội đồng cổ đông để bầu nhân sự cấp cao dự kiến được chuyển sang tháng 10.

Trong các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu, Eximbank là ngân hàng có diễn biến khá phức tạp. Eximbank cũng như ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khá bất ngờ khi có một nhóm cổ đông của ngân hàng khác thâu tóm cổ phần. Nhưng khác với Sacombank, thông tin về cổ đông của Eximbank rõ ràng là khó hiểu.

Vì trước đó đã có thông tin nhân sự của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) sẽ tham gia vào điều hành Eximbank nhiệm kỳ 2016 - 2020, nhưng đến phút chót lại có sự thay đổi khi đại diện pháp nhân của NamABank lên tiếng phủ nhận việc sở hữu cổ phần của Eximbank.

Tuy nhiên, có một dự kiến là người tham gia làm chủ của Eximbank là người của Ngân hàng Nhà nước. Một thành viên cũ của NamABank sẽ là Tổng giám đốc và một thành viên của Eximbank là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị.

Hiện số lượng thành viên Hội đồng quản trị của Eximbank là 9 người, trong đó, 4 nhân sự cũ sẽ có tên trong danh sách ứng viên vào Ban Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới, gồm cả nhân sự đại diện vốn của Vietcombank.

Cổ phiếu rớt mạnh

Năm 2015, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 1.000 tỷ đồng, trả cổ tức cho cổ đông dự kiến 4,8% bằng tiền mặt. Nếu ban lãnh đạo thực hiện được điều này là một nỗ lực không nhỏ của Eximbank, vì năm 2014 ngân hàng đã không chia một đồng cổ tức cho cổ đông vì phải trích lập dự phòng rủi ro quá lớn.

Tính đến hết quý II/2015, Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro được 166 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý II/2015 đạt 570 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 2,82%.

Vấn đề của Eximbank là nhân sự và xử lý nợ xấu, những tồn đọng của những năm trước liên quan đến những cá nhân, tổ chức phải được khắc phục.

Nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sự trở lại của Eximbank sau những chấn chỉnh về hoạt động để trở thành một ngân hàng mạnh thực sự. Vì theo chia sẻ của ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, 5 năm qua (2010 – 2015) chưa có ngân hàng nào chia cổ tức cho cổ đông gần 87% lợi nhuận sau thuế như Eximbank. Số tiền năm 2010 dành chia cổ tức là 2.200 tỷ đồng, năm 2011 là 4.868 tỷ đồng, năm 2012 là 2.828 tỷ đồng, năm 2013 là 870 tỷ đồng, năm 2014 không chia dù lợi nhuận sau thuế 56 tỷ đồng.

Về xử lý nợ xấu, theo bà Văn Thái Bảo Nhi, Phó tổng giám đốc Eximbank, trong năm 2015 Eximbank sẽ xử lý khoảng 2.730 tỷ đồng nợ xấu do Ngân hàng Nhà nước giao, trong đó bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) là 2.000 tỷ đồng.

Dự kiến đến 30/9, Eximbank sẽ hoàn thành kế hoạch bán nợ cho VAMC (đến 30/6, Eximbank đã bán cho VAMC là 1.526 tỷ đồng).

Song song với việc bán nợ xấu cho VAMC, Eximbank cũng tự xử lý nợ xấu và đã xử lý được hơn 1.550 tỷ đồng tính đến 30/6 (bằng dự phòng rủi ro và thu nợ từ khách hàng).

Việc thu hồi nợ xấu đã bán cho VAMC tính đến 30/6 đã thu được 550 tỷ đồng, 6 tháng cuối năm 2015 sẽ tiếp tục thu hồi thêm 550 tỷ đồng so với tổng nợ xấu đã bán cho VAMC từ 2013 đến 30/6 là 6.300 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu của Eximbank giảm mạnh gần 30% sau ngày đại hội đồng cổ đông thường niên (21/7) từ mức đỉnh 15.600 đồng/cổ phiếu giảm liên tiếp về mức đáy 11.500 đồng/cổ phiếu sau một tháng.

Giá giao dịch ngày 11/9 đang tăng trở lại ở mức 12.000 đồng/cổ phiếu, mức giá này vẫn thấp hơn so với phiên mở cửa đầu năm 2015 là 12.800 đồng/cổ phiếu.

Thị trường vẫn đánh giá cổ phiếu của Eximbank khá tốt khi giá trị sổ sách của Eximbank khoảng 11.768 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách (P/B) khoảng 1,02.

Góc nhìn khác về vấn đề ở Eximbank

 

Theo Linh Lan

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên