MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mở cửa ngân hàng: Cơ hội nhiều hơn thách thức

27-06-2015 - 10:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo lộ trình cam kết, đến năm 2015, Việt Nam phải mở cửa các ngành dịch vụ, trong đó có ngành ngân hàng với mức sở hữu nước ngoài có thể lên đến 70%, so với mức hiện nay là 30%.

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
288 bài viết

Để hiểu thêm vấn đề này, DĐDN đã có cuộc trò chuyện với TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ BIDV xung quanh vấn đề này.

Ông Lực chia sẻ, đối với NHNN, hội nhập quốc tế tạo cơ hội nâng cao năng lực và hiệu quả điều hành, thực thi chính sách tiền tệ độc lập và đổi mới cơ chế kiểm soát tiền tệ, lãi suất, tỷ giá dựa trên cơ sở thị trường, tạo ra lực đẩy cho sự phát triển của thị trường tiền tê, đồng thời sẽ thúc đẩy cạnh tranh và kỷ luật thị trường trong hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Cạnh tranh giữa các ngân hàng sẽ thúc đẩy hiệu quả không chỉ trong huy động, phân bổ các nguồn vốn mà còn ở hiệu quả kinh doanh của mỗi ngân hàng. Mở cửa thị trường tài chính trong nước dẫn đến quá trình sắp xếp lại thị trường và hoạt động ngân hàng theo hướng chuyên môn hóa tùy theo thế mạnh cạnh tranh của mỗi ngân hàng…

– Tuy nhiên, với lộ trình đã cam kết, ngành ngân hàng sẽ phải mở cửa lên đến 70% cho sở hữu nước ngoài, so với mức hiện nay là 30%. Ông dự đoán bức tranh ngành ngân hàng trong thời gian tới sẽ thay đổi như thế nào ?

Theo tôi, năm 2016, sẽ có thêm nhiều ngân hàng nước ngoài đầu tư vào VN. Việc mở cửa với mức độ lớn hơn sẽ tạo nhiều cơ hội cho ngân hàng trong nước tìm nhà đầu tư, đối tác chiến lược, song cũng đặt ra không ít thách thức. Do vậy , ngành ngân hàng trong nước cần có biện pháp ứng phó. Xét về lộ trình cam kết đa phương và song phương, thì VN phải mở cửa 70%, song ASEAN cho phép có ngoại lệ. Theo đó, một số nước kém phát triển hơn thì được phép có lộ trình hội nhập dài hơn. Vì vậy, cuối 2015, VN có thể chưa phải mở cửa ngay ở mức 70% đối với ngân hàng, mà có thể chọn phương án mở cửa 40%, 50% hoặc 60%, điều này tùy thuộc vào kết quả đàm phán của Chính phủ.

Tuy nhiên, thông thường, khi rót vốn vào lĩnh vực ngân hàng VN, nhà đầu tư nước ngoài thường đi từng bước một. Bước đầu là lập văn phòng đại diện, tiếp đến lập chi nhánh hoặc liên doanh, sau đó là thành lập DN 100% vốn nước ngoài hoặc có thể bỏ tiền mua 100% cổ phần của ngân hàng trong nước. Việc quyết định đường đi, nước bước tùy thuộc chiến lược và độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng nước ngoài.

– Ở chiều ngược lại, hội nhập không chỉ khiến ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam nhiều hơn, mà cũng mở ra cơ hội cho ngân hàng Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, thưa ông?

Đúng vậy, một số ngân hàng lớn của Việt Nam đã mở rộng đầu tư sang các nước ASEAN, đặc biệt Lào, Campuchia, Myanmar… Đầu tư ra nước ngoài không dễ dàng, nhưng tôi khẳng định là có hiệu quả. Các ngân hàng, trong đó có BIDV đang làm ăn tốt tại Lào, Campuchia… với lợi nhuận hấp dẫn hơn ở Việt Nam như ROE đạt tới hơn 10%, (con số này không dễ đạt được ở Việt Nam). Chưa kể, khi đầu tư sang Lào, Campuchia và sắp tới là Myanmar, lợi ích mà Việt Nam đạt được không chỉ thuần túy là kinh tế.

Dù các ngân hàng Việt Nam có thể không thua ngân hàng trong khu vực, nhưng quy mô còn nhỏ bé, sản phẩm, dịch vụ, chất lượng còn kém hơn so với các ngân hàng khu vực. Do vậy, chúng ta cần đi nhanh hơn bằng các hình thức như mua lại, thâu tóm, liên kết… và tập trung nhiều hơn vào công nghệ, con người…

– Nhưng rất nhiều ý kiến lo ngại rằng, công tác quản trị của hệ thống ngân hàng hiện nay rất yếu, do vậy, họ lo sợ trước khi mở cửa hội nhập. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Mở cửa thị trường dịch vụ ngân hàng theo các cam kết song phương và đa phương đây là điều kiện tốt để thu hút đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực tài chính… Đồng thời các công nghệ ngân hàng và kỹ năng quản lý tiên tiến được các ngân hàng trong nước tiếp thu thông qua sự liên kết, hợp tác kinh doanh, quá trình học hỏi và hỗ trợ kỹ thuật của các ngân hàng nước ngoài cho các ngân hàng trong nước.

Có thể nói, sự tham gia điều hành, quản trị của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng trong nước là yếu tố quan trọng để cải thiện nhanh chóng trình độ quản trị kinh doanh ở các ngân hàng nội.

Các ngân hàng trong nước có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ về tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức mới của các ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế hỗ trợ xây dựng năng lực quản trị ngân hàng tiên tiến. Không những vậy các ngân hàng trong nước sẽ được tăng cường khả năng phòng ngừa và xử lý rủi ro nhờ áp dụng công nghệ ngân hàng, kỹ năng quản trị, phát triển sản phẩm mới. Đồng thời, tăng khả năng huy động các nguồn tiết kiệm nội địa nhờ tác động của tự do hóa tài chính và đầu tư.

Do các hạn chế về đầu tư tài chính được dỡ bỏ, các ngân hàng trong nước sẽ linh hoạt hơn trong việc phản ứng, điều chỉnh hành vi của mình theo các diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để tối đa hóa cơ hội sinh lời và giảm thiểu rủi ro. …

– Xin cám ơn ông

 

 

Theo Phương Hà

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên