MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất giảm mạnh nhưng ngân hàng vẫn chưa hết “khát” tiền

04-03-2014 - 12:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Một số ngân hàng cho rằng, lý do chính để họ hạ lãi suất là bởi nguồn vốn dồi dào trong khi cho vay ra gặp khó khăn. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy.

Lãi suất kỳ hạn dài phổ biến còn 8%/năm

Sau làn sóng ồ ạt giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng trong 2 tuần vừa qua, từ đầu tháng 3, một số nhà băng lại đua nhau giảm lãi suất ở kỳ hạn dài.

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, bắt đầu từ 1/3, lãi suất huy động cao nhất ở Techcombank chỉ còn 8,1%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, giảm 0,2% so với mức cũ. Lãi suất kỳ hạn 12 – 18 tháng xuống 7,9%/năm và các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 6,9%/năm.

Mức lãi cao nhất 8,1%/năm cũng được áp dụng tại hệ thống các chi nhánh của SeABank.

Tại ngân hàng Eximbank,Vietcombank, BIDV, Agribank, VPBank lãi suất cao nhất còn 8%/năm trong khi ở VIB chỉ là 7,5%/năm – thấp nhất trong hệ thống.

Lãi suất huy động kỳ hạn dài cao nhất ở ACB, Sacombank, PVcombank, OceanBank còn khoảng 8,5%/năm.

Trong hệ thống chỉ còn số ít các ngân hàng nhỏ còn neo lãi suất kỳ hạn dài ở mức cao, điển hình như PGBank là 9,5%/năm, GPBank là 9,2%/năm, SouthernBank là 8,8%/năm, Bắc Á và VietBank cùng huy động 9%/năm…

Các mức lãi suất như trên đã thấp hơn khoảng 0,3 – 0,5% so với trước đây.

Ngân hàng vẫn "khát" tiền

Một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, lý do chính để họ hạ lãi suất trong thời điểm hiện nay là bởi nguồn vốn dồi dào, thanh khoản tốt trong khi cho vay ra gặp khó khăn. Tuy nhiên thực tế không hoàn toàn như vậy.

Chị Nguyễn Ngọc Phương (ở Thanh Xuân, HN) cho biết, mấy ngày gần đây chị rất bức xúc vì “bị” một số nhân viên của ngân hàng V. liên tục gọi điện mời gửi tiền.

Theo chị Phương, công ty của chị trả lương qua tài khoản của ngân hàng này, khi lương vừa đổ về chưa kịp rút ra chi tiêu thì đã được các nhân viên chăm sóc tận tình bằng cách gọi điện thoại mời gửi tiền vì số dư trong tài khoản cao.

“Tôi không biết liệu việc các nhân viên ngân hàng có được phép kiểm tra tài khoản của chủ thẻ thường xuyên hay không, nhưng rõ ràng việc họ biết tôi có bao nhiêu tiền và gọi điện kiểu này khiến tôi rất bức xúc. Lần sau khi có lương, chắc chắn tôi sẽ chuyển khoản ngay sang ngân hàng khác để tránh bị làm phiền”, chị Phương bức xúc nói.

Cùng chung cảnh ngộ với chị Phương, chị Nguyễn Thị Yến đang công tác tại một công ty truyền thông lớn ở Hà Nội cũng cho biết, nhân viên của ngân hàng Q. cũng liên tục làm phiền chị bằng cách kiểm tra tài khoản rồi mời gửi tiền.

“Ban đầu tôi từ chối rằng số tiền chẳng đáng là bao và đang có kế hoạch chi tiêu trong vài ngày tới, chỉ là chưa rút ra mà thôi thì được nhân viên ngân hàng tư vấn ngay rằng, chị cứ gửi đi, hoặc ngân hàng sẽ mở cho chị tài khoản tiết kiệm, mỗi tháng chị chỉ cần trích nộp vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng là được. Đến khi tôi nói thẳng là lãi suất quá thấp so với mặt bằng chung thì được nhân viên này nói rằng gửi nhiều thì mới tính đến lãi suất chênh, chứ vài chục triệu thì chẳng đáng là bao. Họ năn nỉ gửi giúp để hoàn thành chỉ tiêu!”, chị Yến nói.

Trao đổi với chúng tôi, một số cán bộ ngân hàng cho biết, việc huy động vốn hiện nay không dễ dàng như trước trong khi chỉ tiêu cấp trên giao cho vẫn không đổi, thậm chí là còn cao hơn. “Muốn hoàn thành chỉ tiêu, muốn có lương đều đặn hàng tháng, chúng em giờ đây không chỉ chăm sóc các khách hàng "VIP" mà còn phải lo đi chào mời cả khách hàng nhỏ lẻ, số tiền gửi từ vài chục triệu đồng”, anh Đức, nhân viên kinh doanh của ngân hàng O. cho biết.

Theo các chuyên gia, tiền gửi ngân hàng hiện nay vẫn được ưa chuộng nhất vì an toàn và chắc chắn có lãi, chứ không như các kênh đầu tư khác có nhiều rủi ro. Tuy nhiên trong cuộc đua giảm lãi suất hiện nay thì không ít các ngân hàng sẽ gặp khó khăn vì người có tiền sẽ chọn lựa, so sánh lãi suất để gửi. Nếu cùng một mức lãi suất, khách hàng chắc chắn sẽ tìm đến nhà băng lớn và có uy tín hơn là các ngân hàng khác.


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 20/02/2014, tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế giảm 1,66%,  tổng phương tiện thanh toán tăng 1,94% trong khi huy động vốn tăng 0,83% so với cuối năm 2013.

So với các năm trước, tốc độ tăng trưởng huy động vốn 2 tháng đầu năm nay thực sự sụt giảm mạnh. Cùng kỳ 2012, huy động vốn tăng trưởng 1% trong khi 2 tháng đầu 2013 tăng tới 2%.






Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên