MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hậu sáp nhập HBB với SHB: Băn khoăn bài toán quản trị

27-04-2012 - 15:15 PM | Tài chính - ngân hàng

Hậu sáp nhập HBB và SHB sẽ hình thành nên một ngân hàng có tổng vốn điều lệ và tổng tài sản tương đương nhiều ngân hàng lớn hiện nay, như ACB, MB, Eximbank, Sacombank…

Bài toán quản trị hậu sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB) với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ được xử lý như thế nào là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay.

Sau nhiều đồn đoán, cuối cùng, Dự thảo tóm tắt Đề án sáp nhập HBB vào SHB cũng được đưa ra. Số phận thương vụ hợp nhất giữa HBB và SHB sẽ được định đoạt tại Đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng (diễn ra ngày 28/4 và 5/5/2012). Song nhiều nhà đầu tư nhận định, khả năng cổ đông phủ quyết đề án trên là khó xảy ra, bởi việc sáp nhập này được sự ủng hộ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và có lợi cho cả cổ đông lẫn ngân hàng hai bên.

Theo Dự thảo Đề án mà HBB đưa ra, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng sẽ tạo ra một ngân hàng vững mạnh hơn với số vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, hoạt động khắp các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, có số lượng 500.000 khách hàng, với 5.000 nhân viên, có địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia; có sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế…

Như vậy, hậu sáp nhập HBB và SHB sẽ hình thành nên một ngân hàng khá lớn ở Việt Nam, có tổng vốn điều lệ và tổng tài sản tương đương nhiều ngân hàng lớn hiện nay, như ACB, MB, Eximbank, Sacombank…

Với HBB, việc sáp nhập tự nguyện này được coi là hành động khôn ngoan, vì sức khỏe tài chính của HBB khá xấu. Nếu tình trạng này kéo dài, không tìm được đối tác sáp nhập, HBB có nguy cơ bị ép sáp nhập. Khi đó, quyền lợi của HBB và các cổ đông sẽ khó được bảo đảm. Theo Dự thảo Đề án sáp nhập với SHB mà HBB công bố, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,75 (tức là 1 cổ phiếu HBB sẽ được chuyển đổi thành 0,75 cổ phiếu SHB).

Lợi ích dễ nhận thấy nhất của việc sáp nhập trên là SHB và HBB sẽ tránh được áp lực tăng vốn theo lộ trình đang được NHNN xem xét áp dụng. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ bổ sung lợi thế, tận dụng mạng lưới, khách hàng, phát huy điểm mạnh của nhau, huy động vốn tốt hơn, có nhiều khách hàng ở nhiều phân khúc hơn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của NHNN về khả năng thanh khoản, chỉ tiêu an toàn hoạt động, tỷ lệ cấp tín dụng… Thực tế, việc một ngân hàng lớn, có mạng lưới rộng, có nhiều phân khúc thị trường cũng là nhân tố giúp ngân hàng có thể “khỏe” lên nhanh chóng. Thực tế đã chứng minh, ba ngân hàng hợp nhất năm 2011, dù không khỏe bằng SHB và HBB cũng đã mạnh lên trông thấy chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều làm dư luận băn khoăn là hậu sáp nhập, bài toán quản trị sẽ được tính toán như thế nào. Vấn đề lớn nhất mà hai bên phải xử lý trong quá trình sáp nhập là nợ xấu, đặc biệt là nợ có nguy cơ mất vốn của HBB khá cao.

Để làm được điều này, SHB không chỉ cần có tiềm lực tài chính để cơ cấu lại nợ xấu, mà lãnh đạo ngân hàng hợp nhất còn phải đáp ứng được yêu cầu cao về năng lực quản trị rủi ro, tầm nhìn hoạch định lại chiến lược kinh doanh cho một ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều.

TS. Nguyễn Trọng Tài, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo cán bộ (Học viện Ngân hàng) nhận định: “Việc sáp nhập HBB và SHB trên cơ sở tự nguyện là rất tốt. Tuy nhiên, khi cho phép sáp nhập, phải hết sức chú ý đến vấn đề xử lý nợ xấu, minh bạch sổ sách, đổi mới công nghệ quản lý, nếu không sẽ rất nguy hiểm”.

Có vẻ HBB và SHB đã lường trước những khó khăn này. Habubank khẳng định, sáp nhập mới chỉ là bước đầu tiên. Mục tiêu cao nhất của việc sáp nhập là phải xây dựng cho được một tổ chức tín dụng phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, ngân hàng sáp nhập phải xây dựng và triển khai một kế hoạch hành động, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các bên và từng bước khắc phục các tồn tại, hạn chế của các ngân hàng khi còn hoạt động riêng lẻ.

Theo Hà Tâm
Báo Đầu tư

phuongmai

Trở lên trên