MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kho quỹ ngân hàng: “Nuôi tằm ăn cơm đứng”

28-01-2013 - 14:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Với khối lượng tiền mặt ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực lớn cho công tác quản lý tiền mặt. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những giải pháp để giảm áp lực trong quản lý tiền mặt.

Khi kho tiền quá tải

Trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) vẫn chưa phát triển, nhu cầu tiền mặt của người dân vẫn lớn nên công tác kho quỹ của ngành Ngân hàng đang phải “oằn lưng” gánh việc. Đặc biệt, vào những thời điểm giáp Tết Nguyên đán, những người làm công tác kho quỹ, thậm chí không được nghỉ trưa, chẳng khác nào “nuôi tằm ăn cơm đứng”.

Ông Nguyễn Chí Thành – Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ cho rằng, khối lượng tiền mặt phải giao nhận, bảo quản, vận chuyển, kiểm đếm, phân loại ngày càng lớn. Hệ thống kho tiền NHNN trở nên chật hẹp, xuống cấp. Trong khi đó, trang thiết bị lạc hậu, chủ yếu vẫn sử dụng lao động thủ công trong bốc xếp, kiểm đếm, đóng gói, phân loại tiền; nguồn nhân lực không tăng, độ tuổi bình quân khá cao, chậm được trẻ hóa đang tạo áp lực đối với công tác kho quỹ.

Chỉ tính riêng tháng 1/2012 (tháng giáp Tết) tiền mặt đã bội chi 130 nghìn tỷ đồng bởi nhu cầu thanh toán, công nợ chi trả lương, thưởng cuối năm tăng vọt.

Nếu như trước Tết Nguyên đán, cán bộ kho quỹ ngân hàng lo chi tiền ra như thế nào để an toàn thì sau Tết nỗi lo để thu tiền về còn lớn hơn. Một cán bộ của Phòng Tiền tệ Kho quỹ (NHNN Hà Nội) nhớ lại, chỉ trong 4 ngày (từ ngày 25 đến ngày 28/1/2011, vì kho tiền không để đủ tiền mặt nên chi nhánh đã phải 3 lần nhận tiền điều chuyển từ kho tiền từ Trung ương, ngược lại từ sau Tết Nguyên đán Tân Mão 2011 đến nay, do liên tục bội thu tiền mặt, kho tiền của chi nhánh đã không có chỗ để đáp ứng hết nhu cầu nộp tiền của các TCTD.

Trong bối cảnh đó, NHNN Hà Nội cũng đã phải có hơn 65 đợt điều chuyển về kho tiền Trung ương với hơn 18.000 bao tiền các loại. Hiện tại, kho tiền của chi nhánh quá tải, cho nên chi nhánh chưa thể hỗ trợ hết nhu cầu nộp tiền mệnh giá nhỏ và tiền kim loại của TCTD trên địa bàn. “Trong 10 năm qua, mỗi năm tăng tới 20% lượng tiền mặt tại chi nhánh nên không còn kho để chứa tiền. Đã đến lúc phải giảm dần lượng tiền mặt và đẩy mạnh các dịch vụ TTKDTM để giảm áp lực cho công tác kho quỹ ngân hàng”, một cán bộ nghiệp vụ kho quỹ của NHNN Hà Nội cho biết.

Không chỉ riêng ở Hà Nội, ông Trần Quốc Tuấn – Giám đốc NHNN Đồng Nai cũng “kêu” tại NHNN kho nhỏ thiếu diện tích, không đáp ứng nhu cầu khối lượng tiền tăng hàng năm, gây bất cập trong công tác kho quỹ. “Hệ thống kho tiền tại chi nhánh với diện tích cố định từ 10 năm nay chỉ 80m2 cho 2 kho nên rất khó khăn cho công tác kho quỹ của chi nhánh, ảnh hưởng hoạt động hệ thống”, ông Trần Quốc Tuấn chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Bài – Giám đốc NHNN Hải Dương cho biết, tổng khối lượng tiền mặt ra vào quỹ tại NHNN tỉnh các năm gần đây tăng cao, bình quân hàng năm tăng 30-40%, do vậy khối lượng công việc các thành viên quản lý kho quỹ tăng lên nhiều lần trong các khâu giao nhận, vận chuyển, đóng gói, bốc xếp. Bên cạnh đó, do lượng tiền mặt nhiều nên chi phí cho công tác tiền tệ, kho quỹ cũng tăng nhanh qua các năm: Năm 2010 chi phí tới 256 triệu đồng; năm 2011 là 380 triệu đồng tăng 48%, và năm 2012 ước 470 triệu đồng, tăng 23% so với cuối năm 2011.

Giảm áp lực cho tiền mặt

Không chỉ NHNN chịu áp lực về công tác kho quỹ mà khối NHTM cũng chẳng kém. Và để giảm áp lực kho quỹ, nhiều NHTM đã áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ mới. Chẳng hạn tại Agribank đã mở Trung tâm Dịch vụ ngân quỹ ở Hà Nội (năm 2005) và mở tại TP. Hồ Chí Minh (năm 2007).

Hiện nay, 2 Trung tâm này đang hoạt động theo cơ chế, chức năng là trực tiếp giao nhận, vận chuyển (điều hòa), kiểm đếm tiền mặt, giữ hộ tiền, giấy tờ có giá theo hình thức thùng niêm phong; nạp tiền cho máy rút tiền tự động ATM của các chi nhánh Agribank. Dịch vụ ngân quỹ đã tạo thuận lợi trong công tác điều hòa và quản lý tiền mặt, giúp các chi nhánh trên địa bàn thành phố hoạt động ổn định và an toàn; thực hiện vận chuyển, điều hòa tiền mặt cho các chi nhánh, phòng giao dịch kịp thời, tiết kiệm chi phí điều chuyển.

Tuy nhiên, theo một cán bộ Kho quỹ của Agribank thì, hiện nay tồn quỹ tiền mặt một số ngày còn cao do tiền mặt thu từ chi nhánh về cuối ngày bảo quản trong kho và chuẩn bị cho ngày kế tiếp, một số tuyển chọn để nạp cho ATM và một lượng tiền nhỏ lẻ, rách nát không nộp kịp thời cho NHNN nên áp lực kho quỹ là không nhỏ.

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh – Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) cho biết, Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN với tư cách là đơn vị chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề quản lý tiền mặt của nền kinh tế, thời gian qua Cục đã có nhiều cải tiến trong khâu quản lý tiền mặt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế, nhất là trong các dịp Tết Nguyên đán, không những đáp ứng đủ cả về khối lượng mà còn về cơ cấu mệnh giá đồng tiền.

Tuy nhiên, với khối lượng tiền mặt ngày càng gia tăng sẽ gây áp lực lớn cho công tác quản lý tiền mặt. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những giải pháp để giảm áp lực trong quản lý tiền mặt.

Đặt ra vấn đề làm thế nào để giảm áp lực quản lý tiền mặt, TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, một mặt, phải giảm nhanh khối lượng tiền mặt trong lưu thông bằng đẩy nhanh các dịch vụ TTKDTM. Mặt khác, cải tiến công tác quản lý tiền mặt. Cần xác định rõ dòng chu chuyển tiền trong nền kinh tế, trên cơ sở đó tiến hành phân cấp, ủy quyền một số khâu trong quản lý tiền mặt cho các NHTM, hoặc thành lập công ty độc lập trong vận chuyển, giao nhận cũng như kiểm đếm.

Theo  Đức Nghiêm

Thời báo ngân hàng

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên