MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh tế tiền mặt và câu chuyện đồng Đô-la

16-03-2011 - 16:20 PM | Tài chính - ngân hàng

Tiền mặt tạo điều kiện cho kinh tế ngầm phát triển. Kinh tế ngầm sẽ đi kèm với chi phí ngầm và cuối cùng chi phí đó sẽ được chuyển thành chi phí thực.

Sau khi thị trường USD tự do bị cấm, nhiều người với nhu cầu ngoại tệ để đi công tác, chữa bệnh hay du học đã rất khó khăn trong việc mua ngoại tệ. Khi đến các ngân hàng để mua USD mặt, thì câu trả lời đa phần là không có, hay ngân hàng hiện không thu xếp được.

Cùng trao đổi với CafeF, Ths.Trần Trọng Quốc Khanh – Giám đốc trung tâm Vàng Á Châu nguyên trưởng phòng ngoại hối ACB- đã chia sẻ những bất cập trong thói quen tiêu tiền mặt ngoại tệ của người Việt Nam.

Thưa ông, sau khi tăng cường quản lý, kiểm soát thị trường ngoại tệ tự do thì việc giao dịch ngoại tệ trở nên khó khăn hơn. Một số người có nhu cầu chính đáng về ngoại tệ đã không mua được tại các ngân hàng. Vậy xin ông cho biết việc mua ngoại tệ khi có nhu cầu xuất cảnh là việc làm phổ biến?

Có thể nói việc mua ngoại tệ là không phổ biến. Hiện nay người ta sử dụng tiền thông minh qua thẻ còn với tiền mặt rất ít, chủ yếu với số tiền nhỏ. Sử dụng tiền mặt có rủi ro là khi mất thì coi như mất hết tài sản. Nếu mất thẻ chỉ cần báo với trung tâm thẻ là có thể khóa giao dịch lại ngay, như thế tài sản vẫn được đảm bảo

Thời gian vừa qua thì một số người có nhu cầu ngoại tệ không mua được ngoại tệ tại các cửa hàng vì đó là việc vi phạm quy đinh quản lý ngoại hối, và nhà nước đang chấn chỉnh việc đó. Điều này rất đúng vì ngoại tệ do nhà nước quản lý.

Một số người dân đến ngân hàng để mua ngoại tệ thì cũng có trường hợp được nhưng cũng có trường hợp không. Ở đây cần hiểu rõ nhu cầu của người dân và khả năng đáp ứng của ngân hàng không phải lúc nào cũng cân bằng.

Xin ông giải thích rõ hơn việc mất cân bằng trong cung cầu ngoại tệ tiền mặt giữa người dân và ngân hàng?

Khi chúng ta duy trì tiền mặt tại quỹ thì phải duy trì chi phí tồn quỹ. Với USD thì chúng ta không tự in được mà phải nhập khẩu USD mặt từ nước ngoài về. Thường là Singapore. Nhập khẩu tiền mặt về thì phải trả phí. Cứ 1 USD chuyển khoản, thì nhận được hơn 0,9 USD tiền mặt.

Với chi phí như thế thì ngân hàng sẽ không giữ nhiều tiền mặt tại quỹ. Nhất là trong bối cảnh lạm phát thì các ngân hàng thường sẽ phải cân đo đong đếm kỹ càng để tiết kiệm chi phí.

Vì thế để có USD phục vụ mục đích chính đáng khi ra nước ngoài, chúng ta cần thay đổi thói quen sử dụng thẻ tín dụng. Với thẻ tín dụng vẫn có thể rút tiền mặt ở nước ngoài với đồng nội tệ của nước đó.

Vậy theo ông người dân phải chuyển từ việc sử dụng tiền mặt sang sử dụng thẻ khi đi nước ngoài công tác, chữa bênh, học tập?

Theo tôi việc sử dụng thẻ rất minh bạch. Hiện nay đa phần người dân đều cố gắng mua được 7000 USD để đem đi không phải khai báo. Tiếp đến khi thanh toán bằng tiền mặt là không rõ ràng. 

Hiện nay khi các ngân hàng không có ngoại tệ mặt để cung cấp thì cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại cách sử dụng tiền. Tuy nhiên cần một lộ trình cho việc thanh toán bằng tiền chuyển khoản, tiền điện tử.

Hiện nay chưa có cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng chuyển khoản, hay hạn chế tiền mặt vì thế cả nội tệ và ngoại tệ đều sử dụng tiền mặt. Khi sử dụng tiền mặt tốn nhiều chi phí.

Ví dụ ngân hàng phải có kiểm ngân, chi phí để duy trì tiền mặt tại quỹ. Chưa kể hiện các ngân hàng duy trì một đội xe vận chuyển tiền hằng ngày. Nếu 1 phòng giao dịch thiếu tiền trong quỹ cũng không thể sang phòng giao dịch còn dư để lấy. 

Tiền thừa phải từ PGD về hội sở rồi từ hội sở lại chở tiền đi đến PGD thiếu. Đó là những chi phí rất lãng phí, tất cả thành chi phí xã hội.

Sử dụng tiền mặt nhiều còn khiến cho tiền nhanh cũ, nhanh hỏng nên thời gian lưu thông ngắn. Từ đó mất thêm chi phí in tiền mới.

Vậy ông có đề xuất gì đề hạn chế sử dụng tiền mặt?

Để có thể thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt rất khó. Tuy nhiên nếu có cơ chế, chế tài phù hợp thì hoàn toàn có thể sử dụng được. Ví dụ các gia đình nhận lương thì hằng tháng chi trả một lượng tiền mặt nhất định để phục vụ các khoản chi tiêu nhỏ. 

Với phần còn lại thì chi trả vào tài khoản ngân hàng để sử dụng thanh toán chuyển khoản. Nếu sử dụng tiền mặt nhiều thì áp dụng phí rút tiền mặt. Khi đó cần chi tiêu mà thấy mất phí, người dân sẽ cân nhắc sử dụng tiền mặt.

Tuy nhiên bên cạnh đó cần phải có những biện pháp đồng bộ khác như cơ sở hạ tầng thanh toán, các điều kiện thanh toán dễ dàng, thuận lợi hơn. Khi đó ta sẽ thay đổi được thói quen của người dân.

Tiền mặt là biểu hiện của nền kinh tế chưa phát triển, điều kiện cho kinh tế ngầm phát triển. Kinh tế ngầm sẽ đi kèm với chi phí ngầm và cuối cùng chi phí đó sẽ được chuyển thành chi phí thực. Kết quả dồn lên vai người dân trong mua các sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó thì việc áp dụng mức phí khi sử dụng thẻ là khá cao, lên đến 7%. Đó là rào cản với việc sử dụng thẻ thanh toán. Vậy quan điểm của ông như thế nào đối với vấn đề này?

Hiện nay mức phí đó là do người dân sử dụng thẻ tín dụng để rút tiền mặt. Nhưng nếu chúng ta thanh toán qua thẻ với các thanh toán của mình thì chi phí đó sẽ giảm xuống. Mức phí với thẻ thanh toán cũng còn cao vì lý do là số người sử dụng rất ít. Vì thế các nhà cung cấp đòi mức phí thanh toán cao. 

Nếu số lượng người sử dụng tăng lên thì chắc chắn mức phí sẽ giảm xuống nhiều. Khi đó người dân sẽ không phải ra ngân hàng mua ngoại tệ mặt để đi công tác. Nó cũng là cách minh bạch hóa chi tiêu nhất là các chi tiêu núp dưới danh nghĩa công tác phí, hay chi phí hợp lý khác.

Tôi nghĩ đây cũng là cách để góp phần vào việc chống tham nhũng và công khai hóa tài sản

Xin cảm ơn ông,

Lưu Thủy

tungdn2

Trở lên trên