MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng có thật lời to?

06-07-2009 - 08:51 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáu tháng đầu năm, nhiều ngân hàng cổ phần vẫn công bố “lời to” trong khi nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn ở nhiều lĩnh vực.

Dư luận băn khoăn liệu ngân hàng có thực sự lời to? Lành mạnh hay nhờ được đặc quyền đặc lợi? Ngân hàng “lời to” có hàm chứa sự lỗ lã, khó khăn của các khu vực kinh tế khác?

Vietcombank ước sáu tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế 2.450 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng khác mới có số liệu lợi nhuận trước thuế năm tháng đầu năm cũng rất khả quan như ACB: 900 tỉ đồng, Techcombank: 789 tỉ đồng, Eximbank: 674 tỉ đồng, Sacombank: 660 tỉ... Chưa thấy ngân hàng nào công bố lỗ.

Có lời thật?

Thước đo về năng lực tạo lợi nhuận từ mỗi đồng vốn đầu tư thường được xét trên tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE). Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Sơn cho rằng, cần phải xét tỷ lệ này trong mối tương quan với lạm phát.

Năm 2008, chỉ số lạm phát là 22,97%, theo tổng cục Thống kê. Thử khảo sát ở 14 ngân hàng có số liệu, năm 2008 (VCB, Vietinbank, BIDV, Agribank, Eximbank, ACB, Sacombank, Kỹ thương, Đông Á, Phương Đông, Sài Gòn, Đệ Nhất, Phương Nam, Sài Gòn Công thương), chỉ có hai ngân hàng có ROE cao hơn chỉ số lạm phát là Á Châu và Kỹ thương.

Nghĩa là, ở nhiều ngân hàng, đồng vốn đầu tư của cổ đông đã bốc hơi theo trượt giá, dù ngân hàng có lợi nhuận. Năm 2008, ngân hàng Vietcombank có lợi nhuận sau thuế với số tuyệt đối lớn nhất 2.680 tỉ đồng, nhưng ROE chỉ 19,43%, thấp hơn mức lạm phát.

Lãi lớn không hẳn tốt

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Sơn, ngân hàng lãi cao trong khi kinh tế khó khăn, không hẳn là đã tốt. Vì hiệu quả hoạt động ngân hàng phải dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó khăn, mà ngân hàng vẫn lời nhiều, hàm chứa việc ngân hàng đã “tước đoạt” lợi nhuận của các khu vực khác.

Lợi nhuận có được của năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 được giải thích một phần nhờ mua vào trái phiếu bán tháo với giá rẻ hồi năm ngoái, đến nay số trái phiếu này vẫn đem lại lợi tức. Nhưng đây chỉ là nguồn lợi nhuận nhất thời có được từ “cơ hội” khủng hoảng kinh tế.

Chuyên gia ngân hàng Trang Văn Sanh cho rằng, tín dụng chỉ nên chiếm khoảng trên 50% thu nhập ngân hàng. Tỷ lệ cao hơn là nguy hiểm, đặc biệt khi kinh tế chao đảo, doanh nghiệp khó khăn, sẽ kéo ngân hàng vào khó khăn. Các ngân hàng mạnh thường cố gắng phát triển các dịch vụ ngân hàng ngoài tín dụng để giảm thiểu rủi ro.

Trong khi đó, phần lớn các ngân hàng Việt Nam vẫn dựa vào tín dụng, đặc biệt là năm nay khi ngân hàng thực hiện cho vay có hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Tại ngân hàng lớn như VCB lợi nhuận thu từ hoạt động tín dụng chiếm tới 70% trong sáu tháng đầu năm.

VCB cho biết đến hết tháng 6, dư nợ cho vay 129.000 tỉ đồng. Tỷ trọng dư nợ ngắn hạn trong tổng dư nợ có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2008 (tương đương 67% so với 60%), trong đó, dư nợ ngắn hạn hỗ trợ lãi suất là 42.000 tỉ đồng.

Dấu hỏi cơ cấu nợ?

Đến nay, chưa thấy có báo cáo công khai nào về kết quả cơ cấu nợ. Nhưng từ tháng 11.2008, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, nhiều nhóm giải pháp được áp dụng, trong đó về thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ có việc cơ cấu lại nợ.

Giải pháp này, theo nhiều chuyên gia, vừa cứu doanh nghiệp, vừa cứu ngân hàng. Ông Sanh cho rằng đây là giải pháp cần thiết, nuôi con nợ để bắt con nợ phải trả nợ thay vì để con nợ phá sản.

Tuy nhiên, việc này chỉ có tác dụng tích cực khi con nợ còn có khả năng tồn tại và phát triển khi được khoanh nợ, đảo nợ, cho vay nợ mới trả nợ cũ… Nếu việc thẩm định dự án, thẩm định năng lực doanh nghiệp không được thực hiện, sẽ dẫn đến tình trạng nợ xấu phình to hơn, và càng khó giải quyết trong tương lai.

Như vậy, về kỹ thuật, việc cơ cấu nợ, trước mắt có thể làm đẹp sổ sách, giúp ngân hàng hạch toán “lời to”, nhưng có thực lời hay không, phải chờ những chu kỳ kinh doanh mới, khi việc cơ cấu nợ có kết quả.

Do có cơ cấu nợ, nên tỷ lệ nợ xấu mà các ngân hàng công bố, cũng được cải thiện. Có lẽ vì lý do này, mà trong đánh giá về tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam và quốc tế có nhiều sai biệt.

Theo một cựu tổng giám đốc ngân hàng, việc lời lỗ đến mức nào còn do ngân hàng “vận dụng” kỹ thuật hạch toán để giấu lỗ hoặc giấu lãi. Mức lãi năm nay, có thể do lãi từ các năm trước chuyển qua để làm đẹp sổ sách, chẳng hạn như định lại giá vàng, giá USD… trong hạch toán.

Theo Kim Văn
SGTT

khanhhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên