MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng 0 đồng và thị trường vốn

21-03-2015 - 23:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước vừa tuyên bố trường hợp đầu tiên bị mua lại với giá 0 đồng. Còn nhiều ý kiến băn khoăn, trái chiều về giải pháp này của NHNN. Nhưng cũng phải nhìn nhận một cách khách quan: Vì đâu nên nông nỗi này?

Gần đây NHNN chính thức công bố mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC) với giá 0 đồng và chuyển đổi ngân hàng này thành sở hữu nhà nước. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, khi các cổ đông làm mất hết vốn của mình và thậm chí dùng vốn xã hội thì các cổ đông đó không còn chỗ đứng nữa. NHNN tiếp quản lại để giữ ổn định hệ thống cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp…

Ném chuột không vỡ bình?

Khẳng định trên của Thống đốc có thể làm người dân tạm yên tâm. Nhưng vấn đề là “quýt” làm, sao lại bắt “cam” chịu?

Những cổ đông lớn, người có quyền quyết định đã khiến VNBC có kết cục như ngày nay. Họ mất vốn đầu tư, thậm chí có thể phải đối mặt với pháp luật. Nhưng những cổ đông nhỏ lẻ, người gửi tiền hoặc khách hàng, doanh nghiệp vay vốn, mở tài khoản thanh toán tại VNBC thì sao? Nhớ lại, năm 2013, TrustBank tái cấu trúc và đổi tên thành VNBC với sự tham gia của Tập đoàn Thiên Thanh và các cổ đông khác.

Cuộc gặp mặt các nhà đầu tư thời điểm đó để công bố “gói tín dụng” này tại TP.HCM và Hà Nội đều có sự hiện diện của lãnh đạo NHNN. Cơ quan quản lý đến để giám sát hay để cổ vũ, động viên ngân hàng vừa tái cơ cấu lại? Có lẽ chỉ người đến dự mới biết. Nhưng chính sự có mặt của đại diện NHNN đã là cơ sở để gây dựng niềm tin cho nhà đầu tư lúc đó. Cho dù không lâu sau người ta nhanh chóng phát hiện gói tín dụng 50 ngàn tỷ đồng mà VNCB công bố chỉ là… bánh vẽ.

Cho đến lúc này, ngoài việc mua lại, chuyển đổi VNBC thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu thì NHNN chưa công bố bất kỳ phương án giải quyết nào sau khi mua lại VNBC. Do được mua lại, VNBC không phải là trường hợp phá sản, giải thể nên người gửi tiền sẽ không bị mất tiền. Nhưng tiền gửi của họ có được tính lãi không, cách tính thế nào? Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, dẫn đến một số tài khoản bị phong tỏa, ảnh hưởng rất lớn đến khách hàng, doanh nghiệp liên quan. Những tổn thất đó (nhiều khi không thể đong đếm được bằng tiền) sẽ được đền bù thế nào?... Câu hỏi nào cũng khó, cần có giải pháp kín kẽ. Sự thận trọng của NHNN là tất yếu. NHNN áp dụng giải pháp gì lúc này sẽ là tiền đề cho các trường hợp sau này. Sau VNBC, như ông Nguyễn Phước Thanh, Phó thống đốc NHNN khẳng định: sẽ còn một vài trường hợp ngân hàng bị âm vốn chủ sở hữu, không tự tái cơ cấu được cũng sẽ bị mua lại.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã tuyên bố trong 6 tháng đầu năm 2015 sẽ xử lý 6-8 ngân hàng yếu kém; đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về 3%... Việc NHNN mạnh tay sắp xếp lại hệ thống các tổ chức tín dụng là cần thiết. Ngành ngân hàng gần đây đã dần xây dựng được niềm tin với thị trường. Nhưng từ những vấn đề nảy sinh trong ngành ngân hàng cũng cần nhìn nhận lại thị trường vốn của Việt Nam hiện nay.

Phải tái cơ cấu tận ngọn

Có thể nói hiện vốn tín dụng ngân hàng vẫn là nguồn chủ lực cho đầu tư phát triển. Nếu như năm 2014 nhiệm vụ của ngành ngân hàng là kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô… thì năm nay thậm chí ngành này còn phải lĩnh trách nhiệm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này giải thích tại sao NHNN đã đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14 - 17% trong năm nay.

Vốn tín dụng không những tăng mà theo chỉ đạo của Chính phủ, ngay trong tháng 3/2015, NHNN cùng Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bổ sung vốn đối ứng cho dự án ODA để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn ODA. Mà các dự án này thường có thời hạn triển khai 5-10 năm, thậm chí 20 năm. Vậy là tới đây, khi dự án cho vay trung và dài hạn khác chưa đến kỳ đáo hạn, việc có thêm nhiều khoản cho vay mới sẽ khiến tín dụng trung, dài hạn trong hệ thống ngân hàng tăng vọt. Điều này gây sức ép về huy động nguồn vốn cũng như rủi ro lên hệ thống ngân hàng. Theo tính toán sơ bộ, hiện vốn ngân hàng chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư, 20% còn lại là từ bảo hiểm và chứng khoán. Đây là điều bất hợp lý.

Với các nước trên thế giới, ngân hàng chủ yếu cung cấp vốn ngắn hạn, vốn lưu động. Còn khi muốn đầu tư trung, dài hạn doanh nghiệp sẽ phải phát hành trái phiếu hoặc với công trình hạ tầng lớn thì đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ. Và trái phiếu Chính phủ chính là nguồn vốn mồi để thu hút đầu tư tư nhân. Có như vậy, luân chuyển dòng tiền trong nền kinh tế mới nhanh được.

Trở lại vấn đề thị trường vốn của Việt Nam. Vài năm gần đây, phát hành trái phiếu Chính phủ tăng kỷ lục với lãi suất ngày càng thấp đã thu hút nguồn vốn lớn cho đầu tư. Nhưng chính các NHTM vẫn đang là đối tượng mua loại trái phiếu này nhiều nhất. Rồi mớ trái phiếu Chính phủ đó cuối cùng lại được NHNN mua lại khi các NHTM tái chiết khấu. Với thị trường chứng khoán, lúc thị trường thăng hoa cũng là giai đoạn tăng trưởng tín dụng “đại nhảy vọt”. Khi tín dụng cho chứng khoán bị thắt lại, thị trường lập tức lao dốc…

Từ lâu các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị phải phát triển thị trường trái phiếu, nôm na là lập ra một cái chợ, có nhiều loại hàng hóa, có nhiều thành phần nhà đầu tư tham gia mua - bán. Nếu thị trường trái phiếu có thanh khoản tốt sẽ thu hút nhà đầu tư. Lúc đó việc phát hành trái phiếu, dù của doanh nghiệp, địa phương hay Chính phủ cũng sẽ thuận lợi hơn, tạo nguồn cung vốn lớn cho nền kinh tế, không dồn áp lực lên một mình ngành ngân hàng như hiện nay. Cùng với sự phát triển của thị trường vốn, sự quyết liệt trong tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, thì tình trạng sở hữu chéo, cho vay sân sau sẽ giảm, sẽ không còn nhiều những VNBC hay OceanBank, GPBank…

>>> 40.000 tỷ đồng để tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng

Theo Thái Thanh

PV

Doanh nhân

Trở lên trên