MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Muốn xử lý nợ xấu nhanh cần trao quyền xử lý tài sản đảm bảo cho chủ nợ

14-04-2015 - 16:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo ông Trần Bắc Hà, để xử lý nợ xấu có hiệu quả, phải cấp quyền xử lý tài sản đảm bảo cho chủ nợ và việc mua bán tài sản đảm bảo phải đảm bảo tính minh bạch.

Theo công bố của NHNN, tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 1/2015 là 3,74% và cuối tháng 2/2015 là 3,86%. Cùng kỳ này năm trước, tỷ lệ nợ xấu tháng 1/2014 là 3,46% và tháng 2/2014 là 3,59%. Còn cuối tháng 12/2014, tỷ lệ nợ xấu đã bất ngờ giảm so với trước còn 3,25%.

Như vậy, tuy vẫn theo quy luật tăng vào các tháng đầu năm so với cuối năm trước khi các Tổ chức tín dụng tích cực xử lý nợ xấu và vẫn thấp hơn so với cùng kỳ nhưng thực tế là tỷ lệ nợ xấu quý I/2015 đã tăng so với thời điểm cuối năm 2014.

“Diễn biến này cho thấy bóng dáng ban đầu của vấn đề là kết quả xử lý nợ xấu còn chưa thực sự vững chắc” – ông Cấn Văn Lực, Giám đốc Trung tâm đào tạo Ngân hàng BIDV nhận xét.

Thách thức của tỷ lệ nợ xấu 3%

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị phải giảm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng xuống dưới 3%. Đây được đánh giá là một thách thức đối với các ngân hàng khi thông tư 02 về phân loại nợ và tiêu chuẩn trích lập dự phòng có hiệu lực vào ngày 01/04/2015 thay thế QĐ 780 đặt họ trước “mối đe dọa” tăng các khoản nợ xấu.

Và như số liệu nói trên, tỷ lệ nợ xấu các tháng đầu năm 2015 đang có chiều hướng tăng so với cuối năm 2014.

Tuy nhiên, trong nỗ lực xử lý nợ xấu mới đây nhất, Chính Phủ đã thông qua Nghị định 34/2015/NĐ-CP ngày 31/03/2015 để tăng cường tiềm lực tài chính cũng như quyền và cơ chế đặc thù cho VAMC. Nghị định này được đánh giá là sự tháo gỡ về mặt tài chính cũng như pháp lý cho VAMC, tháo gỡ những vướng mắc trong mua – bán nợ và xử lý Tài sản đảm bảo.

Bên cạnh đó, NHNN đã chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2015 của VAMC lên tới 80.000 tỷ đồng và yêu cầu mỗi NHTM phải bán số nợ xấu tối thiểu cụ thể theo ấn định của NHNN. Theo đó, đến ngày 30/06/2015, phải bán được tối thiểu 75% và đến ngày 30/09/2015, phải bán hết 100% tổng số nợ xấu được ấn định.

Với những biện pháp này, ông Cấn Văn Lực cho rằng tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có khả năng sẽ giảm xuống cùng với sự tăng tốc mua nợ xấu của VAMC.

“Với tốc độ bán nợ gần đây của các ngân hàng cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu nhiều khả năng có thể đạt 3% vào cuối năm 2015. Khi thông tư 02 có hiệu lực vào ngày 01/04/2015, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng thêm nhưng các ngân hàng lại được tạo điều kiện bằng việc bán nợ cho VAMC.” – ông Lực đánh giá.

Và vấn đề cơ bản nhất là xử lý nợ xấu như thế nào, NĐ 34 đã giải quyết được một phần.

Theo ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), con số 3% mà Thủ tướng chỉ thị là bình quân cả hệ thống, và không phải ngân hàng nào cũng phải đạt dưới 3%.

“Đối với các Ngân hàng có sở hữu tư nhân, việc giảm tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% có thể nói là khó, nhưng các NHTM có tỷ lệ sở hữu chi phối của nhà nước thì tỷ lệ này không khó.” – ông Bắc Hà cho biết.

Bơm tiền cứu doanh nghiệp hay phải chôn – cũng đang thiếu cơ chế

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành ngân hàng và là Chủ tịch HĐQT của một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam, ông Bắc Hà nhận xét, tỷ lệ nợ xấu 3% là thách thức của ngành nhưng con số không quan trọng bằng xây dựng được một hệ thống pháp lý tạo lập thị trường cho việc mua bán nợ. Đây là một yếu tố quan trọng vì nguyên tắc xử lý nợ của Chính phủ là “theo thị trường”.

Với những quy định mới và áp lực của các ngân hàng, trong thời gian tới đây, việc thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo sẽ gay gắt hơn. Nhưng dù thế nào, ông Bắc Hà cho rằng để xử lý nợ xấu có hiệu quả, phải cấp quyền xử lý tài sản đảm bảo cho chủ nợ và việc mua bán tài sản đảm bảo phải đảm bảo tính minh bạch.

“Các ngân hàng trung bình phải mất 3 năm mới xử lý xong một khoản nợ xấu. Việc nhanh hay chậm tùy thuộc tính chất tài sản nhưng quyền xử lý phải nằm trong tay chủ nợ.”

Nghị định 34 đã tạo dựng được một cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động xử lý nợ xấu song theo ông Bắc Hà, với việc Quyết định 780 hết hiệu lực vào ngày 31/03/2015 để chính thức áp dụng Thông tư 02, các ngân hàng cần phối hợp với các cơ quan quản lý liên quan để phân loại nợ một cách cụ thể hơn. Đồng thời, có cơ chế đồng ý cho ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp với sự giám sát chặt chẽ.

Không phải khoản nợ nào cũng có khả năng phục hồi. Và thậm chí, những doanh nghiệp đã được tái cơ cấu rồi cũng vẫn gặp khó khăn. Đối với những khoản “nợ kẹt” – tức khoản nợ của những doanh nghiệp đã tạo ra được sản phẩm nhưng còn dở dang, dẫn đến không đưa vào lưu thông trên thị trường được, ông Bắc Hà cho rằng phải “bơm thêm tiền để hoàn thiện”.

Ông Bắc Hà cho biết, hiện tại đang có tình trạng “tâm lý” đối với Ngân hàng là có hỗ trợ doanh nghiệp hay không, hay nói cách khác, niềm tin của Ngân hàng với Doanh nghiệp chưa chắc chắn. Kể cả khi “bơm tiền” cho doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm thì cũng nảy sinh vấn đề như hàng hóa có đưa được vào thị trường hay không, sản phẩm có bản được không?

Theo chủ tịch BIDV, dù sao, yếu tố tích cực của việc bơm thêm tiền cho doanh nghiệp là tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cho xã hội. Điều này có lợi hơn việc để sản phẩm đó dở dang, tồn đọng và gây tình trạng đóng băng vốn không thể tháo gỡ.

“Với tôi, nợ kẹt là những khoản nợ được tái cơ cấu và có tài sản đảm bảo, nên hỗ trợ về chính sách, nguồn lực cho nó có thể trở thành sản phẩm hoàn chỉnh. Đối với những khoản nợ không cứu được nữa thì phải chôn. Nhưng sẽ chôn như thế nào? Đó cũng là một câu hỏi chưa thể trả lời”

>> Nghị định 34 mới thêm những “quyền năng” gì cho VAMC?

Thanh Mao

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên