MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nên “neo” trần lãi vay theo lãi suất cơ bản?

26-06-2015 - 09:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự thảo Luật Dân sự luật quy định, lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 200% lãi suất cơ bản...

Thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Quốc hội chiều 25/6, nhiều đại biểu vẫn băn khoăn về quy định về lãi suất cho vay tài sản.

Khoản 3, điều 483 dự thảo luật quy định: trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác.

Trong trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Theo đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) thì cần quy định rõ mức lãi suất thỏa thuận không vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng với thời điểm vay.

Đại biểu Trường cũng cho rằng quy định lãi suất thỏa thuận không vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, nhưng loại trừ các khoản vay của các tổ chức tín dụng là không phù hợp.

Ông Trường lo ngại việc quy định các tổ chức tín dụng có thể được ấn định mức lãi suất cao hơn mức Bộ luật Dân sự quy định, trong khi Bộ luật Dân sự là luật chung, luật cơ bản áp dụng cho các quan hệ dân sự, sẽ dẫn tới không có giới hạn về lãi suất đối với các khoản vay của các tổ chức tín dụng.

Theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng hiện hành, hiện nay đã và đang không có quy định của luật kiểm soát mức lãi suất trần cho vay đối với các khoản vay của tổ chức tín dụng, đại biểu Trường nói.

Đại biểu Phạm Văn Hà (Nghệ An) cũng lo ngại sẽ có vướng mắc khi dự thảo luật quy định: trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất, lãi suất do các bên thỏa thuận. Nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định. Trường hợp không có lãi suất luật định coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.

Đại biểu Hà phân tích, dự thảo luật quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận. Thỏa thuận của các bên là có lãi, nhưng không xác định rõ mức lãi cụ thể mà điều luật lại ghi tiếp thì lãi suất do các bên thỏa thuận là bỏ lửng, vướng mắc khi thi hành. Vậy, khi tranh chấp xảy ra, trong trường hợp này sẽ áp dụng mức lãi suất nào để giải quyết?

Ý này, theo đại biểu Hà cần sửa lại là: trường hợp các bên có thỏa thuận việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận được áp dụng là lãi suất cơ bản.

Quan điểm của đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) là nên quy định mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật Dân sự, không nên sử dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố làm lãi suất tham chiếu.

Đồng thời, cần quy định nguyên tắc thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể khi cần thiết, bởi vì lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính chất của thị trường, không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau.

Ông Minh cho rằng, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh quan hệ dân sự là không phù hợp, gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Việc quy định cụ thể mức lãi suất trong Bộ luật Dân sự sẽ đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, những người tham gia có thể áp dụng ngay. Đồng thời, họ cũng biết được hậu quả pháp lý khi xác lập hội đồng vay.

Trong thực tế, nếu Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất dỡ bỏ lãi suất cho vay bằng lãi suất cơ bản thì khi hoàn chỉnh dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), điều phải thống nhất trước tiên là không nên coi lãi suất cơ bản là yếu tố quyết định, mà nên theo cách tính như nhiều quốc gia, sử dụng lãi suất trung bình ở một số ngân hàng lớn quan trọng, đại biểu này góp ý.

Một số đại biểu Quốc hội khác cho rằng trong cơ chế thị trường, lãi suất nên để hai bên tự thỏa thuận..

 

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên