MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Nội sẽ xét vụ án tham nhũng tại chi nhánh Nam Hà Nội Agribank

01-12-2015 - 12:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết Hà Nội đang thu lý và giải quyết vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Chi nhánh Nam Hà Nội Agribank. Vụ án có 18 bị cáo, sơ bộ vụ án gây thiệt hại cho Nhà nước trên 2.700 tỷ đồng...

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 14 HĐND TP. Hà Nội, Chánh án Tòa án nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết theo Ban chỉ đạo Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương có hơn 10 vụ việc tham nhũng diện quan tâm chỉ đạo giao cho TP. Hà Nội phải trực tiếp xét xử.

“Trong đó hiện nay Tòa nhân dân TP. Hà Nội đang thụ lý và giải quyết vụ án Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về các tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…”, ông Chinh cho biết.

Báo cáo tại HĐND, ông Chính cũng cho biết từ ngày 01/10/2014 đến 30/9/2015, hai cấp Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã thụ lý 27.130 vụ, tăng 425 vụ, tương đương 1,6%; đã giải quyết được 26.122 vụ (tăng 311 vụ), đạt tỷ lệ 96,3%.

Hai cấp Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án đồng thời đẩy mạnh việc tranh tụng nên hầu hết các vụ án đều được giải quyết trong thời hạn luật định, có căn cứ và đúng pháp luật.

Kết thúc năm công tác, hai cấp Tòa án còn quá hạn 46 vụ, giảm 39 vụ so với năm 2014. Số vụ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số vụ án đã giải quyết: có 70 vụ án bị huỷ do lỗi chủ quan, chiếm 0,26 % số án đã giải quyết, 65 vụ án bị sửa do lỗi chủ quan, chiếm 0,25% số án đã giải quyết.

Về án hình sự, năm qua, tổng số án hình sự đã được thụ lý là 8.887 vụ/14.921 bị cáo, giảm 263 vụ so với năm 2014; đã giải quyết 8.716vụ/14.516 bị cáo (giảm 347 vụ), đạt tỷ lệ giải quyết 98%.

Công tác xét xử án hình sự đã đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Tòa án đã phối hợp thực hiện tốt quy chế làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, định kỳ họp trao đổi những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật, nhằm giải quyết tốt vụ án.

Tòa án hai cấp đã trả hồ sơ điều tra bổ sung 2.235 vụ, tăng 1.408 vụ, tương đương 170% so với năm 2014, trong đó Viện kiểm sát chấp nhận 1.342 vụ, không chấp nhận 728 vụ, còn lại 165 vụ chưa có kết quả.

Trong năm qua, nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Điển hình như vụ án xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh bị truy tố về các tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” (vụ án xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường); vụ án Hà Huy Hoàng bị truy tố về tội “Gián điệp”; vụ án Nguyễn Văn Bảo bị truy tố về tội “Vu khống” (đây là trường hợp bị cáo vu khống cán bộ cấp huyện, trong thời gian chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp).

Trong đó, vụ án Phạm Hải Bằng và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là một vụ án nghiêm trọng. “Đây là vụ án tham nhũng tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam liên quan đến thực hiện dự án có vốn ODA của Nhật Bản, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng theo dõi yêu cầu xử trước khi diễn ra Đại hội Đảng”, ông Chính cho biết.

Qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy tình hình tội phạm chủ yếu tập trung vào các loại tội phạm về ma túy với 3.182 vụ/3.747 bị cáo chiếm tỷ lệ 36,5%; tội Trộm cắp tài sản; Cướp tài sản; tội Đánh bạc; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội Cố ý gây thương tích và Giết người...

Tội phạm công nghệ cao, chiếm đoạt tài sản qua mạng là loại tội phạm mới đang nổi lên với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất khó phát hiện, xử lý, Tòa án đã xét xử 21 vụ/50 bị cáo.

Tội phạm về tham nhũng, kinh tế chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm gây thiệt hại lớn về tài sản, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng với 53 vụ/155 bị cáo.

Cũng tại phiên khai mạc, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội, cho biết trong năm 2015 Thanh tra TP và thanh tra các sở ngành, quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai 374 cuộc thanh tra. Kết quả cho thấy tình hình tội phạm tham nhũng vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, nhất là trong các lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, ngân hàng, tài chính, thuế.

Cụ thể có 14 vụ án với 40 bị can đã bị công an TP. Hà Nội khởi tố. Kết thúc điều tra, chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 17 vụ và 65 bị can, hiện đang điều tra 11 vụ và 25 bị can.

Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cũng đã thụ lý 23 vụ với 71 bị cáo, chuyển tiếp 09 vụ và 16 bị cáo, án mới là 14 vụ với 55 bị cáo. Tuy tố và chuyển tòa gồm 19 vụ và 55 bị cáo, đình chỉ 1 bị cáo, đang giải quyết 4 vụ và 17 bị cáo.

Tòa án nhân dân TP. Hà nội đã thụ lý 35 vụ với 127 bị cáo, trong đó tham ô tài sản 3 vụ với 6 bị cáo; nhận hối lộ 3 vụ với 18 bị cáo; lạm dụng vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản chiếm 4 vụ với 4 bị cáo; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ là 18 vụ với 72 bị cáo; lạm quyền trong khi thi hành công vụ 7 vụ với 27 bị cáo.

Hiện đã xét xử 17 vụ với 47 bị cáo. Tra hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung 11 vụ với 46 bị cáo; còn lại 7 vụ với 34 bị cáo.

 

Theo TRẦN GIANG

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên