MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Miếng bánh” tín dụng SME: Lớn nhưng có dễ “xơi”?

20-03-2015 - 17:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo IFC, hiện nay nước ta có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp SME được đăng ký chính thức, chưa kể các doanh nghiệp chưa được đăng ký, vì thế quy mô của phân khúc này rất lớn và đây là phân khúc sẽ đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngân hàng.

Nội dung nổi bật

- Tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) được đánh giá là rất tiềm năng cả trong nước lẫn thế giới

- Các ngân hàng chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ ở phân khúc này. Các khó khăn cũng xuất hiện đòi hỏi ngân hàng phải có chiến lược

- ABBank có tham vọng nâng thị phần cho vay SME lên 60% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngân hàng này.


Sáng ngày 20/3/2015, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã ký kết hợp đồng tư vấn và khởi động dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)”.

Nhiều cơ hội

Chia sẻ bên lề buổi lễ ký kết, ông Neil Ramsden  - Chuyên gia cao cấp SME Banking toàn cầu của IFC, Chuyên gia trưởng của Dự án hợp tác về SME Banking với ABBank cho biết, IFC nhìn nhận lạc quan về phân khúc khách hàng SME ở Việt Nam. Theo IFC, hiện nay nước ta có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp SME được đăng ký chính thức, chưa kể các doanh nghiệp chưa được đăng ký và các doanh nghiệp phát triển từ hộ gia đình đi lên, vì thế quy mô của phân khúc này rất lớn và đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các ngân hàng.

Còn đại diện của ABBank - bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Tổng giám đốc cũng cho rằng SME là các doanh nghiệp quy mô khá nhỏ, chỉ có nhu cầu vay một vài tỷ, tuy nhiên  tổng số lượng các DN này lại lớn, chiếm 95 – 97% doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, các ngân hàng trên thế giới đều rất tham vọng và chú trọng đến mảng này.

Ở Việt Nam, phân khúc SME chưa được khai thác đầy đủ do chúng ta chưa đưa ra chiến lược và ưu tiên phát triển đầy đủ. Nhận thức rõ vấn đề này nên ABBank đã đặt mục tiêu nâng mạnh thị phần cho vay doanh nghiệp SME  trong tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngân hàng này lên tới 60% (từ mức hơn 40% hiện tại) và việc áp dụng dự án cho vay với doanh nghiệp SME như đang hợp tác với IFC sẽ  triển khai rộng khắp các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng.

Chia sẻ thêm về dự án lần này, bà Mai cho biết đây là một dự án quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của ABBank trong việc phục vụ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, từng bước khẳng định vị thế của nhà băng trên thị trường bán lẻ.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được triển khai trong vòng 18 tháng và tập trung vào một số nội dung chính như: xây dựng phân khúc SME chuẩn tại ABBank, ban hành các chính sách, sản phẩm dịch vụ hỗ trợ tín dụng, hạn chế rủi ro dành cho khách hàng SME; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, phát triển các công cụ, chính sách phục vụ cho công tác tiếp cận khách hàng của nhân viên ngân hàng.

“Chúng tôi sẽ tập trung phát triển chất lượng dịch vụ và năng lực đội ngũ bán hàng, cung cấp các gói giải pháp tài chính trọn gói được thiết kế riêng theo đặc trưng của từng phân khúc, từng ngành nghề, tính riêng biệt về quản trị điều hành của ngân hàng”, bà Mai nói.

Nhưng không ít khó khăn

Thừa nhận SME là mảng tiềm năng nhưng cả đại diện của ABBank và IFC cũng chung nhận định rằng sự chú trọng của các ngân hàng, các tổ chức tài chính sẽ làm cho thị trường chứng kiến sự cạnh tranh rất mạnh mẽ và cũng có nhiều khó khăn. Những khó khăn chung có thể kể đến như nguồn vốn để cho vay, tài sản đảm bảo, doanh nghiệp phá sản hàng loạt và cạnh tranh về lãi suất, dịch vụ...

Giải đáp những vướng mắc này, theo phó tổng giám đốc ABBank, lãi suất đúng là nhân tố quan trọng với các doanh nghiệp, nhưng không chỉ có lãi suất quyết định tất cả mà bên cạnh đó còn có các giải pháp về tài chính, các dịch vụ đi kèm.

Theo bà Ngọc Mai, người gửi tiền thì luôn muốn lãi suất gửi cao còn người vay muốn lãi suất thấp và đây là bài toán được đưa ra không chỉ ở ABBank mà còn cả trong hệ thống. “Hàng năm chúng tôi đều đặt ra mức lãi suất thấp hơn kỳ vọng của khách hàng. Để cân bằng hơn, chúng tôi cũng đã liên tục có các gói giải pháp, chương trình dành riêng cho khách hàng đặc biệt là nhóm SME có thể nhận được nhiều ưu đãi và khuyến khích khách hàng tham gia”.

Về nguồn vốn, thông thường các khách hàng muốn vay trong trung hoặc dài hạn, nhưng ngân hàng lại có cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn là chủ yếu. Nói về khó khăn này, theo đại diện ABBank, ngân hàng cũng tìm kiếm nguồn vốn với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới thông qua Ngân hàng Nhà nước trong chương trình SMEFP III (chương trình cho vay được các ngân hàng phối hợp với Ban Quản lý các Dự án tín dụng quốc tế – NHNN và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)).

Về nút thắt tài sản đảm bảo, theo lãnh đạo ABBank,  khi cho vay khách hàng, bản thân ngân hàng luôn nhắm đến đầu tiên là tài sản đảm bảo và khách hàng có nhu cầu thực sự hay không, có được sử dụng hiệu quả hay không, có đem lại dòng tiền mong muốn cho khách hàng và nền kinh tế hay không để tiến hành thẩm định các khoản vay.

Với vấn đề kinh tế khó khăn và doanh nghiệp phá sản thì lãnh đạo ngân hàng cho rằng hiện nay doanh nghiệp phá sản vẫn song song với doanh nghiệp lập mới và xét chung là tổng doanh nghiệp vẫn tăng. Với đà phục hồi kinh tế trong 2 năm tới mà các chuyên gia dự báo, ngân hàng tin tưởng hoạt động của mảng này sẽ có những kỳ vọng tăng trưởng tốt trong những năm tới đây.

Tựu chung lại, mảng SME giàu tiềm năng, có khó khăn nhưng ngân hàng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án chiến lược cụ thể để tự tin với mục tiêu đã đặt ra là cho vay ngày càng nhiều các doanh nghiệp SME.

 

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên