MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng đau đầu tìm cách đòi nợ

01-11-2015 - 10:57 AM | Tài chính - ngân hàng

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ngân hàng đã được đưa về mức an toàn tuy nhiên các ngân hàng và VAMC vẫn đang gặp nhiều vướng mắc về hành lang pháp lý để xử lý triệt để những khoản nợ rủi ro này.

Là người trực tiếp xử lý nợ xấu của Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), TS. Lê Cẩm Ninh, Phó ban Quản lý và xử lý nợ xấu cho biết trong ba năm qua, công tác thu hồi nợ đã được ngân hàng thực hiện rất nghiêm ngặt. Ban lãnh đạo ngân hàng không chỉ thường xuyên làm việc với các chi nhánh mà chủ động rà soát thực trạng của từng khoản nợ, phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng...

Tuy nhiên, ông Ninh chỉ ra xử lý tài sản bảo đảm (TSĐB) hiện nay không chỉ riêng tại ngân hàng Vietinbank mà còn ở nhiều ngân hàng khác gặp khó khăn và vướng mắc về hành lang pháp lý. Để dẫn chứng, ông Ninh kể thêm câu chuyện mà ông từng tham gia công tác cưỡng chế thu hồi tài sản, trong đó hình ảnh các anh công an đùn đẩy nhau việc ai có súng người đó đi trước và họ không cưỡng chế người đó ra khỏi TSĐB mà họ chỉ làm theo nhiệm vụ giữ trật tự an ninh, trong khi khách hàng thì chây ỳ, chống đối cực kỳ quyết liệt. Ông cho biết có vụ kéo dài chục năm, khiến các cán bộ ngân hàng thu hồi nợ rất mệt mỏi.

Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP ban hành ngày 29/12/2006 của Chính phủ, Điều 63 quy định: TCTD có quyền yêu cầu bên giữ TSBĐ phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ TSBĐ không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ TSBĐ để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trong quá trình tiến hành thu giữ TSBĐ, nếu bên giữ TSBĐ có dấu hiệu chống đối, cản trở, gây mất an ninh, trật tự nơi công cộng hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác thì người xử lý TSBĐ có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và cơ quan Công an nơi tiến hành thu giữ TSBĐ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm cho người xử lý tài sản thực hiện quyền thu giữ TSBĐ.

Theo ông Ninh, pháp lý cho phép ngân hàng được quyền thu giữ TSBĐ cho mình nhưng trong trường hợp bị chống đối, cản trở,… thì chỉ quy định: ngân hàng được yêu cầu cơ quan chức năng giữ gìn trật tự để ngân hàng thực hiện quyền thu giữ tài sản. Xét về trách nhiệm, cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ bằng quyền hạn giữ gìn an ninh chung chứ hoàn toàn không tham gia vào chuyện bảo vệ quyền thu hồi TSBĐ hợp pháp của ngân hàng nếu xảy ra chống đối, cản trở.

Vì vậy, đại diện ngân hàng Vietinbank kiến nghị có sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý để tháo gỡ vướng mắc trong hành lang pháp lý giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu.

Thu hồi được tài sản đảm bảo đã khó, tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả bán nợ, TSĐB còn rất khiêm tốn. TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV cho biết. “Bản thân ngân hàng của tôi mất 3 - 4 năm vẫn không bán được tài sản đảm bảo của một doanh nghiệp nhà nước". Do đó, ông cho rằng sự vào cuộc của các cơ quan chức năng chưa quyết liệt.

Vấn đề thứ hai, Việt Nam chưa có cơ chế thị trường phù hợp, như tỷ lệ chia lỗ chênh lệch của giá nợ xấu mua vào và bán ra. Ví dụ, Thái Lan quy định lãi và lỗ cùng san sẻ với tỷ lệ 50-50. Ông Lực bày tỏ quan điểm, giữa VAMC và các TCTD nên có cơ chế chia sẻ khoản chênh lệch giữa giá mua nợ xấu và giá bán theo tư duy thị trường: lỗ cùng chịu, lãi cùng chia.

Giãi bày về những bất cập hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC chỉ ra, các TCTD phối hợp với VAMC tiến hành thu giữ, phát mại TSĐB, tuy nhiên khách hàng không bàn giao tài sản, không có mặt theo thời gian, địa điểm thu giữ, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng đi ra khỏi địa phương… Trường hợp thu giữ được thì việc bán đấu giá gặp khó khăn như: bên đảm bảo không hợp tác vấn đề thỏa thuận giá khởi điểm hoặc thuê tổ chức định giá… dẫn đến VAMC và TCTD không thể xử lý để thu hồi nợ.

Ông Hùng kể có trường hợp TCTD bán nợ cho VAMC sau đó phối hợp tiến hành thu giữ tài sản để phát mại, sau khi thu giữ để tiến hành phát mại thì khách hàng khởi kiện tài sản có tranh chấp từ trước khi bán nợ cho VAMC. Tình huống này đưa VAMC vào tình thế phải xử lý sau khi có bằng chứng TSĐB có tranh chấp và phải trả lại khoản nợ cho TCTD, ảnh hưởng đến uy tín, vai trò của VAMC…

"Trong thời gian qua, rất nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với VAMC. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hệ thống pháp luật tại Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến mua bán và xử lý nợ, về sở hữu đất đai, về tái cấu trúc doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò còn hạn chế của VAMC trong việc quyết định các vấn đề về bán nợ, bán tài sản bảo đảm..., các nhà đầu tư chỉ mới tiếp cận để tìm hiểu bước đầu mà chưa chính thức đặt vấn đề cụ thể", ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng từ năm 2016, sau thời gian tập trung mua nợ bằng TPĐB, VAMC sẽ tập trung toàn lực vào bán nợ, bán tài sản,…và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế dần việc mua nợ bằng TPĐB.

"Nếu tiềm lực đủ mạnh, VAMC sẽ hướng đến việc bỏ vốn mua cổ phần của các TCTD để tham gia tái cấu trúc TCTD" - vị chủ tịch VAMC khẳng định.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên