MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trái của mức tăng dự trữ ngoại hối

11-07-2014 - 14:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Nói đi cũng nói lại, chỉ tiêu dự trữ ngoại hối cũng do nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế. Quy mô dự trữ ngoại hối nếu liên tiếp đạt kỷ lục cũng cho thấy nền kinh tế suy yếu, hấp thụ vốn kém.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức kỷ lục 35 tỷ USD. Con số này cũng đã được nhấn mạnh trong suốt quãng thời gian từ tháng 4 trở lại đây. Nhưng liệu có mối liên hệ nào khi NHNN tiếp tục mua ròng được USD và vốn vẫn chưa chịu chảy ra nền kinh tế.

NHNN cho biết tình trạng đôla hóa tiếp tục giảm (đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,4%, giảm so với mức khoảng 12,4% vào cuối năm 2012-2013). NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất tốt, không những đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế mà còn có dự trữ vốn để đề phòng bất kể lúc nào mà cầu của nền kinh tế khởi sắc thì có thể đưa ra ngay mà không ảnh hưởng đến lạm phát.

Điều nhìn thấy khi dự trữ ngoại hối tăng, sẽ giúp cho nền kinh tế có đủ tiềm lực để phát triển. Điều này cũng giống như sức đề kháng tốt sẽ tránh được các cú sốc từ bên ngoài. Hơn nữa NHNN cũng công bố từ 15/7/2014 tới, dự trữ ngoại hối sẽ bao gồm cả vàng và tiền gửi ngoại tệ của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại NHNN. Điều này có thể đưa dự trữ ngoại hối vượt lên trên 35 tỷ USD, tạo điều kiện để ổn định tỷ giá.

Đối với 1 nước đang trong thời kỳ hội nhập sâu, quy mô dự trữ ngoại hối là một trong những chỉ số kinh tế quan trọng để thực hiện các giao dịch vốn quốc tế. Vì vậy con số 35 tỷ USD tương đương 12 tuần nhập khẩu mang ý nghĩa tích cực trong thanh toán quốc tế.

Nguyên nhân khiến cho dự trữ ngoại hối tăng, được đến từ 3 nguyên nhân. Đó là sự tăng trưởng mạnh của các nguồn tài chính quốc tế như FDI, FPI, kiều hối, ODA. Từ đây cho thấy, Việt Nam vẫn là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn. Sau một thời gian dài suốt từ năm 2008 – 2011 cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, tác động tới kinh tế vĩ mô trong nước.

 Lạm phát thời bấy giờ luôn ở 2 con số, mà năm 2011 vẫn ghi con số khó quên 18%. Với mục đích bình ổn kinh tế vĩ mô, trong năm 2012 và 2013, thông điệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước quyết đảo ngược tình thế, quyết liệt bình ổn thị trường ngoại hối, chống tình trạng đô la hóa. Nhờ đó tình hình kinh tế vĩ mô được ổn định hơn. 6 tháng đầu năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,38%. Đây là tiền đề thuận lợi để nhà nước mua vào ngoại tệ, dự trữ ngoại hối đã tăng dần trở lại. Quy mô dự trữ ngoại hối từ 23 tỷ USD vào cuối năm 2012 vọt tăng 35 tỷ USD trong hiện tại.

Điểm thứ 3 khiến cho dự trữ ngoại hối tăng cao cũng chính là thế cờ nhập siêu đang dần được hạn chế. Và theo thông tin mới nhất từ Bộ Công thương , nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc – thị trường ảnh hưởng lớn nhất tới Việt Nam tốc độ đã chậm lại. Tháng 5, tăng trưởng nhập khẩu với thị trường này là 30,1% thì sang tháng 6 vừa qua, giảm xuống còn 11,4%.

Tuy nhiên, nói đi cũng nói lại, chỉ tiêu dự trữ ngoại hối cũng do nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế. Quy mô dự trữ ngoại hối nếu liên tiếp đạt kỷ lục cũng cho thấy nền kinh tế suy yếu, hấp thụ vốn kém.

Trở lại với diễn biến thị trường ngoại tệ trong thời gian gần đây, sau một thời gian lên cơn nóng vượt 21.300 đồng/USD vào trung tuần tháng 6, nay giá USD ngân hàng và cả ở ngoài thị trường tự do bước vào chuỗi ngày giảm giá. Tại Vietcombank tỷ giá sáng 10-7 ở mức 21.205 – 21.255 đồng (mua vào – bán ra). Nhiều chuyên gia đánh giá, nhu cầu ngoại tệ không lớn đã đẩy giá USD lao dốc. Điều này cho thấy, mặt phải của tấm huy chương dự trữ ngoại hối tăng cao là khả năng can thiệp của cơ quan quản lý để duy trì ổn định tỷ giá, nhưng mặt trái là sự trì trệ chưa bứt phá của sản xuất trong nước.

>>> Dự trữ ngoại hối cao kỷ lục 35 tỷ USD

Theo Hồ Hương

hangnt

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên