MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá chào sàn của BID dự kiến 20.000 đồng

31-10-2012 - 22:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Đây là mức giá dự kiến theo bản cáo bạch của BIDV, mức giá lên sàn chính thức của cổ phiếu BID sẽ do Hội đồng quản trị thông báo bằng văn bản.

- Cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã cổ phiếu BID) dự kiến có giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 20.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá dự kiến theo bản cáo bạch của BIDV, mức giá lên sàn chính thức của cổ phiếu BID sẽ do Hội đồng quản trị thông báo bằng văn bản.

BIDV đăng ký niêm yết tổng cộng 2.301 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị cổ phiếu đăng ký niêm yết là 23.011 tỉ đồng với mã chứng khoán BID vào ngày 10-10. Trong đó, số cổ phiếu tự do lưu hành sẽ vào khoảng 113 triệu cổ phiếu, khoảng 5% tổng vốn điều lệ (bao gồm 85 triệu cổ phiếu đã IPO và 28 triệu cổ phiếu ESOP (cổ phiếu bán cho người lao động theo chính sách phát hành giữ chân nhân viên).
Ngày 28-12-2011, kết quả phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu (IPO) của BIDV được công bố với giá đấu thành công bình quân là 18.583 đồng/cổ phần. Với mức giá này, hệ số P/B (giá/giá trị sổ sách) của BIDV là 1,65 lần.

Theo Bản cáo bạch, Nhà nước hiện là cổ đông lớn của BIDV, nắm giữ 2.203.607.796 cổ phần, tương đương với 95,76% vốn điều lệ. Ngân hàng Nhà nước là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại ngân hàng này.

Tính đến thời điểm ngày 22-5-2012, tổng số lượng cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tại BIDV là 126.215 cổ phần, chiếm 0,006% vốn điều lệ.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT, hiện nắm giữ 881.546.118 cổ phần; trong đó, cổ phần nhà nước ông đại diện nắm giữ là 881.443.118 cổ phần và cổ phần cá nhân ông nắm giữ là 103.000 cổ phần.

Theo bản cáo bạch, tỷ lệ chi trả cổ tức tính theo thời gian cả năm dự kiến là 14%. Mức chi trả sẽ tính theo thời gian thực tế từ khi BIDV chính thức chuyển đổi sang ngân hàng thương mại cổ phần.

“Trong những năm tiếp theo BIDV sẽ thực hiện chính sách cổ tức theo định hướng ổn định, ưu tiên cho việc đầu tư, mở rộng để tăng trưởng mạnh và bền vững, đảm bảo quyền lợi của cổ đông với mức chi trả cổ tức không thấp hơn lãi suất tiền gửi bình quân 12 tháng”, bản cáo bạch viết.

Theo kết quả lợi nhuận trước thuế quí 3-2012 của BIDV, ngân hàng đạt 196 tỉ đồng do chi phí trích lập dự phòng lên đến 1.655 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2012 đạt 1.893 tỉ đồng (đạt 45% mục tiêu cả năm là 5.800 tỷ đồng), chủ yếu do trích lập dự phòng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 4.561 tỉ đồng.

Tăng trưởng tín dụng của BIDV từ đầu năm đến nay tăng 13,3%, tương ứng với 332.915 tỉ đồng. Vốn huy động tăng 22,2% từ đầu năm đến nay, đạt 294.123 tỉ đồng. Tổng tài sản tăng 12% từ đầu năm đến nay so với mục tiêu cả năm 20%, đạt 456.440 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãi biên ròng 9 tháng đầu năm giảm từ 3,3% trong 6 tháng đầu năm xuống còn 3%. Chi phí vốn tăng từ 9% lên 9,2% trong khi suất sinh lời giảm từ 11,8% xuống 11,7%.

Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng đã giảm còn 2,77% cuối quí 3 so với 3,06% cuối quí 2. Mức cải thiện này là do BIDV chủ động xóa khoảng 0,5% dư nợ hiện tại (1.500 tỉ đồng) trong quí này. Tỷ lệ dự phòng/nợ xấu tăng từ 76% trong quí 2 lên 82% cuối quí 3 nhờ tích cực tăng chi phí dự phòng.

Bản cáo bạch cho biết tới 30-6-2012, tổng các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của BIDV là 72.225 tỉ đồng, tăng 5.410 tỉ đồng so với thời điểm 31-12-2011. Các khoản này, một phần hoặc toàn bộ, đều có tài sản thế chấp (bất động sản, hàng hóa…) hoặc đảm bảo bằng giá trị ký quỹ. Mặc dù vậy, nếu xảy ra rủi ro, việc BIDV phải thực hiện các cam kết bảo lãnh này có thể ảnh hưởng bất lợi tình hình tài chính của ngân hàng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV Trần Bắc Hà hồi đầu năm 2011 đã cho biết BIDV đang tích cực phối hợp với nhà tư vấn Morgan Stanley lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sở hữu 15% cổ phần để giảm tỷ lệ sở hữu của Chính phủ trong năm 2012. Song, đến nay việc này đã chững lại vì những khó khăn trên thị trường tài chính.


Theo Hồng Phúc

TBKTSG

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên