MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hơn 6 tấn vàng đi đâu?

12-04-2013 - 06:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo sẽ tổ chức tiếp phiên đấu thầu vàng thứ 6 vào sáng nay 12/4 với khối lượng chào bán lên tới 52.000 lượng, tương đương 2 tấn.

Nếu tỷ lệ trúng thầu cao như các phiên trước, có thể hơn 50.000 lượng nữa sẽ tiếp tục được các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng mua hết. 

6 phiên đấu thầu, nỗ lực bình ổn vẫn là số 0

Mục tiêu của các phiên đấu thầu vàng miếng là bình ổn thị trường. Thế nhưng, đã qua 5 phiên đấu giá với tổng cộng 118.200 lượng vàng tức 4,54 tấn, và nếu cộng cả 2 tấn chào bán sáng nay thì có 6,5 tấn vàng được bán ra, nỗ lực bình ổn thị trường của NHNN vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Bởi lẽ, trước khi tổ chức đấu thầu, giá vàng trong nước đắt hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng, và nay là 3,8 triệu đồng/lượng.

Theo ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), NHNN muốn can thiệp thị trường nhằm đưa giá trong nước về sát quốc tế là một "nhiệm vụ bất khả thi". 

Nguyên nhân thứ nhất là giá vàng thế giới thì thay đổi liên tục nhưng biện pháp mà NHNN đang thực hiện lại là cơ chế đấu thầu thủ công. Cơ quan quản lý chỉ có thể can thiệp thị trường bằng cách đầu cơ đánh lại, nhưng vai trò là ngân hàng trung ương, NHNN lại không thể làm như thế. 

Thứ hai, NHNN muốn co hẹp khoảng cách với thế giới nhưng lại không cung ứng trực tiếp tra thị trường mà qua các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng. Số vàng đã bán có thực sự ra được thị trường hay không thì không ai có thể kiểm soát được.

Ông Hải cho rằng, về dài hạn, NHNN nên hình thành một cơ chế để cho thị trường tự bình ổn đó là lập sàn giao dịch vàng. NHNN không thể cứ mãi bán vàng, vì đó là nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia. Sàn giao dịch vàng sẽ có người mua, người bán và tạo được các điểm cân bằng cung cầu. Nếu tại thời điểm nào đó, thị trường mất cân bằng thì NHNN mới nên can thiệp.

Hơn 6 tấn vàng thực sự đi đâu?

Cũng theo ông Hải, số vàng đã bán ra có thực sự ra tới thị trường - nơi mà NHNN đang hướng tới để bình ổn hay không thì không ai kiểm soát được, nhưng chắc chắn rằng lượng vàng khổng lồ đó đã thuộc về tài sản của các TCTD và doanh nghiệp kinh doanh vàng. 

Hơn nữa, các đơn vị mua được vàng cũng đang được lợi kép từ thị trường. Thứ nhất là lợi từ cơ chế thu phí giữ vàng. Từ khi NHNN không cho phép các TCTD trả lãi tiết kiệm vàng mà phải thu phí, các ngân hàng đã có khoản lãi ít nhất 0,5%/năm từ phí giữ hộ. Thứ hai là lợi từ chênh lệch giá. Nếu như các TCTD bán vàng để chuyển sang tiền đồng thời điểm được thu phí giữ hộ (giá lên tới 46 triệu đồng/lượng), và bây giờ mua lại từ NHNN thì khoản lãi cộng thêm 3 triệu đồng/lượng. 

Câu hỏi đặt ra lúc này là, hơn 6 tấn vàng được NHNN tung ra chỉ trong vòng 2 tuần và ai đã mua được số vàng đó? 

Theo một đơn vị tham gia đấu thầu, hầu hết các đơn vị trúng thầu qua các phiên vừa qua là các ngân hàng thương mại. Lý do đơn giản bởi họ (12 ngân hàng) còn đang thiếu một lượng lớn vàng để kịp tất toán theo yêu cầu của NHNN.

Nhưng theo ông Trần Thanh Hải, đơn vị đã mua vàng trong 2 tuần qua chính là các TCTD, doanh nghiệp đã bán vàng khi giá ở mức cao hơn 43,5 triệu đồng/lượng (vì giá trúng thầu của NHNN thời gian này đều thấp hơn) và động thái mua vào thực sự chỉ là phương án chốt lời trong kinh doanh. Còn những đơn vị đã bán vàng dưới mức giá đó, họ không dại gì mà chấp nhận lỗ nhiều đến vậy.

Các ngân hàng cần vàng để kịp tất toán, nếu đã trót bán vàng ở vùng giá 41, 42 triệu đồng/lượng cũng không vội để mua vào bởi họ còn tới 2 tháng nữa để mua vàng, trong khi NHNN lại liên tục tổ chức các phiên đấu giá và vàng thế giới còn ở xu hướng đi xuống.

Khó tất toán vàng trước 30/6

Hồi cuối tháng 1 có tin rằng ACB là đơn vị đầu tiên, cũng là lớn nhất, đã đóng trạng thái và dứt hoàn toàn nghiệp vụ huy động vàng. Nhưng vừa mới hôm qua, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ngân hàng lại thừa nhận, với việc giảm dần số dư huy động vàng và kết thúc vào tháng 6 là việc khó đối với ngân hàng này. Dư nợ vàng ACB đã cho vay trước kia chưa thể giải quyết ngay được vì hợp đồng cho vay vàng đã ký trước đây có thời hạn 5-10 năm. Theo tính toán của ACB, phải mất bình quân ba năm rưỡi đến bốn năm nữa dư nợ này mới chấm dứt. Bởi vậy, nên ACB mong NHNN cần có thêm giải pháp hỗ trợ cho các ngân hàng.

Không chỉ một mình ACB e ngại khó tất toán đúng hạn, các ngân hàng khác cũng trong tình cảnh tương tự và cần tới sự hỗ trợ từ NHNN. Cơ quan quản lý dù rằng đã nhiều lần phát đi thông điệp sẽ kiên quyết thực hiện các chính sách đã ban hành và không bỏ tiền ra để bù lỗ cho đơn vị nào, nhưng thị trường không loại trừ hạn 30/6 sẽ một lần nữa được nới lỏng khi NHNN đã có 3 lần thực hiện như vậy.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên