MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiên quyết xử lý những TCTD không tích cực xử lý nợ xấu

18-05-2015 - 12:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Thống đốc cho biết, NHNN sẽ kiên quyết xử lý những TCTD có nợ xấu lớn không tích cực xử lý nợ xấu, TCTD không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, trong đó có biện pháp hạn chế phân phối lợi nhuận.

Trả lời câu hỏi của cử tri ở Tp HCM và Nghệ An về vấn đề nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: NHNN xác định xử lý nợ xấu của các TCTD là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 và tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống đến năm 2020.

NHNN đã chủ động xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị, trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” (Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/05/2013) với 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng cần triển khai đến năm 2015, gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập VAMC.

Ngay sau đó, NHNN đã có văn bản đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các nội dung và trách nhiệm được giao tại Quyết định số 843/QĐ-TTg để xử lý nợ xấu một cách đồng bộ và có hiệu quả.

Về phía ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, trong đó phân công trách nhiệm với thời hạn, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng đơn vị thuộc NHNN, các TCTD.

Đồng thời, yêu cầu các TCTD xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng, báo cáo tình hình nợ xấu và xử lý nợ xấu định kỳ hàng tháng.

Một số giải pháp đẩy nhanh xử lý nợ xấu đã được ngành Ngân hàng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt trong thời gian qua như sau:

Quyết tâm thực hiện Thông tư số 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro từ ngày 01/6/2014 với các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế song cũng có những điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Thường xuyên giám sát kết quả thực hiện phương án xử lý nợ xấu của từng TCTD. Trường hợp TCTD không tích cực xử lý nợ xấu có thể bị NHNN hạn chế tăng trưởng tín dụng, mở chi nhánh, phòng giao dịch và cung ứng dịch vụ ngân hàng mới.

Kiểm soát chặt chẽ tình hình tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng của từng TCTD để hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Đẩy mạnh hoạt động cơ cấu lại và mua, bán nợ xấu qua VAMC một cách công khai, minh bạch.

Vừa qua, NHNN đã trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 về tổ chức và hoạt động của VAMC theo hướng: Tăng cường quyền hạn và chủ động cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu; Từng bước triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường; Nghiên cứu bổ sung nguồn lực tài chính cho VAMC để thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường và triển khai các hoạt động bảo lãnh, đầu tư, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay hoàn thiện dự án đầu tư có tính khả thi;

Nhờ đó, tốc độ gia tăng nợ xấu đã chậm lại trong thời gian gần đây làm cho tỷ lệ nợ xấu giảm liên tục từ 4,11% (cuối tháng 7/2014) về mức khoảng 3,25% (cuối năm 2014).

Trong năm 2015, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai mạnh mẽ các giải pháp xử lý nợ xấu tại Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” để đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% như mục tiêu đề ra.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu với trọng tâm là ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP (Hiện nay, dự thảo đang được Văn phòng Chính phủ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ để sớm ban hành) và các thông tư hướng dẫn; Tăng cường năng lực tài chính và chuyên môn, nghiệp vụ xử lý nợ xấu của VAMC; triển khai việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu.

NHNN yêu cầu các TCTD thực hiện đúng quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro; xây dựng kế hoạch, biện pháp xử lý nợ xấu trong năm 2015, đảm bảo cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức dưới 3%, trong đó, phải đảm bảo đến ngày 30/6/2015 xử lý được tối thiểu 60% tổng số nợ xấu phải xử lý trong năm 2015.

Đồng thời sẽ kiên quyết xử lý những TCTD có nợ xấu lớn không tích cực xử lý nợ xấu, TCTD không thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định của pháp luật, trong đó có biện pháp hạn chế phân phối lợi nhuận.

>>> Sẽ kiểm soát chặt chẽ phương án sáp nhập, hợp nhất của từng TCTD

Khánh Nhi (lược ghi)

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên