MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngân hàng: Đừng thấy đỏ tưởng chín

18-07-2011 - 18:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều người cho rằng, NH là ngành kinh doanh "siêu lợi nhuận". Thế nhưng, so sánh với khối tổng tài sản hay vốn tự có khổng lồ mới thấy, hiệu suất sinh lời chẳng thấm vào đâu.

Nhìn vào các con số hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận mà các ngân hàng công bố, nhiều người cho rằng, ngân hàng là một ngành kinh doanh "siêu lợi nhuận". Thế nhưng, so sánh với khối tổng tài sản hay vốn tự có khổng lồ của các ngân hàng này mới thấy, hiệu suất sinh lời chẳng thấm vào đâu. Hơn thế, do phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng nên lợi nhuận của các ngân hàng thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nếu so sánh với khối tài sản và nguồn vốn tự có khổng lồ của các ngân hàng sẽ thấy, hiệu suất sinh lời (ROA, ROE) của các ngân hàng đang có chiều hướng giảm sút. Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Sacombank cho rằng, chỉ tiêu lợi nhuận mà Sacombank đề ra cho cả năm nay là 2.700 tỷ đồng không phải là cao so với khối tài sản lên tới 140.000 tỷ đồng mà ngân hàng này đang sở hữu. Với lợi nhuận trước thuế của 6 tháng đầu năm 2011 là 1.515 tỷ đồng, ROA trước thuế của Sacombank vào ngày 30/06/2011 là 2,1% (quy theo năm) và ROA sau thuế (giả định 25% thuế lợi tức) của Sacombank chỉ còn là 1,6%.

Còn với ABBank, với con số lợi nhuận 6 tháng đầu năm 307,6 tỷ đồng có được trên khối tài sản lên tới 38.955 tỷ đồng cũng không phải là cao. Bởi ROA trước thuế của ABBank vào ngày 30/6/2011 là 15% và ROA sau thuế (cũng giả định 25% thuế lợi tức) thì chỉ còn 1,1%.

Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, đối với một nền kinh tế phát triển, ROA xoay quanh mức 1% và ROE quanh mức 14-15% là bình thường, nhưng ở một nền kinh tế đang phát triển mạnh như Việt Nam thì ROA trên dưới 1% là hơi thấp.

Cũng theo vị chuyên gia trên, năm nay, hầu hết các ngân hàng khó có thể đạt được những chỉ tiêu lợi nhuận cao vì chính sách thắt chặt tín dụng của NHNN và những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Đáng quan tâm hơn, do hoạt động dựa chủ yếu vào tín dụng nên lợi nhuận của các ngân hàng thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp không thuận lợi nên nợ xấu có chiều hướng tăng cao. Theo NHNN Việt Nam, tính đến 10/6, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng chiếm 2,72% tổng dư nợ, tăng 0,55% so với cuối năm 2010. Hơn nữa, nợ xấu tăng trong khi tín dụng chỉ tăng khoảng 7% cho thấy chất lượng tín dụng đang suy giảm làm gia tăng rủi ro tín dụng cho hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Hội nghị giữa kỳ các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam 2011, ông Nguyễn Văn Bình, Phó thống đốc NHNN Việt Nam cho biết, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng tăng lên từ mức 2% đến nay là 3% và kịch bản xấu nhất thì năm nay tỷ lệ này sẽ là gần 5%. Mặc dù ông Bình khẳng định, con số này vẫn trong tầm kiểm soát, song chừng đó cũng đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng cũng như hiệu quả hoạt động thực của các ngân hàng hiện nay.

Theo Hồng Dung

Đầu tư chứng khoán

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên