MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo NHTM: "Chưa nên dành gói tín dụng cho giao thông vào lúc này"

17-08-2015 - 08:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Các lãnh đạo ngân hàng thương mại đều cho rằng tại thời điểm này chưa nên dành gói tín dụng cho các dự án BT hay BOT bởi rất dễ dẫn đến rủi ro.

Vào giữa tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 05 tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án giao thông theo mô hình BOT, BT. NHNN cho rằng một gói tín dụng như vậy, với thời hạn cho vay dài, quy mô vốn lớn, sẽ tác động lớn đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Trước việc NHNN ra “tín hiệu đèn vàng” dành cho các NHTM để xem xét cân nhắc và thận trọng lại việc đổ vốn vào các dự án giao thông, chúng tôi đã có cuộc tham vấn các ý kiến các lãnh đạo ngân hàng về việc nên hay không dành một gói tín dụng cho các dự án trên.

Ông Võ Trọng Thủy, thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết khó có nước nào thành công dự án BOT, BT bằng vay vốn ngân hàng. Vốn ngân hàng là ngắn hạn huy động chủ yếu từ phía người dân. Trong khi đó, dự án giao thông là những dự án trung và dài hạn, ít nhất cũng từ 10-15 năm.

“Nếu cho vay những dự án này thì cần xem xét thận trọng bởi về cơ cấu vốn có những lúc thị trường biến động, nếu ngân hàng nào cho vay các dự án trên mà nhiều thì thanh khoản sẽ gặp khó khăn ngay”, ông cho hay.

Ông cho biết thêm ở các nước khác các dự án BOT, BT thành công là do họ đa số huy động từ các các kênh dài hạn ví dụ phát hành trái phiếu dài hạn từ 5-15 năm, quỹ hưu trí, huy động từ dân, từ doanh nghiệp thông qua mua cổ phần, thông qua thị trường chứng khoán,…

“Một cách nữa là đổi đất lấy hạ tầng, đây là cách rất phổ biến. Giả sử xây một đường BOT được một miếng đất, nếu miếng đất đó đẹp có thể biến thành tiền rất nhanh bằng cách đầu tư hạ tầng rồi bán và thu được tiền ngay lập tức. Như vậy rõ ràng, vốn đầu tư vào BOT dài hạn tầm 20-30 năm có thể biến thành ngắn hạn nếu làm hạ tầng tốt”, ông Thủy chỉ ra.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng NHNN thấy các ngân hàng đổ ứng vốn nhiều cho các dự án giao thông BOT thường từ 10-15 năm nên đã siết lại việc xem xét đầu tư vốn.

Trong khi đó, tính ổn định của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tái cấu trúc hiện nay chưa cao. Nếu ứng vốn dài mà thu lại quá lâu sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản.

Ông nói thêm trong quá trình tái cấu trúc có thể có những phản ứng thuận và nghịch và cần có dự phòng đằng sau khi có chuyển nghịch để xử lý.

“Nếu ứng vốn cho các dự án BOT làm cho mẫu số tăng lên tức là tổng lượng tín dụng tăng lên làm nợ xấu giảm xuống nhưng rất nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung. NHNN cảnh báo và xem xét lại các gói tín dụng này là có cơ sở”, ông bày tỏ quan điểm.

Cũng đồng quan điểm trên, ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP HDBank cho biết: “Các dự án BOT là các dự án trung và dài hạn. Việc chúng ta tạo ra gói tín dụng cho các dự án trên vào thời điểm này là rất là khó. Riêng việc cho vay trung và dài hạn chúng ta đã phải tăng cường quản trị rủi ro chứ chưa cần nói đến BOT,BT”.

"Theo tôi tại thời điểm này chưa nên dành gói tín dụng cho các dự án BT hay BOT", ông nhấn mạnh.

Trước đó, các chuyên gia cũng đưa ra ý kiến không nên có gói tín dụng dành cho các dự án giao thông. Theo TS. Phan Minh Ngọc, mục tiêu của việc đưa ra chính sách phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP là để giảm thiểu gánh nặng cho Nhà nước, nay nếu có một gói tín dụng giao thông thì chẳng khác nào nhà nước vẫn phải bảo lãnh vốn cho các nhà đầu tư phi nhà nước.

TS. Cấn Văn Lực gợi ý ngoài phát hành trái phiếu công trình, huy động vốn kết hợp công tư theo hình thức PPP, ODA và đặc biệt có thể lưu ý đến nguồn vốn của ngân hàng đầu tư nước ngoài.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên