MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nâng trần lãi suất lên 200% là chưa có cơ sở”

23-04-2008 - 20:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc các tổ chức tín dụng “vượt rào” vừa qua là do thực tế khách quan hay do luật?

Tờ trình của Chính phủ đề xuất, điều chỉnh lãi suất vay được ghi trong điều 476 bộ luật Dân sự, từ không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố thành không được vượt quá 200%. Lí do của đề xuất này: mức khống chế lãi suất cho vay tối đa bằng 150% lãi suất cơ bản là quá thấp.

“Nếu áp dụng như vậy sẽ không phù hợp với thực tế và sẽ dẫn đến rất nhiều hợp đồng cho vay của các tổ chức tín dung vi phạm”, Thống đốc NHNN Trần Văn Giàu phân tích.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Quốc hội lại không đồng ý tăng lãi suất trần, thậm chí không đồng ý với việc sửa đổi điều 476. Lí lẽ đưa ra là điều luật này không xác định lãi suất cụ thể mà chỉ khống chế trần lãi suất trên cơ sở lãi suất do NHNN công bố.

Việc để xảy ra nhiều hợp đồng tín dụng cho vay của của tổ chức tín dụng có lãi suất vượt quá lãi suất qui định tại luật theo UB là do Ngân hàng nhà nước không công bố lãi suất cơ bản để làm cơ sở cho cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh mà để các tổ chức này tự ấn định lãi suất trên cơ sở tham khảo lãi suất cơ bản do NHNN công bố.

Đã tính đến người sản xuất chưa?

Trong phần thảo luận, ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế cho rằng, hiện có khoảng 4-5% dư nợ của các tổ chức tín dụng vi phạm luật, có thể bị tuyên là vô hiệu nên theo ông phải sửa đổi điều 476.

Tuy nhiên, ông Ngoạn cho rằng, không nên nâng biên độ lãi suất từ 150 lên 200% mà chỉ nên áp dụng qui định này làm cơ sở cho các cơ quan pháp luật đưa ra phán quyết khi có tranh chấp với các hành vi cho vay nặng lãi (hụi, họ, miêu, phường).

Với lãi suất tín dụng, theo ông Ngoạn nên điều chỉnh ở luật khác. “Lãi suất của các tổ chức tín dụng là lãi suất của nền kinh tế, được kiểm soát chặt chẽ của NHNN. Chúng ta không e ngại các tổ chức tín dụng cho vay nặng lãi”, ông Ngoạn lí giải.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích, do nền kinh tế đang rơi vào lạm phát khiến chúng ta “giật mình” và nghĩ đến việc điều chỉnh.

Ông Hiển quyết liệt: “Việc điều chỉnh đã tính đến người sản xuất chưa hay đây là một đòn giáng vào người sản xuất?”. Ông Hiển lo ngại tình huống, các doanh nghiệp không có khả năng chi trả, Ngân hàng không thu được nợ sẽ dẫn tới đổ vỡ dây chuyền.

Theo ông, việc nâng biên độ từ 150 lên 200% là chưa có căn cứ và nếu chấp nhận 200% là chấp nhận bóc lột thặng dư, rất nguy hiểm cho nền kinh tế.

“Chúng ta gắn với thực tiễn, không phải đứng về tổ chức tín dụng để đề ra giải pháp điều chỉnh”, Thống đốc NHNN Trần Văn Giàu lí giải sau đó.

Theo ông Giàu, lãi suất cơ bản không phải là lãi suất thực, không sát với thực tế. Lãi suất cơ bản của NHNN hiện nay là 8,75%, nếu cho vay với mức trần chỉ là 13%, khả năng huy động vốn sẽ rất hạn hẹp (đầu ra thấp thì đầu vào cũng phải thấp).

Tổng hợp các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, trần 150% thể hiện quản lí nhà nước, chống lạm phát, chống lạm dụng, để đảm bảo phát triển kinh tế.

Việc các tổ chức tín dụng “vượt rào” do thực tế khách quan hay do qui định của luật theo ông Lưu vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Do các tranh luận chưa ngã ngũ, ông Uông Chu Lưu đề nghị sẽ đưa ra 2 phương án trình Quốc hội: lãi suất vay không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do NHNN qui định hoặc vẫn giữ không vượt quá 150% như cũ.

Theo Cấn Cường
Dantri

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên