MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 1 triệu USD vì cả tin

15-04-2013 - 19:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Cho đến bây giờ, ông L.H.C. (xã Bình Hưng, Bình Chánh, TPHCM) vẫn giày vò tự trách là tại sao mình lại quá dại dột, dễ tin một kẻ mới quen để rồi mất gần 1 triệu USD một cách oan uổng đến như vậy.

Theo đơn tố cáo của ông C. thì vào giữa năm 2009, thông qua một người quen, ông gặp Nguyễn Ánh Triều (ngụ quận 1, TP Hồ Chí Minh) tại một buổi tiệc. Ông Triều giới thiệu mình là Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH DL-DV-TM VN234, trụ sở đặt tại quận 10, đồng thời là giám đốc của Công ty Harimas có trụ sở đặt tại Malaysia. Ông Triều “nổ” rằng ông có quan hệ rất rộng với các tổ chức tài chính và ngân hàng ở nước ngoài, chỉ cần một tiếng nói của ông thôi là có thể vay được hàng chục triệu USD tha hồ mà làm vốn kinh doanh sản xuất.

Đang khát vốn để xây dựng Khu liên hợp chế biến nuôi trồng thủy sản tại huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang) nên khi nghe ông Triều nói vậy ông C. mừng như bắt được vàng. Ông liền thổ lộ cho ông Triều biết hoàn cảnh khó khăn về tài chính của công ty mình. Nghe xong, ông Triều mạnh miệng bảo sẽ giúp ông C. vay 50 triệu USD từ một ngân hàng ở Malaysia với mức lãi suất chỉ vài % một năm. Nói là làm, ông Triều bày vẽ cho ông C. làm thủ tục để chờ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chia tay tại buổi tiệc, ông C. nhiều đêm mất ngủ khi nghĩ đến viễn cảnh cầm 50 triệu USD trong tay với lãi suất vay không tưởng đó thì giàu to là cái chắc.

Không bao lâu sau đó, theo sự sắp xếp của ông Triều, ông C. làm đại diện cho công ty ở Việt Nam ký kết Hợp đồng nguyên tắc với Công ty Harimas ở nước ngoài do ông Triều làm Giám đốc. Theo đó, Công ty Harimas cam kết sẽ vay số tiền 50 triệu USD từ một ngân hàng có trụ sở đặt tại Malaysia. Sau khi vay được tiền, Công ty Harimas sẽ giữ lại 10 triệu USD, còn lại 40 triệu USD sẽ giao hết cho công ty của ông C. để hợp tác làm ăn.Cũng theo hợp đồng này thì phía công ty ông C. phải có trách nhiệm chuyển cho ông Triều khoản tiền bảo chứng là 1 triệu USD nhằm thực hiện ký quỹ cho ngân hàng nói trên.

Ngay sau khi ký hợp đồng này ông C. mang căn nhà mình đang ở đi thế chấp, bán luôn một cây xăng và mượn thêm một số người quen để đưa ông Triều hai lần tiền tổng cộng tương đương 900.000 USD tại Công ty VN234.

“Ôm” số tiền khổng lồ trong tay, ông Triều lập tức biến mất, ông C. điện thoại thì ông Triều hẹn lần rồi lánh mặt luôn. Để tìm hiểu sự thật, ông C. sang tận Malaysia để tường tận thì phát hiện ra rằng ngân hàng nói trên chỉ là một tổ chức tài chính nhỏ, trụ sở là một văn phòng bé tí tẹo với một vài nhân viên. Còn Công ty Harimas không có văn phòng như ghi trong hợp đồng mà chỉ là một địa chỉ thuê để nhận thư tín liên lạc.

Quay trở về Việt Nam, ông C. đến Công ty VN234 nơi T. là Phó Tổng giám đốc để hỏi chuyện Tổng Giám đốc công ty này thì được người này cho biết chẳng liên quan gì đến việc ông Triều nhận tiền của ông C.. Vị này còn cho biết, ông Triều đã ăn cắp con dấu của Công ty VN234 để giao dịch với ông C. nên đã bị đuổi việc rồi. Nghe đến đây, ông C. tối tăm mày mặt, câu chuyện xảy ra như là một kịch bản sắp sẵn mà ông C. chính là “con nai” bị xẻ thịt mà không hay biết gì!

Không còn cách nào khác, ông C. làm đơn tố cáo Nguyễn Ánh Triều đến cơ quan CSĐT của Bộ Công an. Khi biết mình bị tố cáo, ông Triều cam kết sẽ trả lại tiền cho ông C. chậm nhất là đến hết năm 2012, nhưng sau đó ông Triều chỉ trả 300 triệu đồng rồi mất dạng.Hiện tại, vụ việc này đang được cơ quan CSĐT Bộ Công an chuyển giao cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý điều tra làm rõ.

Ông C. cho biết, ông Triều chiếm đoạt tiền của mình để kinh doanh địa ốc, nhà hàng khách sạn và đang sống trong sự giàu sang, còn gia đình ông phải thuê nhà trọ ở (căn nhà duy nhất của ông đã bị cấn trừ nợ vay). Hai đứa con ông đang học đại học cũng phải nghỉ vì không có tiền đóng học phí…

Theo M.T.Phong

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên