MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fitch: Các kế hoạch sáp nhập có tác động tích cực đến hệ thống ngân hàng Việt Nam

11-03-2015 - 16:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Các kế hoạch củng cố hệ thống ngân hàng của NHNN và sự ra đời của các thông tư mới quy định cơ cấu sở hữu theo thông tư 36 sẽ đem đến những tác động tích cực đối với ngành ngân hàng Việt Nam.

Nội dung nổi bật:

- Fitch nhận định ngành ngân hàng sẽ đón nhận những tác động tích cực từ các kế hoạch M&A và các quy định mới.

- Đẩy mạnh quá trình cải cách vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro về chất lượng tài sản, nợ xấu và dự phòng vốn.


Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa đưa ra bản thông cáo báo chí nhận định về quá trình tái cơ cấu khu vực ngân hàng đang diễn ra ở Việt Nam.

Theo đó, Fitch nhận định các kế hoạch củng cố hệ thống ngân hàng của NHNN và sự ra đời của các thông tư mới quy định cơ cấu sở hữu theo thông tư 36 sẽ đem đến những tác động tích cực đối với ngành ngân hàng Việt Nam.

Tuy nhiên, việc triển khai các kế hoạch sẽ là một thử thách lớn đối với hệ thống, đồng thời những vấn đề dài hạn thuộc về cấu trúc như chất lượng tài sản yếu, thiếu minh bạch và dự phòng vốn thấp vẫn còn tồn tại. Quá trình củng cố sẽ hiệu quả hơn nếu quy mô kinh tế và gánh nặng giám sát được cải thiện.

Mấy tháng gần đây, NHNN đã thông báo nhiều kế hoạch thông qua các vụ M&A ngân hàng trong năm 2015. Mục tiêu là đến năm 2017, số ngân hàng trên cả nước sẽ giảm từ mức khoảng 40 xuống còn 15 – 17 ngân hàng. Về điều này, Fitch kỳ vọng quá trình cải tổ sẽ được dẫn dắt bởi việc nhập ngân hàng nhỏ hơn và yếu kém hơn vào các ngân hàng thương mại nhà nước có quy mô lớn hơn.

Tiếp nhận các ngân hàng yếu hơn có thể làm tăng rủi ro về chất lượng tài sản cũng như rủi ro hoạt động đối với các ngân hàng lớn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Fitch tin rằng Việt Nam có thể kiểm soát được những tác động này vì các ngân hàng cần sáp nhập có tổng tài sản khá nhỏ bé so với ngân hàng lớn. Thêm vào đó, các quy định mới đi kèm theo thông tư 36 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2015) cho phép các ngân hàng nắm dưới 5% cổ phần tại tối đa là hai ngân hàng khác. Điều này giúp giảm tỷ lệ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Theo thông tư 36, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu không thay đổi (vẫn ở mức 9%) và do đó sẽ không có nhiều tác động đến các ngân hàng thương mại nhà nước và cổ phần được Fitch xếp hạng. Tính đến tháng 6/2014, các ngân hàng này có tỷ lệ CAR nằm trong khoảng từ 12,6% đến 14,4%.

Tuy nhiên, đẩy mạnh quá trình cải cách vẫn là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp vẫn chậm chạp trong khi thông tư 02 vốn có mục tiêu là tăng cường minh bạch trong chất lượng tài sản đã bị trì hoãn nhiều lần. Đồng thời, rủi ro về chất lượng tài sản và tỷ lệ dự phòng vốn ở mức thấp vẫn đè nặng lên khu vực ngân hàng.

Do đó Fitch vẫn giữ triển vọng tiêu cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Việt Nam cần nhiều thời gian để giải quyết lượng nợ xấu đã tích tụ từ giai đoạn tăng trưởng quá mức, mặc dù các điều kiện kinh tế vĩ mô có thể đã giúp giảm bớt áp lực về chất lượng tài sản.

Thu Hương

Thu Hương

Fitch

Trở lên trên