MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật hoá đấu giá tài sản đảm bảo: Thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu

05-11-2015 - 14:46 PM | Tài chính - ngân hàng

Các ý kiến đều thống nhất với việc đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua phải tuân theo các nguyên tắc quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để thúc đẩy quá trình xử lý nợ là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội tại phiên làm việc sáng 4/11, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội về Luật Đấu giá tài sản cho thấy, hiện có các luồng ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề này, xoay quanh việc thể hiện thế nào trong các quy định của pháp luật.

Cho đến kỳ họp này, điểm mới là nếu trước đây dự thảo Luật Đấu giá tài sản không quy định việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, thì nay theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: Các ý kiến đều thống nhất với việc đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua phải tuân theo các nguyên tắc quy định tại Luật Đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, quan điểm là cần có quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá loại tài sản đặc thù này nhằm đảm bảo việc xử lý nợ xấu nhanh chóng, hiệu quả, góp phần lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tín dụng và nền kinh tế.

Điểm còn “lấn cấn” khiến cho những thiết kế chi tiết chưa được công bố, có lẽ còn do có quan điểm khác nhau về thể hiện quy định nói trên ở một “điều” thuộc Chương VIII về điều khoản thi hành, theo hướng giao Chính phủ căn cứ các nguyên tắc của Luật Đấu giá tài sản quy định chi tiết trình tự, thủ tục đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu; hoặc quy định việc đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua thành một chương của luật.

Bàn về các quan điểm nói trên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, dự thảo Luật Đấu giá tài sản được xây dựng trên quan điểm chỉ đạo là xây dựng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản áp dụng thống nhất cho các loại tài sản đấu giá, đảm bảo tính ổn định, lâu dài của thị trường đấu giá tài sản.

Trong khi đó, sự tồn tại của nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua chỉ là hiện tượng nhất thời của nền kinh tế. Do đó, dự thảo luật tại Chương VIII về Điều khoản thi hành dự kiến sẽ giao Chính phủ căn cứ các nguyên tắc của Luật Đấu giá tài sản quy định chi tiết việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.

“Quy định như vậy vừa đảm bảo việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục riêng; thuận lợi, phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu, điều hành kinh tế và phù hợp với các nguyên tắc của Luật Đấu giá tài sản. Nếu quy định việc đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu thành một chương riêng thì sẽ phá vỡ kết cấu của dự thảo luật và không phù hợp với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật. Chính phủ đồng tình với loại ý kiến thứ nhất”, Bộ trưởng Cường nói.

Không đồng tình, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo luật cần quy định việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu, đảm bảo tính minh bạch và bảo đảm quyền sở hữu tài sản của các chủ thể.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu lập luận, thực tế thời gian vừa qua việc xử lý các khoản nợ xấu của các NHTM diễn ra chậm. Trong khi đó, đây là nguồn lực quan trọng, cần sớm phát huy tạo hiệu quả cho nền kinh tế thì lại vướng mắc từ các văn bản pháp luật.

Cũng bởi hiện nay, việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên tính ổn định chưa cao, vẫn chưa mang tính thị trường. Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thiết kế một số quy định mang tính nguyên tắc điều chỉnh việc đấu giá các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu tại dự thảo luật và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết.

Trước đó, góp ý vào dự thảo, phía NHNN Việt Nam cũng cho rằng, đưa quy định đấu giá các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo vào dự thảo luật là cần thiết và thể hiện tính pháp lý cao.

Một số đề xuất đáng chú ý của NHNN, góp ý rất cụ thể vào dự thảo Luật này như với quy định về tổ chức đấu giá tài sản cần bổ sung thêm VAMC bên cạnh DN đấu giá tài sản và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản. Bởi theo quy định của Chính phủ về tổ chức hoạt động của VAMC, công ty này được quyền tổ chức đấu giá tài sản và đây cũng là một trong những công cụ cần thiết để xử lý các khoản nợ xấu.

Dự thảo Luật Đấu giá tài sản gồm 8 chương, 78 điều, áp dụng đối với việc đấu giá các loại tài sản bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản do tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xử lý nợ xấu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Với quy định về đầu giá không thành, dự thảo Luật quy định sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc đấu giá lại theo thoả thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho TCTD nếu người có tài sản đấu giá không hợp tác trong phương thức xử lý tài sản đảm bảo, cũng như giá khởi điểm đấu giá lại. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho TCTD trong quá trình xử lý tài sản đảm bảo cần có quy định riêng cho TCTD về việc xử lý đấu giá tài sản không thành.

Theo Dương Công Chiến

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên