MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiện tại có nên điều chỉnh tỷ giá?

19-03-2015 - 22:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc điều chỉnh tỉ giá theo tín hiệu thị trường cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do phải liên tục điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng tồn kho hoặc khan hiếm hàng hóa quá mức, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.

Tại cuộc họp diễn ra vào ngày 22/1/2015, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định sẽ tung ra chương trình mua trái phiếu quy mô lớn với tổng giá trị khoảng 60 tỉ Euro/tháng, động thái can thiệp này được dự báo sẽ khiến đồng Euro mất giá.

Trong khi đó, giá USD tiếp tục tăng mạnh so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác trên thị trường quốc tế do kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Vì thế, khi ECB khởi động chương trình mua trái phiếu vào ngày 9/3/2015, đồng Euro đã lao dốc xuống gần ngang bằng USD với 1 Euro chỉ còn đổi được 1,08357 USD và tiếp tục giảm xuống 1,08172 USD trong phiên giao dịch ngày 10/3.

Diễn biến trên thị trường quốc tế đã gây tác động đáng kể đến giá USD trên thị trường ngoại tệ Việt Nam vốn có xu hướng tăng sau dịp Tết Nguyên đán hàng năm, dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chủ đề tỉ giá hối đoái, một số ý kiến đề nghị NHNN xem xét phá giá VND nhằm hỗ trợ xuất khẩu.

Tiếp tục đà tăng sau Tết Nguyên đán, giá USD niêm yết (mua vào, bán ra) tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng từ mức phổ biến 21.330-21.380 VND trong phiên giao dịch ngày 10/3/2015 lên 21.440-21.580 VND trong phiên giao dịch ngày 18/3/2105.

Trên thị trường tự do, giá USD mua vào, bán ra cũng tăng dần và đạt mức 21.790-21.820 VND trong phiên giao dịch ngày 18/3/2105.

Tuy nhiên, đà tăng giá của USD có dấu hiệu hạ nhiệt theo xu hướng chung trên thị trường thế giới do một số chỉ số kinh tế vĩ mô tại Mỹ chưa thật vững chắc, mặc dù nền kinh tế này đang trên đà phục hồi, điều này được thể hiện rõ nét tại phiên họp kéo dài hai ngày 17-18/3/2015 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tại cuộc họp này, Chủ tịch Fed, Yellen thông báo Fed có thể cân nhắc khả năng tăng lãi suất vào giữa năm nay, nhưng lo ngại tỉ lệ thất nghiệp khó giảm nhanh xuống ngưỡng tự nhiên nếu lạm phát không tăng lên ngưỡng 2% trong giai đoạn trung hạn như mục tiêu đề ra.

Trong khi đó, đa số chuyên gia tài chính nhận định, thời điểm sớm nhất để Fed tăng lãi suất là tháng 10/2015, thậm chí muộn hơn. Sau tuyên bố của Fed, USD giảm 2,5% so với 6 đồng tiền chủ chốt khác. Trong số này, đồng Euro phục hồi và đổi được 1,0898 USD (tăng 2,8%).

Giá USD hạ nhiệt cũng được ghi nhận trên thị trường trong nước ngay từ đầu giờ sáng 19/3, bắt đầu từ thị trường tự do với mức giá mua vào bán ra là 21.670-21.740 VND, giảm trên dưới 100 VND so với mức giá cuối ngày 18/3, giá niêm yết tại các NHTM cũng được điều chỉnh giảm 30-40 VND so với phiên giao dịch trước.

Tại thị trường trong nước, giá USD được các NHTM mua bán vẫn thấp hơn mức trần cho phép 21.673 VND, nếu chiểu theo biên độ ±1% theo tỉ giá tham chiếu 21.458 VND/USD, vừa được NHNN điều chỉnh tăng thêm 1% vào ngày 7/1/2015 từ tỉ giá 21.246 VND/USD trước đó. Vì thế, NHNN chưa cần thiết phải tăng tỉ giá vào thời điểm này. Hơn nữa, nhu cầu ngoại tệ hiện nay tuy có cao hơn so với những năm trước đây do Tết Nguyên đán năm nay đến muộn, nhưng NHNN vẫn cân đối được cung cầu do lượng kiều hối chuyển về trong năm 2014-2015 tiếp tục tăng.

Hiện nay, lãi suất cho vay được các NHTM áp dụng phổ biến ở mức 3-7%/năm (lãi suất cho vay ngắn hạn ở mức 3-6%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn là 5,5-7%/năm. Như vậy, giá cả đầu vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đã giảm mạnh và trở thành những yếu tố tích cực, giúp các doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí đầu vào.

Về bản chất, can thiệp tỉ giá là công cụ mạnh và gây tác động tức thì đến nền kinh tế, nhưng cũng gây ra khá nhiều rủi ro. Cho tới cuối thập niên vừa qua, việc điều chỉnh tỉ giá theo giá USD trên thị trường quốc tế đã đưa một số ngân hàng trung ương vào thế bị động khi kiểm soát cung ứng tiền, đặt sự kiểm soát nền tiền tệ quốc gia vào Ngân hàng Trung ương Mỹ và làm giảm vai trò của tỉ giá hối đoái trong việc điều chỉnh cán cân thanh toán. Hậu quả là, nền kinh tế bị cuốn vào vòng xoáy lạm phát và thâm hụt cán cân thanh toán triền miên.

Việc điều chỉnh tỉ giá theo tín hiệu thị trường cũng khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do phải liên tục điều chỉnh lại phương án sản xuất kinh doanh, dẫn đến tình trạng tồn kho hoặc khan hiếm hàng hóa quá mức, làm suy giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.

Trong vài năm trở lại đây, với nỗ lực của NHNN trong việc chấn chỉnh thị trường ngoại tệ và đưa ra mục tiêu tỉ giá hàng năm đã nhanh chóng ổn định được tỉ giá và cung cầu ngoại tệ, các doanh nghiệp không còn phải lo lắng về biến động tỉ giá hay thiếu ngoại tệ khi cần thiết. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng tận dụng được những lợi thế bắt nguồn từ tỉ giá ổn định và chính sách ngoại tệ của NHNN.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn hoạt động gia công đơn thuần, chủ yếu dựa trên nguồn nguyên liệu nhập khẩu với mức giá nhìn chung ở mức cao và khó được điều chỉnh giảm do giá cả thường được thỏa thuận khi ký kết hợp đồng mua bán trước đó. Nói ngắn gọn, nhóm doanh nghiệp này chỉ trông cậy đáng kể vào sự lên xuống của tỉ giá hối đoái. Với mô hình hoạt động như vậy, nhóm doanh nghiệp này thường chỉ thu được mức lợi nhuận ít ỏi và kém bền vững, không thể tận dụng được lợi thế về mặt bằng giá cả thấp và một số ưu đãi khác trên thị trường trong nước. Nhược điểm của các doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề tồn tại từ lâu, một mặt do yếu kém nội tại của chính doanh nghiệp, nhưng chủ yếu là do những bất cập trong chính sách phát triển doanh nghiệp.

Về lý luận và thực tiễn, các biện pháp chính sách thường có tác dụng thay thế và bù trừ lẫn nhau. Trong phạm vi ngành Ngân hàng, việc điều chỉnh giảm lãi suất và mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ cũng như một số biện pháp nới lỏng tiền tệ khác thường mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế mà không cần phải điều chỉnh tỉ giá vào thời điểm này. Vì thế, các doanh nghiệp nên chủ động tái cơ cấu và điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh để có thể tận dụng những lợi thế khác như lạm phát thấp và một chính sách ưu đãi khác.

Theo Vũ Xuân Thanh

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên