MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật sư: 530 tỷ đồng là chứng cứ của vụ án, phải trả lại cho OCB

13-03-2014 - 16:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 13/03/2014, phiên tòa xét xử đại án tham nhũng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đắk Lắk - Đăk Nông (VDB) tiếp tục diễn ra với sự tham gia tranh luận của các luật sư.

Luật sư Trần Công Tao, thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho VDB phản bác cáo trạng mà VKS Đăk Nông nêu ra.

Luật sư Tao khẳng định, số tiền hơn 511 tỷ đồng mà VDB thu nợ vay tín dụng xuất khẩu từ 04 khách hàng vay là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật. Theo Điều khoản thỏa thuận trong các hợp đồng tín dụng, các khách hàng tự nguyện và chủ động trả nợ; đồng thời khi thu nợ, pháp luật không bắt buộc ngân hàng phải có trách nhiệm xác minh nguồn tiền và trên thực tế cũng không một ngân hàng nào lại hỏi khách hàng “tiền đâu có để trả”; chỉ khi thu tài sản có đăng ký quyền sở hữu nhưng không phải của khách hàng vay để trừ nợ mà sau đó có tranh chấp, bên thu mới phải hoàn trả lại cho chính chủ của nó.

Nói cách khác, quan điểm của luật sư bên phía VDB là phủ nhận số tiền mà ngân hàng này đã thu nợ từ OCB là vật chứng của vụ án do cho rằng tiền đã đưa vào lưu thông, không phải vật đặc định, không mang dấu vết của tội phạm.

530 tỷ của OCB có phải là vật chứng của vụ án?

Luật sư Trần Minh Hải, giám đốc Công ty luật Basico (đoàn Luật sư Hà Nội) là người bảo vệ quyền lợi cho OCB nêu ý kiến rằng, nhóm bị cáo (bao gồm các bị cáo nguyên là giám đốc các doanh nghiệp vỡ nợ và bị cáo Hùng nguyên lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng VDB) dù nhìn dưới góc độ nào cũng đều hướng tới chiếm đoạt số tiền của OCB để hòng sử dụng trả các khoản nợ xấu thất thoát cho Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Nam Á.

Theo đó, số tiền bị chiếm đoạt của OCB chính là đối tượng của tội phạm, đồng thời cũng có giá trị chứng minh rõ ràng hành vi phạm tội của các bị cáo.

Xét từ phía Vũ Việt Hùng, mặc dù bị cáo đã đưa ra rất nhiều lý do phủ nhận sự giúp sức của mình cho các bị cáo nguyên giám đốc các doanh nghiệp vỡ nợ lừa đảo OCB, nhưng điều tra của tòa án đã cho thấy chứng cứ việc Vũ Việt Hùng biết rõ các doanh nghiệp vừa không có tài sản bảo đảm, không có cơ sở hạ tầng phục vụ phương án kinh doanh, không còn tiềm lực tài chính, không còn nội lực để trả nợ (thực chất đã vỡ nợ), thì không thể vay vốn tại ngân hàng khác.

Nhằm lấp đi các thất thoát từ việc cho vay các doanh nghiệp vỡ nợ tại chi nhánh mình quản lý, Hùng đã ký các hợp đồng tiền gửi giả làm tài sản đảm bảo để các đối tượng đem sang ngân hàng khác vay tiền.

Trước những phủ nhận về tính “vật chứng” của số tiền trên, Luật sư Hải đặt một loạt câu hỏi:

“Hùng chỉ đạo Chi nhánh VDB ký hợp đồng tiền gửi với các doanh nghiệp vỡ nợ để làm gì? Các doanh nghiệp nợ quá hạn cao, vay vốn sai mục đích, bị Hội sở yêu cầu ngừng giải ngân, thu vốn về, thì nếu doanh nghiệp còn tiền đâu đó, sao không thu nợ ngay trên tài khoản tại VDB mà lại cho lập hợp đồng gửi tiền?

Rồi Hợp đồng gửi tiền gì mà người gửi không có tiền gửi, VDB nhận tiền gửi thì lại không phải trả lãi tiền gửi một ngày nào, rồi thực tế tiền không được thực gửi dù chỉ 1 ngày vì vừa được chuyển về từ OCB là VDB thu nợ xấu ngay. Vậy mục đích của hợp đồng tiền gửi này là gì? Không thể coi đây là gửi tiền được.”

Bởi vậy, thực tế hợp đồng tiền gửi chỉ là thứ dẫn dụ khiến OCB, Nam Á tin tưởng, kết hợp với sự xác nhận của Hùng với danh nghĩa VDB cam kết tự động chuyển tiền lại cho OCB.

Tài sản bảo đảm luôn được các ngân hàng coi là chỗ dựa cho nghiệp vụ tín dụng. Một khoản vay được bảo đảm bằng 100% tiền gửi tại ngân hàng Phát triển quả thực là cơ sở để cán bộ Sở Giao dịch OCB tin tưởng giải ngân tiền vay.

Luật sư cho biết thêm, ngay trong lần mắc bẫy đầu tiên của OCB, tiền vay giải ngân vừa về đến VDB là lập tức Hùng cho sử dụng lấp đi các dư nợ xấu tại Chi nhánh mình quản lý. Sau đó, Hùng không hề để thông tin này đến được tới tai OCB bởi nếu có thì các bên đã công khai tranh chấp pháp lý và OCB sẽ không bị tiếp tục lừa gạt thêm số tiền 330 tỷ đồng sau đó.

Do vậy dù xét từ phía cácbị cáo nguyên giám đốc các doanh nghiệp vỡ nợ hay là xét từ phía Vũ Việt Hùng nguyên lãnh đạo Chi nhánh ngân hàng VDB có nợ xấu cao do cho vay ẩu, thì các bị cáo đều hướng tới việc chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Phương Đông. Số tiền mà OCB bị chiếm đoạt chính là đối tượng của tội phạm, đồng thời hoàn toàn có cơ sở chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.

“Căn cứ vào quy định tại Điều 74, Bộ luật Tố tụng Hình sự tôi đã viện dẫn, thì số tiền mà Ngân hàng Phương Đông bị chiếm đoạt chính là vật chứng của vụ án này, là tài sản thuộc sở hữu của Ngân hàng Phương Đông.” – Luật sư kết luận.

Số tiền VDB thu nợ thuộc về ai?

Theo hồ sơ vụ án đã được làm rõ, thì trong tổng số 530 tỷ đồng thuộc sở hữu của OCB mà Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Nam Á đã sử dụng thu nợ như sau:

- VDB sử dụng 461 tỷ đồng chiếm đoạt của OCB để thu nợ quá hạn, trong đó: Thu 306 tỷ đồng nợ quá hạn của Công ty TNHH TMDV Nhật Tân; thu 100 tỷ đồng nợ quá hạn của Công ty Minh Nhật; thu 30 tỷ đồng nợ quá hạn của Công ty Thủy Ngân; thu 25.561.193.063 đồng nợ quá hạn của Hợp tác xã Sông Cầu

- Ngân hàng Nam Á sử dụng 50 tỷ đồng chiếm đoạt của OCB để thu khoản nợ quá hạn của Hợp tác xã Sông Cầu.

Nguồn gốc số tiền VDB thu nợ là tiền do OCB bị lừa đảo, chiếm đoạt Tiền mà các doanh nghiệp vỡ nợ đưa cho VDB thu nợ có nguồn gốc từ giao dịch tín dụng mà trong đó OCB đã bị lừa đảo, chiếm đoạt.

Luật sư viện dẫn, nếu đem pháp luật dân sự để soi xét giao dịch tín dụng này dưới góc độ là một giao dịch dân sự, thì Điều 132 Bộ luật Dân sự có quy định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó”.

Đã là giao dịch vô hiệu do lừa dối, thì không phát sinh quyền sở hữu tiền vay của các doanh nghiệp và số tiền này vẫn thuộc sở hữu của OCB. VDB đã thu nợ sai pháp luật.

Theo Luật sư của OCB, căn cứ vào quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 76 Bộ luật Tố tụng Hình sự thì Ngân hàng Phát triển phải hoàn trả lại 461 tỷ đồng cho OCB, Ngân hàng Nam Á phải trả lại 50 tỷ đồng cho OCB và yêu cầu bị cáo liên quan hoàn trả số tiền còn lại cho OCB.

Ngoài ra theo luật sư Hải, việc trả lại vật chứng cho OCB còn có ý nghĩa quan trọng là thiết lập lại lòng tin trong cộng đồng ngân hàng, vốn bị suy giảm đáng kể qua vụ việc dùng uy tín ngân hàng VDB để chiếm đoạt tiền của OCB, Nam Á.

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên