MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khảo sát: Tiền gửi vào ngân hàng ở mức thấp nhất kể từ năm 2012

03-08-2015 - 18:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, kết quả cuộc khảo sát của cơ quan này cho thấy 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các TCTD giảm khoảng 11% so với kết quả khảo sát trước đó vào quý III/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Tweet

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, kết quả cuộc khảo sát của cơ quan này cho thấy 51% số người được khảo sát có tiền gửi tại các TCTD, giảm khoảng 11% so với kết quả khảo sát trước đó vào quý III/2014 (63%) và ở mức thấp nhất kể từ năm 2012. Điều này cũng tương xứng với thông tin các hội gia đình tăng đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Đây là một trong những nội dung mà Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia công bố trong báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 phục vụ cho cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7. Báo cáo này cho biết, định kỳ cơ quan này thực hiện khảo sát qua bảng hỏi trực tiếp và qua internet nhằm đánh giá thay đổi hành vi tiêu dùng, đầu tư và vay nợ của khu vực hộ gia đình.

Đối tượng khảo sát là công nhân, viên chức, hộ kinh doanh cá thể, các nhà đầu tư tư nhân…. tại các thành phố lớn trên cả nước Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Hải Phòng…Quy mô mẫu khảo sát giao động từ 1.000-1.500 phiếu.

Theo khảo sát tại quý II/2015 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại kể từ quý I/2014. 31% số người được hỏi đang có dự định đầu tư vào sản xuất và cung cấp dịch vụ, tăng 10 điểm % so với quý I/2014 và ở mức tương đương với quý III/2014.

Dòng tiền tiết kiệm đang dịch chuyển sang sản xuất kinh doanh

Báo cáo cũng cho biết thanh khoản của hệ thống TCTD ổn định. Tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động tăng nhẹ từ 83,3% (năm 2014) lên 84,7% (tháng 5/2015). Tiền gửi và vay liên ngân hàng giảm đáng kể so với cuối năm 2014 (giảm 16,83%), do đó tỷ trọng vốn liên ngân hàng/tổng nguồn vốn cũng giảm từ 13,9% (tháng 12/2014) xuống còn 11,5% (tháng 5/2015). Trừ một số ngân hàng đang trong diện tái cơ cấu, cần hỗ trợ thanh khoản, các TCTD khác thanh khoản tương đối ổn định.

7 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh toàn hệ thống TCTD tương đối khả quan. Tín dụng tăng khá, tính đến ngày 20/7 tăng trưởng tín dụng đạt 7,32% so với cuối năm 2014; mức tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2014 là 3,15%. Thu nhập lãi thuần tăng 14,91%, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD tăng trích lập dự phòng.

Nợ xấu có xu hướng giảm. Theo số liệu của NHNN, nợ xấu giảm từ 3,81% (tháng 3/2015) xuống còn 3,15% (tháng 5/2015); nợ xấu sẽ được đưa về dưới 3% trước ngày 01/10/2015.

Đồng USD tăng giá sẽ tăng áp lực lên tỷ giá

Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng thị trường ngoại hối tiếp tục duy trì ổn định 7 tháng năm 2015, tỷ giá USD/VND chủ yếu đi ngang trong biên độ 21.805 - 21.815 đồng/USD. Sự nhất quán trong điều hành tỷ giá của NHNN là yếu tố giúp thị trường ngoại hối duy trì sự ổn định.

Ngoài ra, mức giá bán ra của NHNN là 21.820 đồng/USD vẫn giữ vai trò ngưỡng chặn trên vững chắc của thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại có sự cải thiện trong nửa cuối tháng 6. Cả tháng 6 nhập siêu 140 triệu USD, thấp hơn mức ước tính 700 triệu USD trước đây. Kiều hối năm 2015 dự kiến lên tới 13 - 14 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cũng có vài yếu tố tác động lên mục tiêu điều hành tỷ giá trong năm nay. Trong nước, do yếu tố mùa vụ nên cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô.

Bên ngoài, triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam (mặc dù tác động này tới Việt Nam không lớn) cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước.

 

Theo TRẦN GIANG

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên