MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm chứng thư giả, chiếm đoạt tiền thật

19-09-2012 - 07:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Đây là vụ án mà các bị cáo đã “phù phép” làm giả hàng loạt chứng thư ngân hàng có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng để đem đi lừa đối tác…

Phiên tòa do TAND Tp. Hồ Chí Minh xét xử Trương Công Dũng và đồng bọn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” diễn ra từ ngày 17 đến 21-9.

Đây là vụ án mà các bị cáo đã “phù phép” làm giả hàng loạt chứng thư ngân hàng có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng để đem đi lừa đối tác…

Do không đủ năng lực tài chính để ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp trong việc mua bán xăng dầu, sắt thép, cũng như việc chứng minh năng lực tài chính để cấp có thẩm quyền xét duyệt cấp phép đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Sao Mai tại huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, các bị can Nguyễn Minh Tuấn, Lê Nho Diễn, Vũ Xuân Nghiệp, Nguyễn Công Sáu, Nguyễn Văn Kha, Đặng Phúc Gia Bảo Trân với tư cách là tổng giám đốc, giám đốc các doanh nghiệp đã móc nối với cán bộ của Ngân hàng HSBC và Ngân hàng TMCP Gia Định thuê Nguyễn Thanh Tú, Trương Công Dũng, Lê Thanh Phong, Đinh Quốc Việt, Lê Quý Đắc, Nguyễn Thị Kim Bình và đồng bọn làm “Bảo lãnh thanh toán” của Ngân hàng HSBC, “Thư bảo lãnh thánh toán hợp đồng” của Ngân hàng TMCP Gia Định và “Giấy xác nhận số dư” của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam chi nhánh huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp và Chi nhánh quận 10, Tp. Hồ Chí Minh.

Sau khi có các giấy tờ giả này, các bị can đem lừa các doanh nghiệp ký kết hợp đồng kinh tế, tiếp nhận sắt thép theo hợp đồng để chiếm đoạt tài sản, hoặc sử dụng giấy tờ giả để lừa dối các cơ quan nhà nước nhằm chứng mình tài chính để xin cấp phép xây dựng bệnh viện tại Đồng Tháp và Long An.

Các bị cáo tại Tòa. Ảnh: VNE

Theo đó, 27 bị can đã làm giả 6 “Bảo lãnh thanh toán” với số tiền là 122 tỷ đồng của Ngân hàng HSBC, giấy giả “Thư bảo lãnh thanh toán hợp đồng” 18 tỷ đồng của của Ngân hàng HSBC và 2 giấy “Giấy xác nhận số dư” giả với tổng số tiền 265 tỷ đồng của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam Chi nhánh huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp và Chi nhánh quận 10, Tp. Hồ Chí Minh.

Tổng số tiền trên các giấy tờ giả là 405 tỷ đồng, chúng đã chiếm đoạt các đối tác thông qua ký kết hợp đồng mua bán sắt thép hơn 16,3 tỷ đồng.

Khi sự việc bị phát hiện, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu rà soát và ban hành đầy đủ quy trình quản lý, sử dụng và bảo quản con dấu tại đơn vị; Tăng cường công tác quản lý nhân sự, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý và sử dụng con dấu của ngân hàng.

Trường hợp phát hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo, tổ chức tín dụng cần khẩn trương báo cáo Ngân hàng Nhà nước và cơ quan pháp luật Việt Nam để ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Còn theo thông báo của Cục An ninh tài chính tiền tệ và đầu tư, Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) thì đây là hình thức phạm tội mới, có sự câu kết giữa đối tượng ngoài ngân hàng với nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của khách hàng.


Theo Văn Vũ
Báo Công lý

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên