Một số ngân hàng (NH) cũng quay lại
chính sách khuyến mãi để thu hút tiền gửi từ khách hàng. Trước tình hình
trên nhiều ý kiến lo ngại lãi suất NH khó về mức Chính phủ yêu cầu (lãi
suất huy động cần kéo về mức 10%, cho vay 12%).
Đầu vào nhích lên
Sau khi trần lãi suất được gỡ bỏ, Hiệp hội NH đã đạt
được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động từ mức phổ biến khoảng 12% về
quanh mức 11,5%. Gần một tháng thực hiện, mới đây một số NH bắt đầu điều
chỉnh tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn.
NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) áp dụng mức lãi suất
huy động VNĐ 11,55% và 11,58%/năm cho các kỳ hạn 3 tháng và 6 tháng. Nếu
gửi từ 10 tỉ đồng trở lên, lãi suất tương ứng sẽ là 11,7% và 11,73%, kỳ
hạn 12 tháng là 11,8%/năm. Đối với khách hàng từ 50 tuổi trở lên gửi kỳ
hạn 6 tháng và 12 tháng còn được thưởng thêm lãi suất. NH Thương mại Cổ
phần Sài Gòn (SCB) cũng điều chỉnh các kỳ hạn từ 6 đến 13 tháng đồng
loạt áp mức 11,6%/năm...
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách
tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ VN,
nhận xét lãi suất trên thị trường đang có sự điều chỉnh. Khi lãi suất
đang ở mức cao, “thả” ra theo cơ chế thỏa thuận đã khiến lãi suất giảm
dần xuống và nay lại dâng lên một chút là chưa phải bất thường.
Tuy nhiên, đã cho thực hiện lãi suất thỏa thuận, NH Nhà
nước phải kiên quyết thổi còi đối với các NH lợi dụng khuyến mãi để
tăng lãi suất, dễ dẫn đến những cuộc đua ngầm, điều chỉnh dòng tiền tiết
kiệm từ NH này chạy sang NH khác.
Bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội NH, nhận xét
diễn biến lãi suất vẫn ở mức như thỏa thuận của các thành viên là xoay
quanh mức 11,5%. Bà Hương nhấn mạnh “xoay quanh” nghĩa là các thành viên
có thể áp ở mức cao hơn hoặc thấp hơn, nhưng không nên quá xa con số đã
đồng thuận...
Cuối năm mới có thể giảm?
TS Kiêm dự báo lãi suất huy động có thể tăng nhẹ do một
số NH nhỏ gặp khó khăn ngắn hạn về tính thanh khoản nhưng ít khả năng
vượt ngưỡng 12%/năm. Song xu hướng giảm dần lãi suất đang trở nên rõ
ràng hơn khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 chỉ tăng 0,27%, GDP 5 tháng
đầu năm có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Tuy nhiên, nếu nhanh cũng phải đến cuối năm mới đạt
được mục tiêu vì đây là kết quả của việc phối hợp đồng bộ giữa chính
sách tiền tệ, giảm bội chi ngân sách, giảm nhập siêu, giảm chỉ số ICOR
(chỉ số giữa tăng trưởng và đầu tư), tăng trưởng GDP. Các biện pháp này
còn thực hiện lỗ chỗ chưa thật ăn ý.
Theo đánh giá của NH Nhà nước, lãi suất cho vay đã giảm
đáng kể từ mức 16- 17%/năm xuống mức phổ biến là 13%, DN làm hàng xuất
khẩu và khách hàng ruột có thể được hưởng mức 12%. Tuy nhiên, TS Cao Sỹ
Kiêm cho biết các DN thành viên vẫn phải chịu mức lãi suất bình quân
14%, giảm hơn mức cũ nhưng vẫn cao so với khả năng chịu đựng của họ.
Bà Phạm Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công Thương Hà
Nội, ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết nhiều DN
hiện nay vẫn đang chịu mức lãi suất 18% do vay khế ước cũ nhưng chưa
được điều chỉnh theo mặt bằng mới. Ký hợp đồng vay mới cũng phải chịu
mức 15%/năm, chưa thấy DN nào đạt vay mức lãi suất như NH Nhà nước thông
báo.
Bà Loan cho biết các DN rất lo ngại khi lãi suất cho
vay vẫn đang ở mức cao nhưng lãi suất huy động lại đang nhích lên. Như
vậy, việc giảm lãi suất theo chủ trương của Chính phủ khó đạt được.
Để sản xuất kinh doanh, mức nào cũng phải vay nhưng DN
chỉ vay ngắn hạn cho các kế hoạch trước mắt để vượt qua khó khăn. Nếu
vốn trung và dài hạn không “chảy”, tăng trưởng tín dụng sẽ không cao và
sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo Phương Anh
NLĐ