MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia tăng quyền lực thanh tra ngân hàng

25-04-2014 - 14:01 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ 1-6-2014, khi NĐ 26 về tổ chức hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng vừa được Thủ tướng ký ban hành ngày 7-4-2014, có hiệu lực, Việt Nam sẽ có Tổng cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN.

Điểm danh công ty con

Từ trước đến nay thanh tra, giám sát vẫn luôn là một trong những hoạt động chính yếu của NHNN và chi nhánh NHNN các địa phương. Ở các chi nhánh NHNN tỉnh, thành, nhân sự của bộ phận thanh tra, giám sát chiếm từ một nửa đến hai phần ba biên chế. Thông thường phụ trách thanh tra là phó giám đốc các chi nhánh. Ngoài thanh tra định kỳ và đột xuất khi cần thiết, bộ phận thanh tra các chi nhánh còn phối hợp với thanh tra NHNN để làm việc trong những trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn năm ngoái, thanh tra chi nhánh NHNN TPHCM đã làm việc nhiều đợt tại một ngân hàng cổ phần có vấn đề, và khi kết quả được gửi ra NHNN, đích thân thanh tra NHNN đã phải vào cuộc bởi có những dấu hỏi nghiêm trọng.

Trong một báo cáo đã có từ năm 2012, NHNN cho biết năm đó cơ quan quản lý đã tiến hành hơn 500 vụ thanh, kiểm tra các ngân hàng trong hệ thống. Hai năm trở lại đây, hoạt động thanh tra được đẩy mạnh và số vụ thanh tra hàng năm có lẽ không thể ít hơn mức nêu trên.

Vai trò của thanh tra, giám sát hiện tại phải dùng đúng từ là “cực kỳ” quan trọng vì sở hữu chéo, mua bán, sáp nhập ngân hàng đang trong giai đoạn cao trào. Quyền hạn, trình độ của thanh tra phải được nâng lên để đáp ứng tính chất công việc ngày một phức tạp, tinh vi và khó lường.

Trong chương 1 của nghị định, điều 2, đối tượng thanh tra của thanh tra, giám sát được mở rộng sang cả ngân hàng chính sách và công ty con của tổ chức tín dụng. Như vậy, các công ty chứng khoán có tỷ lệ vốn góp chi phối của các ngân hàng cũng nằm trong diện thanh tra của Thanh tra, giám sát ngân hàng. Lâu nay các vụ chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu, nhất là cổ phiếu ngân hàng, hầu hết được thực hiện thông qua một số công ty chứng khoán mà ngân hàng chiếm tỷ trọng vốn chi phối. Nếu Thanh tra, giám sát ngân hàng có quyền “thò tay” vào chỗ này, có thể đường đi của những vụ chuyển nhượng cổ phần tổ chức tín dụng sẽ được “phơi bày”.

Điều 4 quy định “trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng của Luật NHNN với quy định của luật khác, thì thực hiện theo quy định của Luật NHNN”. Giả sử có sự khác nhau giữa quy định thanh tra, giám sát của Luật NHNN và Luật Chứng khoán, thì quy định của Luật NHNN sẽ được chọn để thực hiện. Điểm này cho thấy khả năng kết luận của Thanh tra, giám sát ngân hàng, thí dụ với công ty chứng khoán, sẽ được đặt lên trên kết luận thanh tra của bên chứng khoán.

Một quy định khác nhấn mạnh quyền hạn của Thanh tra, giám sát ngân hàng là họ được quyền yêu cầu đối tượng bị thanh tra thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán một hoặc tất cả các nội dung cần thiết (điều 5). Có sự nhấn mạnh: công ty con, công ty liên kết, đơn vị trực thuộc của tổ chức tín dụng có dấu hiệu ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của ngân hàng, thì sẽ phải thuê kiểm toán độc lập vào. Năm 2010-2011 đã có công ty chứng khoán là công ty con của ngân hàng lỗ hàng ngàn tỉ đồng, tác động đến lợi nhuận, nợ xấu của ngân hàng ấy. Tuy nhiên, khi đó đã không thấy bóng dáng của kiểm toán độc lập tham gia xử lý.

Công khai kết luận thanh tra

Theo điều 19, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra của Thanh tra, giám sát ngân hàng không quá 45 ngày. Trường hợp phức tạp có thể kéo dài đến 70 ngày. Thời hạn tối đa này tương đối dài. Nhiều ngân hàng phản ánh trong thời gian có thanh tra, ban điều hành ngân hàng phải hợp tác với các nhân viên thanh tra và mất không ít thời gian. Một số công việc điều hành khác bị chậm lại, thậm chí ngưng trệ.

Một quy định mang tính đột phá nằm ở điều 22. “Kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước và nội dung nhạy cảm ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của đối tượng thanh tra” và “Hình thức công khai kết luận thanh tra được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Liệu “công khai” ở đây có được hiểu là công khai cho dư luận rõ? Hay vẫn chỉ là công khai trong phạm vi cơ quan quản lý? Từ lâu, luật bất thành văn là trong các cuộc họp ngân hàng mà báo chí có thể tham dự, kết luận của thanh tra không được phát cho báo chí. Nếu có phần trình bày về kết luận thanh tra, thì đại biểu được nhắc xem trong tài liệu đã phát, mà không trình bày trực tiếp vì sự có mặt của báo giới!!! Rất hiếm hoi kết luận thanh tra ngân hàng được công khai cho công chúng.

Nhân sự của Tổng cục Thanh tra, giám sát ngân hàng và Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Hà Nội, TPHCM có khả năng được điều chuyển từ bộ phận thanh tra, giám sát NHNN, chi nhánh NHNN Hà Nội, TPHCM. Ở các địa phương còn lại, thanh tra, giám sát ngân hàng vẫn nằm trong chi nhánh NHNN tỉnh, thành. Khó có thể nói Cục Thanh tra, giám sát và chi nhánh NHNN ở Hà Nội, TPHCM ngang nhau về chức năng, quyền hạn. Sắp tới, chi nhánh NHNN TPHCM, Hà Nội sẽ chỉ còn làm những chức năng như ngân quỹ, tổng hợp, thi đua khen thưởng với số lượng cán bộ, nhân viên thu hẹp đáng kể. Lâu nay giám đốc chi nhánh NHNN TPHCM, Hà Nội đều là thành ủy viên các thành phố. Tới đây Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát TPHCM, Hà Nội có chịu sự phân công tương tự? Hay chỉ cần Thống đốc NHNN bổ nhiệm là đủ?

Sự ra đời của Tổng cục Thanh tra, giám sát ngân hàng thêm một lần nữa nhắc nhở về cải cách hành chính của cơ quan quản lý ngành ngân hàng. Liệu có nhất thiết phải có đủ chi nhánh NHNN ở tất cả các tỉnh thành hay chỉ cần chi nhánh NHNN một số vùng, miền? Bộ máy của cơ quan quản lý ngành ngân hàng chưa thể nói là tinh giản, gọn nhẹ so với hiệu quả quản lý nếu nhìn từ góc độ phần lớn các vụ án kinh tế những năm qua và hiện tại đều có sự liên quan nổi cộm của không ít ngân hàng.

Theo Hải Lý

loanlt

Thời báo kinh tế Sài gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên