MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng vào Nghị quyết của Quốc hội

22-09-2014 - 08:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh băn khoăn, không hiểu NHNN căn cứ vào những gì để đưa ra có số tăng trưởng tín dụng từ 12 – 14% cho năm tới.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 29/8/2014 tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,21% so với cuối năm 2013 và tăng 12,35% so với cùng kỳ năm 2013.

Mặc dù bỏ ngỏ phương án có đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm hay không (mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2014 từ 12 – 14%), nhưng người đứng đầu ngành ngân hàng cũng chỉ khiêm tốn dự báo đến cuối năm tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt được khoảng 10%.

Và cuối tuần qua, theo báo cáo giải trình phục vụ cho phiên chất vấn của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 29/9 tới thì tổng phương tiện thanh toán năm 2015 dự kiến sẽ tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12-14% so với cuối năm 2014.

Như vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm tới không có gì thay đổi so với 2 năm trước đó.

Bình luận về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm tới của NHNN, tiến sĩ Vũ Đình Ánh băn khoăn, không hiểu NHNN căn cứ vào những gì để đưa ra có số tăng trưởng tín dụng từ 12 – 14% cho năm tới và thậm chí là cả năm nay (năm 2014).

“Nhìn vào những năm gần đây chúng ta chưa thể tìm ra được mối quan hệ về mặt định lượng là tổng tín dụng cụ thể sẽ là bao nhiêu. Mặc dù về lý thuyết thì, tín dụng ngân hàng có mối quan hệ mật thiết với việc thực hiện hai mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng hàng đầu của Việt Nam đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ lạm phát hàng năm” – Ông Ánh nói.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây chỉ tiêu lạm phát rất khác biệt, diễn biến lạm phát gần như không dự báo được còn chỉ số về tăng trưởng thì dễ dự báo hơn; Tổng tín dụng của nền kinh tế tăng thấp trong đó VND luôn tăng thấp hơn so với đồng ngoại tệ. Chính vì thế phải đặt mục tiêu tăng tổng tín dụng trong mối liên quan với những vấn đề khác.

“Càng không thể chắc chắn mối quan hệ mật thiết giữa tăng trưởng tín dụng với lạm phát. Liệu đây có còn là mối quan hệ nhân quả? Có thể ước lượng được không? Và ước lượng như thế nào” – Ông Ánh đặt câu hỏi.

Ông Ánh đề nghị nên đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm vào nghị quyết của Quốc hội. Điều này không nhằm mục đích làm khó ngành ngân hàng vì nếu mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra thành Nghị quyết thì mục tiêu đó sẽ không được xây dựng theo cảm tính mà điều đó được dựa trên bàn luận, nghiên cứu của các bên khác nhau, trong đó có cả ý kiến của bên đi vay…

Bên cạnh đó, chuyên gia tài chính Lê Thị Tuấn Nghĩa – Học viện Ngân hàng cũng cho rằng, mặc dù kết quả tăng trưởng tín dụng quay quanh mục tiêu đề ra nhưng thực tiễn cho thấy trong các năm 2012, 2013, 2014 tín dụng thường tăng trưởng rất khó khăn trong giai đoạn đầu năm (thường xuyên tăng trưởng âm) và chỉ tăng trở lại từ quý II, trong khi tăng mạnh vào thời điểm quý IV (2012, 2013).

“Điều này làm gia tăng quan ngại về thực trạng một số NHTM tăng trưởng tín dụng ảo vào cuối năm để đón trước chính sách giao chỉ tiêu tăng trưởng tín cho năm sau” – Bà Nghĩa lưu ý.

>>> Khi dòng tiền chuyển động


Khánh Nhi

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên