MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khóc cười với dịch vụ ATM

14-05-2017 - 07:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Những ngày vừa qua, thị trường lại rầm rộ bởi thông tin khách hàng bị mất tiền trong tài khoản. Nhưng rầm rộ hơn lại là những quy định oái oăm của ngân hàng khiến cho người dùng chỉ biết…khóc.

Lại xảy ra các vụ việc mất tiền tài khoản

Gần nhất là vụ một khách hàng của DongABank hồi đầu tháng này bị mất 129 triệu đồng dù thẻ ngân hàng của họ đang được ngân hàng giữ vì bị “nuốt” ở cây ATM. Cụ thể là trường hợp của Nguyễn Minh Dương ở Quảng Ngãi có tài khoản ở DongABank, nhưng anh mang thẻ đến cây của Sacombank để rút tiền rồi bị nuốt thẻ. Trong khi anh vẫn chưa ra ngân hàng lấy thẻ thì trong khoảng thời gian đầu tháng 4, tài khoản của anh bị kẻ gian rút mất 17 lần tổng cộng 129 triệu đồng qua hai ATM của DongABank và Techcombank. Hiện vụ việc của anh đang được DongABank phối hợp với các ngân hàng liên quan làm rõ cũng như nhờ cơ quan công an vào cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân.

Trước đó là vụ một khách hàng tên Khánh của Agribank ở Long Biên, Hà Nội cũng bị mất tiền trong tài khoản vào ban đêm hồi cuối tháng 3 khi tin nhắn điện thoại báo tiền chạy khỏi tài khoản liên tục mà thẻ của anh vẫn nằm yên trong ví. Qua hơn 2 tuần khiếu nại với cả ngân hàng lẫn truyền thông, cuối cùng anh Khánh cũng lấy lại được tiền, nhưng anh cũng được phen hoảng hồn vì rất hay để nhiều tiền trong tài khoản.

Một trường hợp nữa là khách hàng của Sacombank hồi cuối tháng 4 báo bị mất hơn 90 triệu đồng trong tài khoản. Nhưng không như các ngân hàng khác còn phải chờ đợi để tra soát và khiến khách hàng lo lắng, nhà băng này đã “xử đẹp” khi ngay ngày hôm sau đã hoàn tiền cho khách hàng để khách yên tâm trong khi chờ đợi các bên liên quan vào cuộc điều tra.

Ngân hàng giải quyết bằng... “chiêu độc”

Tình trạng khách hàng bỗng dưng bị mất tiền trong tài khoản đã trở nên không còn hiếm gặp trong 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân được cho là tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi khiến cho người dùng dễ bị kẻ gian lợi dụng và chiếm đoạt tài sản. Tất cả các ngân hàng, kể cả trong nước lẫn nước ngoài, đều liên tục phát đi cảnh báo với người dùng những “quy tắc an toàn” để tránh mất tiền oan nhưng sự việc dường như vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mới đây Vietcombank đưa ra quy định về giao dịch với khách hàng trực tuyến khiến nhiều người phản đối vì cho rằng ngân hàng đẩy cái khó về cho người dùng khi bắt họ phải tự xác định các mối nguy hiểm mà họ không hề biết, và rồi ngân hàng này phải dừng lại việc áp dụng quy định mới đó để tìm phương thức khác.

Một số ngân hàng trong đó có Agribank thì lại “sáng kiến” hơn khi hạn chế giao dịch ATM ban đêm sau 22h ở một số điểm khiến khách hàng chỉ biết...khóc. Người dân cho rằng việc hạn chế giờ giao dịch này khiến họ thấy rất bất tiện và có ý định chuyển sang ngân hàng khác. Nhưng ngay khi bị truyền thông phản ánh, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng yêu cầu các ngân hàng buộc phải phục vụ 24/24 và 7/7 ngày trong tuần, nếu có sai phạm sẽ bị xử lý.

Theo giới chuyên gia tài chính và các chuyên gia bảo mật, câu chuyện bảo mật trong ngân hàng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề, các ngân hàng phải tăng cường đầu tư và đảm bảo chắc chắn rằng các lỗ hổng về công nghệ không tồn tại để khách hàng yên tâm sử dụng dịch vụ, trong khi người dùng cũng phải tỉnh táo trong các giao dịch để không bị kẻ gian lợi dụng lấy cắp thông tin và mất tiền trong tài khoản.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay mỗi thẻ ATM khách hàng phải "gánh" 20-25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng.

Việc mỗi thẻ ATM có thể phải gánh đến 25 loại phí bị khách hàng phản đối là quá nhiều, không hợp lý. Đặc biệt dù nộp nhiều khoản phí nhưng chất lượng dịch vụ thẻ lại chưa xứng tầm. Thực tế cho thấy là có không ít khách hàng bị mất tiền trong khi thẻ vẫn nằm trong ví, hay như tình trạng nghẽn mạng, ATM hết tiền vẫn tái diễn...

Không chỉ vậy mới đây, một số ngân hàng thương mại đã kiến nghị lên NHNN về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các ngân hàng đầu tư hệ thống ATM. Bởi mức chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của từng ngân hàng) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay ngân hàng đang bị lỗ.

Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, khi nhiều chủ thẻ cho rằng hiện sử dụng thẻ ATM đã phải gánh quá nhiều loại phí.

(Theo Pháp luật TPHCM)

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên