MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mua ngân hàng 0 đồng là quan hệ mua bán chứ không phải quốc hữu hóa"

24-10-2015 - 08:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Đại diện NHNN cho biết, đừng nghĩ ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tài chính của Nhà nước, phải chi trả cho người gửi tiền.

Thêm một lần nữa, Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa tại Hội thảo “Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu” khẳng định việc NHNN mua lại các các ngân hàng với giá 0 đồng là đúng luật, dựa trên Quyết định 48/2013/QĐ-TTg ngày 01/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Một trong những sứ mạng của NHNN là bảo vệ tổ chức tín dụng và người gửi tiền. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là hoàn toàn dựa trên tiêu chí khách quan và kết quả định giá độc lập về tài sản của các ngân hàng yếu kém.

Ông nhấn mạnh việc NHNN mua các "ngân hàng 0 đồng” dựa trên giá trị thực của cổ phiếu của các ngân hàng đó. “Đây là quan hệ mua bán, không phải là quốc hữu hóa. Đừng nghĩ ngân hàng phá sản thì Nhà nước không mất gì, bởi Bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tài chính của Nhà nước, phải chi trả cho người gửi tiền. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém là để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và đảm bảo sự an toàn cho hệ thống." ông Nghĩa nói.

Ông đồng ý với ý kiến của ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát ngân hàng 0 đồng không phải là mua ngân hàng 0 đồng mà mua cổ phiếu ngân hàng đó.

Trước đó, ông Phước cho biết khái niệm "0 đồng" mà chúng ta đưa ra là không đúng. Tại sao không mua 1 đồng? 1 đồng khác 0 đồng chỗ nào? "Hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rõ khái niệm “0 đồng” mà nên nói rõ NHNN mua toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông hiện hữu mua theo giá thị trường - market value là 1 đồng, có gì đâu mà phải thắc mắc nữa", ông Phước nhận định.

Ông Nghĩa giải thích thêm, NHNN mua hoàn toàn dựa trên định giá độc lập. NHNN chi ra một đồng nhưng phải xứng đáng với giá trị thực của nó kể cả 1 đồng vì đây là tiền thuế của dân đóng.

Đại diện NHNN cho biết số liệu mới nhất về nợ xấu, ước tính đến thời điểm này là trên 98% số nợ xấu xác định tại thời điểm 9/2012 đã được xử lý tương ứng với gần 458.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã nhận diện nợ xấu ở thời điểm đó tương đối sát (465.000 tỷ đồng).

“Chúng ta không đặt ra lộ trình chắc chắn cho đề án xử lý nợ xấu chắc chắn rằng 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%. Nhưng cả hệ thống ngân hàng đã phấn đấu đưa nợ xấu về dưới 3% trước 30/9 là 2,93%”, ông Nghĩa khẳng định.

Ông cũng thừa nhận, nợ xấu của ngân hàng là tài sản không sinh lời của doanh nghiệp, chúng ta không thể xử lý bằng mọi giá vì như thế sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến cả tổ chức tín dụng. “Con đường VAMC là sự lựa chọn tối ưu trong bối cảnh không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu", ông Nghĩa khẳng định.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên