MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hủy niêm yết, số phận cổ phiếu PVF sẽ ra sao?

13-09-2013 - 13:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Những lo lắng về số phận của cổ phiếu PVF sau khi hủy niêm yết đã khiến cho nhiều nhà đầu tư vội bán tháo trong những phiên gần đây.

Tại ĐHCĐ thành lập ngân hàng hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC – mã PVF) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank - WTB) thành Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank) hôm 8/9 vừa qua, lãnh đạo PVFC đã có phần trả lời về việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu PVF. Đến ngày hôm qua 12/9, Sở GDCK Tp.HCM có quyết định chính thức về ngày hủy niêm yết cổ phiếu PVF là ngày 24/9/2013, ngày giao dịch cuối cùng là ngày 23/9.

Những lo lắng về số phận của PVF cũng như tương lai ngân hàng hợp nhất sẽ bị tác động thế nào khiến cho nhiều nhà đầu tư vội bán tháo cổ phiếu PVF trong tuần này, đặc biệt là 3 phiên gần đây. Xoay quanh mối quan tâm đó của nhà đầu tư, chúng tôi đã có buổi trao đổi với lãnh đạo PVFC.

Phóng viên: Việc hợp nhất PVFC và WTB có thể nói là đã thành công bước đầu qua kết quả phiên họp ĐHCĐ hợp nhất vừa qua. Tuy nhiên mối quan tâm của nhà đầu tư lúc này là giá trị của cổ phiếu PVF sẽ ra sao sau khi hủy niêm yết và giá trị cổ phiếu hợp nhất PVF – WTB thế nào. Với tư cách là lãnh đạo PVF và ngân hàng hợp nhất, ông có chia sẻ gì về vấn đề này?

Lãnh đạo PVFC: Theo Đề án hợp nhất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt thì cổ phiếu PVFC và cổ phiếu WTB sẽ được hoán đổi sang cổ phiếu PVcomBank với tỷ lệ 1:1.

Thủ tục hoán đổi sẽ được thực hiện tự động, theo đó trách nhiệm của PVcomBank là tiếp nhận toàn bộ danh sách cổ đông của PVFC và WTB để ủy quyền quản lý cho Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) để thực hiện các quyền của cổ đông.

Xem thêm dòng sự kiện:

Hợp nhất PVFC - WessternBank

Trên cơ sở dữ liệu cổ đông PVcomBank, công ty chứng khoán PSI sẽ đáp ứng các nhu cầu giao dịch của cổ đông một cách bình thường, bảo đảm tối đa quyền lợi của cổ đông. PVcomBank cũng sẽ thực hiện quản lý cổ đông theo hình thức dữ liệu điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho cổ đông, nếu quý cổ đông có nhu cầu, PSI sẽ cấp giấy xác nhận sở hữu cổ phần cho cổ đông theo quy định.

Với thế mạnh riêng của mỗi bên tham gia hợp nhất để hình thành nên một TCTD có quy mô khá lớn trên thị trường (tổng tài sản khoảng 100.000 tỷ và vốn điều lệ 9.000 tỷ), cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, tôi cho rằng ngân hàng hợp nhất sẽ hoạt động ổn định hiệu quả, giá trị cổ phiếu của ngân hàng hợp nhất cũng sẽ nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Khi nào cổ phiếu ngân hàng hợp nhất niêm yết trên sàn chứng khoán? PVcomBank có khả năng đáp ứng các điều kiện để niêm yết theo quy định không, thưa ông?

Thời điểm và điều kiện để niêm yết cổ phiếu PVcomBank trên sàn chứng khoán thực hiện theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp sau hợp nhất và khả năng đáp ứng các điều kiện niêm yết theo quy định của PVcomBank.

Tôi tin rằng, PVcomBank có đủ năng lực hoạt động an toàn, hiệu quả, đồng thời cung cấp dịch vụ tài chính ngân hàng đa dạng cho các lĩnh vực của nền kinh tế, phù hợp với chủ trương của Chính phủ và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trên cơ sở phát triển bền vững, kiểm soát được rủi ro, PVcomBank sẽ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để niêm yết ngay khi được phép, đáp ứng nguyện vọng của cổ đông và nhà đầu tư.

Với chiến lược đã được xác định, cùng với sự chuẩn bị nguồn lực về mọi mặt, chúng tôi tin tưởng rằng PVcomBank hoàn toàn có đủ điều kiện để niêm yết khi HĐQT xét thấy thời cơ thị trường chín muồi và thích hợp nhất với PVcomBank, trên cơ sở cân đối hài hòa lợi ích của doanh nghiệp trong dài hạn và lợi ích của cổ đông – Nhà đầu tư và người lao động.

Việc hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhà đầu tư và có tác động gì đối Ngân hàng hợp nhất?

Việc hủy niêm yết cổ phiếu của PVFC thuộc trường hợp hủy niêm yết bắt buộc theo quy định và do chủ trương hợp nhất để hình thành nên một Tổ chức tín dụng vững mạnh hơn. Do đó, quyền lợi của cổ đông - nhà đầu tư được bảo đảm theo quy định của Pháp luật. Các quyền lợi của cổ đông về nhận cổ tức, xác nhận sở hữu cổ phần, nhận thông tin công bố về PVcomBank vẫn được thực hiện bình thường như với cổ phiếu niêm yết.

Sau hợp nhất, PVcomBank trở thành công ty đại chúng có quy mô lớn theo quy định tại Thông tư 52/2012 của Bộ Tài chính, vì vậy PVcomBank phải duy trì các nghĩa vụ đối với cổ đông theo quy định pháp luật. Việc hủy niêm yết đã được tính đến trong lộ trình hợp nhất và kế hoạch phát triển sau hợp nhất của PVcomBank. Do đó, không có tác động tiêu cực đối với Ngân hàng hợp nhất mà chỉ là thủ tục bắt buộc theo Luật định.

Vậy sau khi hủy niêm yết, cổ phiếu PVF có giao dịch trên sàn OTC hay không, và nếu có thì việc giao dịch sẽ như thế nào?

Sau khi hủy niêm yết, cổ phiếu PVF vẫn thực hiện giao dịch trên OTC, theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1, ngay sau khi hủy niêm yết, danh sách cổ đông của PVFC sẽ được TTLKVN bàn giao lại cho PVFC tự quản lý. Cổ phiếu PVF và WTB sẽ được hoán đổi tự động theo tỷ lệ 1:1. Sau đó PVFC và WTB sẽ chuyển danh sách cổ đông Ngân hàng hợp nhất cho đơn vị đầu mối thực hiện dịch vụ quản lý sổ cổ đông của PVcomBank là PSI. PVcomBank sẽ thực hiện quản lý cổ đông dựa trên danh sách lưu ký điện tử. 

Giai đoạn 2, sau khi PVcomBank thành lập, PVcomBank sẽ thực hiện các thủ tục cần thiết để đăng ký công ty đại chúng tại UBCK và đăng ký lưu ký tại TTLKVN. Sau đó cổ đông thực hiện giao dịch cổ phiếu tại các công ty chứng khoán, nơi các cổ đông đang có tài khoản giao dịch theo hướng dẫn tại Quy chế chuyển quyền sở hữu chứng khoán của công ty đại chúng đã đăng ký tại TTLKCKVN nhưng chưa, không niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở GDCK, ban hành theo Quyết định 56/QĐ-UBCK 31/1/2013 của UBCK.

Hình thức này hiện tại được nhiều tổ chức có tiềm lực thực sự lựa chọn triển khai, chẳng hạn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV đang thực hiện theo hình thức này rất hiệu quả.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên