MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hai nhân tố tác động mạnh đến chỉ số lạc quan châu Á

24-03-2015 - 13:30 PM | Tài chính - ngân hàng

Chính sách nới lỏng tiền tệ giúp chỉ số lạc quan ở Nhật Bản, TQ tăng trong khi Indonesia và Malaysia sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các nhà đầu tư Châu Á kỳ vọng mức lợi nhuận đầu tư đạt 10% trong năm 2015.

Theo Kết quả Báo cáo Chỉ số lạc quan Nhà đầu tư của Manulife thì những xáo trộn kinh tế vĩ mô từ chính sách kích thích và nới lỏng tiền tệ tại Trung Quốc và Nhật Bản đến sự sụt giảm giá dầu đã tác động mạnh mẽ đến Chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư cá nhân trong Quý 4/2014.

Nhìn chung, chỉ số lạc quan nhà đầu tư của cả khu vực đã giảm 2 điểm xuống còn 26, chủ yếu là do chỉ số sụt giảm tại các thị trường Indonesia với mức giảm 14 điểm xuống còn 50, Malaysia giảm 8 điểm còn 47, và Hồng Kông giảm 5 điểm còn -10.

Bà Megan Greene – Kinh tế gia Trưởng của Tập đoàn Quản lý Quỹ Manulife cho biết: “Chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư cá nhân dễ dàng bị tác động bởi các yếu tố gây tổn hại đến túi tiền của họ cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến viễn cảnh việc làm và kinh tế. Các nhà đầu tư ở Indonesia bị choáng váng bởi những áp lực gia tăng từ việc gỡ bỏ trợ cấp giá nhiên liệu và áp lực lạm phát đi kèm. Malaysia, nước xuất khẩu ròng dầu cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Chúng tôi dự đoán giá dầu sẽ giảm xuống dưới 40 USD/thùng và sẽ giữ ở mức thấp này trong 6 tháng. Tình trạng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Malaysia”.

Chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư Hồng Kông thậm chí còn giảm sâu hơn do sự nhìn nhận bi quan đối với thị trường bất động sản, tiếp tục với mức giảm 9 điểm xuống còn -36. Nguyên nhân là do giá bất động sản cao và nhận định lãi suất sẽ tăng do chính sách neo tỉ giá vào đồng Đô la Mỹ gây nên. Một yếu tố khác, dù không ảnh hưởng quá lớn là phong trào Occupy Central, đã có 2/5 nhà đầu tư Hồng Kông cho biết họ đã bị ảnh hưởng trong các quyết định đầu tư của mình.

Bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam cho biết: “Giá cổ phiếu Việt Nam sụt giảm do giá dầu giảm trong Quý 4/2014, điều này khiến các nhà đầu tư quan ngại về loại tài sản này. Tuy nhiên, với lãi suất đang ở mức thấp và GDP tăng trưởng nhanh hơn cùng với sự ổn định tương đối của tiền Đồng, chúng tôi dự đoán lợi nhuân doanh nghiệp sẽ có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn trong 2015. Trong bối cảnh như vậy, một quỹ tương hỗ đầu tư vào cổ phiếu với một danh mục các công ty được chọn lọc cẩn thân sẽ có khả năng đem lại lợi nhuận hấp dẫn”.

Chỉ số của cả khu vực được bù đắp phần nào nhờ vào chỉ số tăng cao tại Trung Quốc, các nhà đầu tư tại đây lạc quan với chỉ số tăng 14 điểm lên 29. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà đầu tư tự tin vào thị trường cổ phiếu với chỉ số lạc quan tăng 29 điểm lên 58, phản ánh lòng tin của nhà đầu tư đến từ mặt bằng lãi suất giảm, môi trường cho vay lành mạnh và sự tự do hóa sâu hơn của thị trường vốn.

Nhật Bản cũng là thị trường có chỉ số lạc quan tăng với 4 điểm lên 12, nguyên nhân là do chính sách kích thích tiêu dùng của Chính phủ và việc Thủ tướng Abe thắng cử vào tháng 12 cùng với kế hoạch cải tổ cơ cấu trong nhiệm kỳ của ông.

Bà Greene cho biết thêm: “Nguồn cung dư thừa của dầu mỏ cũng như thanh khoản tiền tệ đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến chỉ số lạc quan của các nhà đầu tư và thị trường vào cuối năm 2014. Trong năm 2015, các sự kiện kinh tế vĩ mô lớn sẽ tiếp tục tác động mạnh đến các thị trường khu vực. Trung Quốc sẽ tiếp tục hưởng lợi từ chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ mục tiêu nhưng tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 7% trong năm 2015. Nhật Bản cũng sẽ tăng trưởng rất chậm. Đồng Yên yếu hơn đã không thành công trong việc đẩy mạnh xuất khẩu vì các yếu tố cạnh tranh, do đó viễn cảnh kinh tế Nhật Bản thật sự phải dựa nhiều vào cuộc cải tổ cơ cấu sâu sắc”.

Việc các nhà đầu tư kỳ vọng đạt mức lợi nhuận đầu tư 10% cho thấy sự ưa chuộng đối với tiền mặt

Các nhà đầu tư cá nhân tại Châu Á mong muốn đạt mức lợi nhuận đầu tư trung bình 10% trong năm 2015. Nhật Bản đứng cuối danh sách với hy vọng đạt 7,4%, trong khi đó Indonesia đứng đầu với 14,5%. Các nhà đầu tư tại Trung Quốc đứng ở giữa với 11,4%, một mức lợi nhuận rất khiêm tốn so với mức tăng 37% của chỉ số Shanghai Composite vào cuối năm.

Khi được hỏi loại tài sản nào dự đoán sẽ mang lại hiệu quả đầu tư tốt nhất trong năm 2015, các nhà đầu tư đã dự đoán cổ phiếu đứng đầu (23% nhà đầu tư chọn). Bất động sản theo sau với 20% nhưng đặc biệt đối với các thị trường như Indonesia và Philippines nơi cổ phiếu không phải là kênh đầu tư phổ biến thì ngược lại. Xét trên toàn khu vực thì tiền mặt đứng ngang bằng ở vị trí thứ hai với cùng 20%.

Nghiên cứu sâu hơn về những kênh mà nhà đầu tư Châu Á dự kiến sẽ đầu tư trong 6 tháng tới cho thấy phát sinh một số vấn đề về khả năng đạt mục tiêu đầu tư mong muốn của nhà đầu tư bởi vì tiền mặt vẫn là loại hình tài sản được ưa chuộng nhất và là loại tài sản mà nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ. Điều này cho thấy nhà đầu tư Châu Á đã và đang nắm giữ tỉ trọng tiền mặt cao so với các tiêu chuẩn phân bổ tài sản thông thường với tỷ lệ tiền mặt chiếm đến 37% trong tổng danh mục tài sản (không tính nhà ở).

Khi được hỏi về dự đoán mức độ lạc quan nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, ông Peter Warnes – Trưởng Nhóm Giải pháp Đầu tư Quốc tế của Tập đoàn Quản lý Quỹ Manulife cho biết: “Nhiều nhà đầu tư cá nhân cảm thấy khó khăn trong việc lên kế hoạch đầu tư dài hạn trong bối cảnh thị trường bất ổn hiện nay nhưng chúng tôi cho rằng việc chuyển sang nắm giữ tiền mặt không phải là giải pháp cho tình huống này, đặc biệt là khi lãi suất thấp đồng nghĩa với việc tiền mặt sẽ không đem lại lợi nhuận.”

Riêng đối với các thị trường vốn ưa chuộng tiền mặt như Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản, các nhà đầu tư có thái độ từ trung lập đến tiêu cực đối với tiền mặt trong Quý 4. Tỷ lệ phần trăm các nhà đầu tư tại các thị trường này cho biết họ sẽ đầu tư nhiều hơn vào tiền mặt trong 6 tháng tới đã giảm: Hồng Kông (27%), Trung Quốc (17%) và Nhật bản (12%). Ngược lại, các nhà đầu tư tại các thị trường này lại lạc quan nhất với cổ phiếu. Chỉ số lạc quan đối với chứng khoán ở Trung Quốc là 58 điểm, Nhật Bản là 37 điểm và Hồng Kông là 11 điểm.

Ông Warnes cho biết thêm: “Giải pháp đầu tư đa dạng hóa các loại tài sản có thể giúp nhà đầu tư giảm bớt các thiệt hại do các diễn biến không mong đợi từ thị trường, đồng thời có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn tiền mặt hoặc thậm chí còn có thể tạo ra dòng thu nhập thường xuyên. Một danh mục đầu tư đa dạng bao gồm sự kết hợp của cả cổ phiếu và trái phiếu và sự tiếp cận với nhiều thị trường khác nhau. Chúng tôi hiện tại ưu tiên cổ phiếu nhiều hơn trái phiếu và tại thị trường Châu Á, chúng tôi ưu tiên các thị trường ở Bắc Á như Trung Quốc và Hàn Quốc hơn các nước ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, một giải pháp quản lý hiệu quả đầu tư đa kênh có thể sẽ nhanh chóng tạo ra sự dịch chuyển giữa các loại tài sản hoặc những thay đổi về vị trí địa lý các thị trường đầu tư”.

A.D

PV

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên